Mời chuyên gia giỏi làm đề thi

16/09/2016 08:23 GMT+7

Bộ GD-ĐT đang thống kê số lượng câu hỏi trắc nghiệm mà ĐH Quốc gia Hà Nội chuyển đến và sẽ sớm mời các chuyên gia, giáo viên giỏi, có kinh nghiệm để tham gia làm đề thi.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên xung quanh việc xây dựng ngân hàng đề thi và kế hoạch thực hiện công tác thi 2017.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
       
Ông Ga cho biết nếu như phương án được chính thức thông qua, việc chuẩn bị cho đề thi sẽ phải bắt đầu ngay. Từ năm 2012, Bộ đã giao cho 6 trường đổi mới tuyển sinh, trong đó có ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, hình thức thi hoàn toàn là trắc nghiệm. Nhờ đó mà đã có sự chuẩn bị rất căn bản về dữ liệu đề thi. Tất nhiên, Bộ cũng sẽ phải bổ sung thêm câu hỏi vào nguồn dữ liệu này. Ngay bây giờ Bộ đã phải triệu tập các thầy cô ra đề vào ban đề thi.
Phải có từ 15.000 - 20.000 câu hỏi
Bộ đã rà soát, tính toán và ước lượng xem có thể sử dụng được bao nhiêu câu hỏi trong ngân hàng đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội chưa?
Hiện nay tổ công tác của Bộ đang phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội thống kê lại số lượng câu hỏi mà Bộ có thể sử dụng được, từ đó xác định được số lượng câu hỏi cần phải bổ sung. Dự kiến đầu tuần sau Bộ sẽ thử nghiệm câu hỏi với học sinh (HS) nhằm chuẩn hóa câu hỏi. Với thi tự luận, thông thường các thầy tự ra đề rồi tự phản biện chứ không có việc đưa đề cho HS làm thử. Sau đó, những người làm đề sẽ bỏ ra những câu quá khó hoặc những câu quá dễ, chỉ để lại những câu phù hợp. Kế đến làm ma trận đề thi, nghĩa là tạo ra nhiều “ô ngăn kéo” theo các mức độ từ dễ đến khó, rồi bỏ các câu hỏi phù hợp vào ô tương ứng. Quy trình này tuân thủ các yêu cầu của khoa học đo lường chứ không phải là tùy tiện.
Việc thử nghiệm trên HS có thực hiện được không khi HS lớp 12 mới chỉ vào năm học được hơn một tháng?
Bộ sẽ thử nghiệm với số HS đã tốt nghiệp lớp 12 của năm học 2015 - 2016, cụ thể là với những em đã trúng tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội. Thử nghiệm để so sánh với kết quả thi THPT quốc gia của các em thêm một lần nữa. Sau khi thử nghiệm, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa.
Để bổ sung câu hỏi cho ngân hàng đề thi, Bộ có huy động rộng rãi hơn giáo viên, giảng viên tham gia soạn thảo câu hỏi?
Bộ sẽ mời những chuyên gia, thầy giáo giỏi, có kinh nghiệm để tham gia việc này. Trước khi tham gia, họ cần được tập huấn để làm đề thi trắc nghiệm theo yêu cầu chuẩn hóa. ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong số ít có chuyên ngành khoa học đo lường giáo dục, có số lượng chuyên gia đáng kể trong lĩnh vực này. Họ sẽ là những người giúp Bộ tập huấn cho giáo viên phổ thông, giảng viên ĐH về việc soạn câu hỏi thi.
Hai tuần nay tổ công tác đang rà soát ngân hàng đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhanh thì trong tuần sau hoặc chậm nhất là đầu tháng 10, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa, sau đó bắt tay vào xây dựng ngân hàng đề thi.
Việc làm đề thi giờ đây phải là việc làm lâu dài. Với kỳ thi năm 2017, nếu một phòng thi là 30 em thì số đề tối thiểu để sử dụng mỗi môn cũng phải là 30. Nếu đề 50 câu thì cần 1.500 câu hỏi/đề, nếu đề 40 câu thì cần 1.200 câu/đề. Ngoài ra, phải có số dư dôi lớn hơn rất nhiều. Vì thế, Bộ đặt kế hoạch trong năm nay tổng số câu hỏi tích lũy phải đạt được 15.000 - 20.000 và sẽ bổ sung hằng năm.
Chủ yếu để xét tốt nghiệp
Sau khi Bộ đưa ra dự thảo phương án thi và tuyển sinh năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ có nhiều tranh cãi là do Bộ gộp 2 mục đích trong một kỳ thi. Nếu tách ra từng mục đích thì dễ xử lý hơn nhiều, ông nghĩ sao?
Nếu tách 2 mục đích thì quá đơn giản. Nhưng việc gộp 2 mục đích vào một kỳ thi là bài toán thực tế mà Bộ buộc phải giải. Kỳ thi THPT quốc gia thực chất dùng để xét tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu để các trường căn cứ vào đó xét tuyển.
Trường nào muốn thì vẫn có thể tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, mong muốn của Bộ là tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia để xã hội yên tâm, tin cậy vào kết quả. Tôi tin nếu được thế thì các trường chẳng việc gì phải tổ chức thêm một kỳ thi đầy tốn kém, rủi ro, mà có thể dùng luôn kết quả đó tuyển sinh. Chỉ có một số trường yêu cầu cao thì họ sẽ dùng kết quả thi THPT quốc gia để sơ tuyển, sau đó tổ chức kiểm tra năng lực, đánh giá thêm, nhưng cũng với một số lượng thí sinh tham gia hạn chế. Chẳng hạn họ cần lấy 2.000 trong khi có 3.000 em đủ điều kiện sơ tuyển vào thi thì không nhất thiết tổ chức kỳ thi cho cả triệu thí sinh.
Mục tiêu của Bộ đặt ra quá cao cho kỳ thi nên dư luận thấy khó. Bộ có thể đặt mục tiêu một kỳ thi nghiêm túc để xét tốt nghiệp, việc các trường có dùng kết quả kỳ thi để tuyển sinh hay không sẽ là hệ quả của mục tiêu Bộ đặt ra. Quan điểm của ông thế nào?
Bộ đâu có nói kỳ thi này là thi tuyển sinh ĐH! Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chứ không phải là kỳ thi ĐH, CĐ. Vì vậy mà nội dung thi nằm trong chương trình THPT, có yêu cầu phân hóa. Nếu là kỳ thi riêng cho tuyển sinh ĐH thì độ phân hóa phải rất cao. Còn cái này mình dùng chủ yếu để xét tốt nghiệp, có độ phân loại nhất định, để phần lớn các trường có thể dựa vào tuyển sinh. Nếu trường nào không bằng lòng với kết quả này thì các trường tổ chức tuyển sinh riêng, Bộ hoàn toàn không cấm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.