Mở đầu vào thạc sĩ, làm sao chất lượng đảm bảo ?

Hà Ánh
Hà Ánh
27/11/2020 07:02 GMT+7

Thời gian tới, người học nhiều chương trình thạc sĩ sẽ không cần thi tuyển đầu vào. Bên cạnh đó, hình thức liên thông từ bậc ĐH lên thạc sĩ sẽ được triển khai rộng hơn. Đầu vào 'thoáng' hơn, liệu chất lượng có đảm bảo?

Xét tuyển đầu vào chỉ ở mức điểm trung bình ?

Theo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ được ban hành năm 2015 và đang áp dụng hiện nay, Bộ GD-ĐT quy định “cứng” hình thức thi tuyển đầu vào với người VN, chỉ xét tuyển với người nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ trong nước. Khi đó, người dự thi phải tốt nghiệp ĐH và thi 3 môn gồm ngoại ngữ và 2 môn khác, trong đó 1 môn chủ chốt ngành học, chuyên ngành học.
Nhưng dự thảo lần 3 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ đang được Bộ lấy ý kiến hiện nay thì có những thay đổi căn bản về hình thức tuyển sinh đầu vào bậc học này. Theo đó, bên cạnh hình thức thi tuyển, dự thảo cho phép các trường có thể xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi và xét khi tuyển học viên cao học.
Đáng chú ý là điều kiện xét tuyển. Cụ thể, bên cạnh ngoại ngữ thì việc xét tuyển sẽ căn cứ vào kết quả học tập trình độ ĐH và kết quả của ít nhất 2 môn quan trọng trong các học phần bắt buộc theo yêu cầu của ngành đào tạo thạc sĩ. Ngưỡng đảm bảo đầu vào cho phương thức xét tuyển được quy định trong dự thảo này là đạt ít nhất 50% thang điểm của học phần trình độ ĐH sử dụng để xét tuyển (có thể hiểu đạt từ mức điểm trung bình trở lên - PV).
Như vậy, nếu dự thảo quy chế này được thông qua, việc tuyển sinh đầu vào trình độ thạc sĩ sẽ “thoáng” hơn hẳn trước đây. Theo đó, ngưỡng để xét tuyển (không cần thi) để học chương trình thạc sĩ chỉ cần đạt mức trung bình trở lên.

Tích hợp, liên thông ĐH lên thạc sĩ

Liên thông từ bậc học thấp hơn lên bậc học cao hơn trước nay chỉ áp dụng trong các bậc học trung cấp, CĐ và ĐH. Nhưng nay, hình thức liên thông này bắt đầu xuất hiện từ bậc ĐH lên thạc sĩ thông qua việc xét tuyển. Trong dự thảo lần 3 của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ này, khái niệm chương trình tích hợp trình độ ĐH và thạc sĩ lần đầu tiên được nhắc đến.

Vai trò của Bộ GD-ĐT trong hậu kiểm

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng dự thảo việc cho phép xét tuyển cao học đang giống tuyển sinh bậc ĐH hiện nay. “Một khi giao tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đào tạo thì vai trò của Bộ trong hậu kiểm rất quan trọng. Các trường dù áp dụng hình thức tuyển sinh nào nhưng đầu ra phải đảm bảo chuẩn chung đã được quy định trong Khung năng lực quốc gia VN cho bậc thạc sĩ”, ông Nghĩa ý kiến.
“Quy chế của Bộ được soạn thảo theo tinh thần giao quyền tự chủ tuyển sinh đầu vào cho các trường. Tuy nhiên, các trường phải có cách để giữ chất lượng đầu vào của trường mình”, PGS-TS Vũ Phan Tú ý kiến.
Từ 2019, ĐH Quốc gia TP.HCM đã ban hành Quy chế tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ ĐH lên thạc sĩ. Căn cứ trên quy chế này, năm nay một số trường ĐH thành viên bắt đầu thông báo tuyển sinh liên thông cho một số ngành đào tạo. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tuyển 180 chỉ tiêu cho 9 ngành. Đối tượng dự tuyển là sinh viên năm thứ 3 và 4 đã tích lũy được từ 75 tín chỉ trở lên, với điểm trung bình từ khá trở lên (7/10 điểm). Với chương trình liên thông này, sinh viên sẽ học chương trình thạc sĩ ngoài giờ hành chính để rút ngắn thời gian học tập và có thể hoàn thành việc học ĐH và thạc sĩ trong vòng 4,5 - 5,5 năm.
Tương tự, Trường ĐH Bách khoa cũng triển khai chương trình liên thông này từ năm học 2019 - 2020. Sinh viên khá giỏi sẽ rút ngắn ít nhất 1 năm so với chương trình bình thường. Điều kiện để sinh viên được đăng ký học chương trình này: tích lũy từ 60 tín chỉ trở lên, điểm trung bình từ 7,0 và đăng ký ngành phù hợp với ngành đang học. Bên cạnh đó, trường ĐH này còn dự kiến xây dựng chương trình tích hợp kỹ sư - thạc sĩ (180 tín chỉ, thời gian học từ 5 - 5,5 năm).
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chương trình liên thông này có thể xem là một hình thức xét tuyển người học ĐH lên cao học. Tuy nhiên, hình thức này chỉ áp dụng với những ngành đã được kiểm định chất lượng quốc tế, các chương trình tài năng… Đây cũng chính là những sinh viên thuộc diện ưu tiên vào cao học theo quy định ưu tiên xét tuyển của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, sinh viên còn bị ràng buộc quy định về học lực với yêu cầu từ khá trở lên, và chỉ học trước tối đa 50% chương trình thạc sĩ.
“Thực ra hình thức liên thông này là người học tích lũy trước chương trình cao học, tiết kiệm thời gian học tập. Sinh viên vẫn phải tốt nghiệp ĐH và đáp ứng tiêu chuẩn đầu vào chương trình thạc sĩ mới được xem là học viên cao học. Trong đó, riêng tiêu chuẩn ngoại ngữ phải đạt từ trình độ B1 hoặc tương đương trở lên”, tiến sĩ Hạ phân tích. Theo ông Hạ, đầu vào và đầu ra chương trình này không khác biệt gì so với chương trình đào tạo thạc sĩ trước đây.

Đầu vào vẫn là yếu tố quan trọng

Nhìn nhận chung về dự thảo quy chế đào tạo thạc sĩ đang lấy ý kiến, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cũng cho rằng hình thức xét tuyển đầu vào ở bậc học này nên có những ràng buộc quy định cụ thể, bởi dù quá trình đào tạo là quyết định nhưng đầu vào vẫn là một yếu tố quan trọng cho chất lượng đầu ra.
Nhiều người quan tâm về việc kiểm soát đầu ra khi việc tuyển sinh đầu vào thạc sĩ ngày càng “mở” hơn.
Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển chuyển tiếp người học ĐH lên sau ĐH khá phổ biến trên thế giới. Có thể xem đây là một dạng “đặc cách” cho những người thực sự xứng đáng thuộc tốp đầu dựa trên những thành tích vượt trội, kết quả học tập xuất sắc. Còn với số đông còn lại, việc tuyển sinh vào thạc sĩ vẫn cần thiết phải trải qua kỳ thi tuyển để đảm bảo đạt ngưỡng tối thiểu.
Nhìn vào tiêu chí xét tuyển này của dự thảo, Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng quy chế dường như đang mở cửa đầu vào chương trình thạc sĩ. “Trong dự thảo đã ghi rõ 3 hình thức tuyển sinh thì cần có quy định khác biệt giữa thi và xét. Nếu xét tuyển chỉ xét người có năng lực trung bình thì không cần phải thêm hình thức thi tuyển. Ngưỡng với xét tuyển cần cao hơn”, vị trưởng phòng này kiến nghị.
PGS-TS Vũ Phan Tú, Trưởng ban Sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH này đang soạn thảo Quy chế tuyển sinh trình độ thạc sĩ và tiến sĩ triển khai vào năm 2021. Theo đó, hình thức xét tuyển ĐH này không áp dụng đại trà mà có chọn lọc với người tốt nghiệp ĐH từ trường hoặc chương trình đạt chuẩn kiểm định, chương trình tài năng, tiên tiến… Với người tốt nghiệp ĐH chính quy bình thường cần đạt loại giỏi, có điểm trung bình tích lũy từ 8,0 trở lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.