Máy lên men tỏi của học trò

04/09/2017 10:01 GMT+7

Quảng Bình có nhiều vùng đất trồng tỏi chất lượng tốt như Quảng Trạch, Ba Đồn..., nhưng thiết bị lên men tỏi trên thị trường chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu người dân.

Và 2 cậu học sinh ở miền núi Minh Hóa đã vào cuộc sáng chế...
Trương Tân Hóa (lớp 9B) và Đinh Ngọc Thanh (lớp 9A, Trường THCS Tân Hóa, H.Minh Hóa, Quảng Bình) vừa trở về sau thành công tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2016 - 2017. Thiết bị lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình của 2 em đã đoạt giải ba.

Hóa và Thanh chia sẻ rằng, dù trên thị trường có khá nhiều thiết bị làm tỏi đen, nhưng giá thành khá cao. Qua tìm hiểu trên internet, các em biết muốn nâng cao giá trị cho tỏi thì lên men tỏi trắng thành tỏi đen. Gia đình Hóa cũng đã mua máy lên men tỏi về sử dụng, nhưng mỗi lần chỉ được thực hiện được 1 kg và tiêu hao nhiều điện. Công suất thấp, nguồn điện lại không ổn định nên quá trình lên men của tỏi bị ảnh hưởng. Cần có một năng lượng khác thay thế để tăng tính ổn định và tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Để “giải” bài toán này, các em nghĩ đến nguồn năng lượng mặt trời.
Sau khoảng 2 tháng mày mò nghiên cứu, được trợ giúp của giáo viên hướng dẫn, các em đã chế tạo thành công thiết bị. Cấu tạo máy gồm 3 phần, sử dụng vật liệu đơn giản: thùng lên men, hệ thống tạo nhiệt và độ ẩm, hệ thống điều khiển độ và độ ẩm. Thùng lên men được tận dụng từ thùng xốp, bên trong dán một lớp nhôm cách nhiệt; hệ thống tạo nhiệt gồm hai bóng đèn sợi đốt và một tấm tôn sơn đen; hệ thống điều khiển là hai module cảm biến. Ban ngày, khi có ánh sáng mặt trời chiếu vào hộp thì tấm tôn sơn đen nóng lên, nhiệt độ trong thùng lên men tăng lên; nếu nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá sẽ có sự điều chỉnh phù hợp. Buổi tối, hệ thống tạo nhiệt bằng bóng đèn sẽ được mô đun cảm biến nhiệt độ tự động điều khiển bật lên để giữ nhiệt độ ở mức ổn định.

Đồng hành với Hóa và Thanh trong suốt quá trình thực hiện đề tài, thầy giáo Cao Hùng Thọ tâm sự: “Hai học trò của tôi rất chăm chỉ, chịu khó. Nếu không có sự đam mê thì không thể thực hiện được. Trong quá trình sáng tạo có những lúc thất bại nhưng các em không nản chí và dần hoàn thiện, cải tiến sản phẩm cho hoàn hảo hơn. Chính vì đam mê và làm chủ công trình nên khi tham gia hội thi, hai em rất bình tĩnh, tự tin để trình bày đề tài và thuyết phục ban giám khảo hội thi”. Ban giám hiệu nhà trường cũng tạo mọi điều kiện để học sinh và thầy giáo hướng dẫn thực hiện đề tài. “Khi đạt giải nhất cấp huyện, được chọn tham dự hội thi tại tỉnh chúng tôi cũng tranh thủ mọi sự góp ý của các thầy cô giáo, cán bộ phòng giáo dục và một lần nữa đề tài của hai em tiếp tục đạt giải nhất cấp tỉnh. Các em là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn chăm ngoan, vươn lên. Giải ba toàn quốc mà các em đạt được là vinh quang rất lớn của các em cũng như nhà trường”, phó hiệu trưởng Đinh Xuân Hoàng tâm sự.
Từ thành công của đề tài này, nhóm thầy trò trường THCS Tân Hóa dự định nghiên cứu sử dụng máy trong việc ấp các loại trứng gia cầm.

tin liên quan

Thầy trò trường làng chế 'xe 5 trong 1' độc đáo
Tưới hoa, rửa xe, làm sạch rong rêu, quét vôi trên tường và phun thuốc bảo vệ thực vật, 5 việc này được Trần Trung Nghĩa và Nguyễn Thái Bình tích hợp hoàn hảo trên chiếc xe dùng năng lượng mặt trời.

Thiết bị lên men tỏi đen của 2 học trò Quảng Bình này khắc phục được nhược điểm của các thiết bị hiện đang bán trên thị trường là giảm chi phí điện khi vận hành, máy vẫn hoạt động khi bị mất điện... nên rất thích hợp sử dụng với những nơi có lưới điện không ổn định và hay bị cúp điện. Giá thành rẻ, cách làm đơn giản nên ai cũng có thể áp dụng. Một “mẻ” 15 kg tỏi tươi, sau 35 - 50 ngày cho ra thành phẩm và thu được khoảng 7 - 9 kg tỏi đen.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.