Mẹ Đỗ Nhật Nam: ‘Đỗ Nhật Nam hoàn toàn không phải thần đồng’

08/04/2019 11:26 GMT+7

Bà Phan Hồ Điệp, giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt (Trường đại học Sư phạm Hà Nội), mẹ của Đỗ Nhật Nam , khẳng định: “Đỗ Nhật Nam hoàn toàn không phải thần đồng”.

Tại buổi tọa đàm “Hành trang cho con làm chủ kỷ nguyên 4.0” do Trung tâm Phát triển năng lực tư duy và sáng tạo quốc tế (CMS EDU) vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Phan Hồ Điệp, giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt (Trường đại học Sư phạm Hà Nội), mẹ của nam sinh Đỗ Nhật Nam, người vẫn đang được xem là "thần đồng", khẳng định: “Đỗ Nhật Nam hoàn toàn không phải thần đồng”.
Tại tọa đàm, bà Phan Hồ Điệp với tư cố vấn chuyên môn của CMS EDU, đã chia sẻ cùng các bậc phụ huynh những kỹ năng cần thiết thời 4.0 và tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy toàn diện cho con. Với kinh nghiệm của một giáo viên sư phạm và trải nghiệm nuôi dạy “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, bà cho rằng mọi kỹ năng cần thiết cho trẻ đều có thể truyền tải thông qua các trò chơi.

Dạy con quan sát

Diễn giả Phan Hồ Điệp chia sẻ: “Lúc Nam còn nhỏ, mình và con rất hay chơi trò này. Đó là mình làm 4 tấm thẻ hoặc tăng số lượng thẻ lên thành 5 tấm thẻ. Sau đó trên mỗi tấm thẻ mình ghi một chữ cái. Nhưng các chữ cái này phải ghép với nhau thành một cụm từ có nghĩa. Ví dụ: Tên mình là Điệp (Đ- i-ê-p). Lúc đó Nam chưa biết chữ, mình cho con nhìn rồi úp những tấm thẻ đó xuống, lần lượt 3 tấm đầu. Cuối cùng bạn ấy sẽ phải đoán xem chữ cái còn lại là gì? Việc này sẽ giúp con rèn được khả năng quan sát và nhớ mặt chữ cái một cách rất đơn giản. Vì thế nên mình luôn nói với các bậc phụ huynh rằng: Quan sát chính là khởi nguồn tốt đẹp của tư duy”.
Bà Diệp kể, chính vì muốn con quan sát nhiều hơn nên giả sử khi mình với Nam đi vào trong một nhà hàng, mình sẽ có một trò chơi đó là yêu cầu Nam quan sát thật kỹ sau đó cho Nam nhắm mắt và trả lời cho mẹ những câu hỏi đại loại: Nhà hàng này có mấy cửa sổ? Lối thoát hiểm ở đâu? hoặc các cô nhân viên phục vụ trong nhà hàng mặc đồng phục màu gì? Bàn bên cạnh có người không? Họ đã bắt đầu ăn uống chưa? Thực đơn của họ gồm những gì?... Tất cả những điều ấy đều nhằm kích thích và rèn luyện khả năng quan sát cho con.
“Mình cũng có những trò chơi liên quan đến việc học toán. Ví dụ: mình đi cầu thang đến bậc thứ 6 và quay lại nói với Nam: Nếu mẹ tiến 1 bậc thì mẹ sẽ ở bậc số mấy? Nếu mẹ lùi xuống 3 bậc thì mẹ sẽ ở bậc số mấy. Nó rất đơn giản nhưng sẽ rèn con thông thạo phép cộng- trừ”, bà Điệp chia sẻ.
Bà Điệp cũng kể một câu chuyện thú vị khi giúp con vừa học tốt môn toán mà còn hiểu biết cả địa lý nữa: “Cũng là dịp sinh nhật Nam, bố mẹ và bạn bè ngồi xung quanh. Mỗi chỗ ngồi mình giấu một tấm ảnh hồi nhỏ của Nam. Con sẽ đi vòng quanh để tìm và mỗi lần Nam đi vòng quanh như thế sẽ tương ứng với một số tuổi. Ví dụ, năm Nam 3 tuổi, Nam đi vòng đầu tiên, mình sẽ nói tất cả các tâm sự của mình về năm đầu đời của Nam. Điều đó sẽ giúp con kết nối quá khứ với hiện tại. Con đi hết một vòng đồng nghĩa với trái đất quay quanh mặt trời hết một chu kỳ...”, bà Điệp cho hay.
Diễn giả Phan Hồ Điệp chia sẻ tại tọa đàm  Ảnh Chi Linh

Dạy con tính tự lập

“Một điều nữa không thể thiếu trong hành trang của con đó là sự tự lập. Nghe tới tự lập, hẳn cha mẹ nào cũng biết đó là thứ rất quan trọng và cần thiết. Nhưng nhiều phụ huynh sẽ từ chối nó bằng những tình huống rất vô ý như các bạn nghĩ con mới 2 tuổi nên chưa làm được việc gì. Nhưng thực tế khi 2 tuổi các bé có thể tự đánh răng, rửa mặt, tự mặc quần áo, tự đi giày. Có bảng làm việc nhà tương ứng với độ tuổi, cha mẹ chỉ việc quy chiếu con mình sẽ làm được những việc nhà nào ở độ tuổi của bé. Nhưng tự dưng ép bé vào khuôn khổ sẽ rất khó nhận được sự hợp tác. Lời khuyên là các bạn nên biến nó thành trò chơi”, bà Diệp chia sẻ.
“Mình lấy ví dụ như việc sắp xếp lại đồ chơi sau khi chơi xong là một việc rất khó với một đứa trẻ. Ở nhà, mình không yêu cầu phải xếp gọn gàng lên trên giá, mình chuẩn bị sẵn những chiếc giỏ có ghi thẻ ở bên ngoài. Mỗi lần Nam chơi xong, bạn ấy chỉ việc xếp đúng vào những giỏ ấy. Nhân đó mình thường chơi với Nam một trò chơi, ví dụ: mẹ đoán có 20 món đồ chơi ở sàn con đếm xem có đủ không? Cùng một lúc, bạn ấy sẽ nhặt đồ chơi, cùng học đếm và xếp gọn đồ chơi vào. Việc ấy vừa rèn kỹ năng tư duy, vừa khiến bạn ấy tự lập ngay khi còn nhỏ”, bà Điệp nói. Và chính vì sự tự lập ngay từ nhỏ ấy mà Nhật Nam đã thích nghi rất tốt với nhà trường bên Mỹ, nơi cậu đang du học.
Suốt buổi diễn thuyết, trao đổi, diễn giả Phan Hồ Điệp nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần rằng: “Đỗ Nhật Nam hoàn toàn không phải thần đồng. Những gì Nam đạt được hôm nay có lẽ bởi vì ngày từ nhỏ, Nam đã có con đường đi tương đối rõ ràng và nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ gia đình, nhà trường và xã hội...”.
Theo bà Điệp, gia đình không có phương pháp gì cao siêu trong việc dạy dỗ Đỗ Nhật Nam. Sự kiên trì chính là bí quyết lớn nhất của bà Điệp khi nuôi dạy con. Từ nhỏ, gia đình chị đã áp dụng công thức 3T với Đỗ Nhật Nam: tự tin, tự trọng và tự lập. Bà cũng bày tỏ niềm tin với những chia sẻ của bản thân về phương pháp dạy phù hợp ở CMS EDU sẽ có nhiều hơn nữa những đứa trẻ xuất sắc được “ra đời”.
Đỗ Nhật Nam được mệnh danh là "thần đồng" Đỗ Nhật Nam khi có nhiều việc làm “xuất chúng” so với lứa tuổi như: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất; là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ".
Đặc biệt, Nhật Nam còn nói tiếng Anh như gió và có tài hùng biện. Bước sang tuổi 13, Nhật Nam là đại diện châu Á tham dự hội nghị chủ đề "Khoa học về nụ cười" với tư cách diễn giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.