'Mất tích' trong kỳ thi

28/06/2016 11:17 GMT+7

Thời điểm này, bộ phận in sao đề thi của các trường ĐH, sở GD-ĐT bắt đầu bước vào những ngày làm việc cách ly đầy căng thẳng.

3 vòng cách ly
Tùy vào số lượng đề thi cần sao in mà số lượng người tham gia và số ngày cách ly nhiều hay ít. Chẳng hạn, năm 2015, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cần in đề thi 8 môn cho 12.000 thí sinh thi thì bộ phận sao in gồm có 6 - 8 người và “bị nhốt” trong vòng 10 ngày tính đến hết ngày thi cuối cùng. Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí và Công nghệ Sở GD-ĐT Tây Ninh, chia sẻ: “Họ được đưa đến một khu vực riêng, kín đáo và an toàn với 3 vòng cách ly, có cán bộ an ninh và thanh tra giám sát, có cảnh sát trực 24/24 giờ”. Trước đó, Sở Thông tin - Truyền thông đến rà soát và cắt hết các thiết bị có thể truyền thông tin ra ngoài như internet, điện thoại, giấy tờ… Chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại bàn có cài thiết bị ghi âm được đặt ở khu vực những cán bộ làm việc trực tiếp với đề.
Trong những ngày này, nhiều cán bộ, kỹ thuật viên thực hiện việc in sao theo kế hoạch được đề ra từ trước, như lịch in từng môn, số lượng mỗi môn bao nhiêu, thứ tự môn nào trước, môn nào sau theo nguyên tắc không in cùng lúc nhiều môn và không in cùng lúc nhiều trang... Những chiếc túi được chuẩn bị sẵn, chẳng hạn một môn có 233 phòng thi thì chuẩn bị 233 túi, ghi rõ ràng số lượng, tên môn thi ở bên ngoài, in xong đóng gói niêm phong liền để tránh nhầm lẫn. Ngay cả những giấy thừa, đề in bị hư cũng được cho vào túi rác nghiệp vụ để niêm phong lại, đề phòng nếu có sự cố xảy ra sẽ biết truy từ đâu. Mọi thứ đều được ghi nhật ký hằng ngày.

tin liên quan

Đề thi được in sao, bảo mật như thế nào ?
Năm nay, lần đầu tiên hàng loạt cán bộ, giảng viên trường ĐH di chuyển về địa phương để tổ chức thi THPT quốc gia. Các trường khẳng định chọn phương án in sao đề thi theo cách đảm bảo an toàn nhất.
“Hơn chục ngày xa vợ con, đồng nghiệp, ăn, ngủ, làm việc tại một khu biệt lập với bên ngoài, cảm giác khá đặc biệt. Ở ngay thành phố thôi mà giống như đang đi công tác vậy. Nhưng trên tất cả, mình biết được mình và các cộng sự đang làm nhiệm vụ đặc biệt, nên luôn nỗ lực để không xảy ra bất cứ sai sót nào. Vui nhất là sau chục ngày làm việc, khi môn thi cuối cùng kết thúc không gặp phải sự cố nào. Lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm”, một cán bộ in sao đề thi chia sẻ.
Giải quyết sự cố nhầm đề
Việc bảo mật đề thi là việc quan trọng số một, do đó công tác giám sát, bảo vệ luôn được thực hiện đúng quy trình. Thế nhưng, vẫn có những tình huống có thể xảy ra dẫn đến việc nhầm lẫn đề thi, thậm chí bị lộ.
Giám đốc một sở GD-ĐT có nhiều năm kinh nghiệm in sao đề thi nhận định: “Việc in thiếu đề, dư đề, hoặc lộn đề theo kiểu thi môn này mà đưa nhầm môn kia đã từng xảy ra ở một số nơi. Lý do là vì kế hoạch in sao không cụ thể, rành mạch và thiếu khoa học. Chẳng hạn in nhiều môn cùng một lúc, in nhiều trang cùng một lúc, không chuẩn bị sẵn túi có ghi cụ thể thông tin bên ngoài…”.
Về việc giải quyết sự cố phát nhầm đề thi, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Lúc đó, Ban Chỉ đạo thi quốc gia sẽ quyết định có sử dụng đề thi dự trữ hay không, thời gian thi lại môn đó sẽ được tổ chức vào lúc nào. Việc in sao đề thi dự trữ sẽ được thực hiện đúng quy trình như đề thi chính thức”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nghĩa, để hạn chế tuyệt đối việc nhầm đề như vậy, trung tâm in sao đề thi của ĐH Quốc gia TP.HCM luôn quy định rõ các nhãn phiếu có màu sắc khác nhau ở các môn khác nhau, các địa điểm thi khác nhau. Đồng thời, khi đề thi được đưa đến phòng thi, cán bộ coi thi chỉ được mở hé xem đề bên trong có đúng với môn thi hay không, trước khi chính thức mang ra phát.
Không thấy ánh sáng mặt trời
Theo một cán bộ có kinh nghiệm in sao đề thi suốt 3 năm liền, công việc này áp lực nhưng vinh quang. “Mỗi năm đợt in sao đề kéo dài khoảng 15 - 20 ngày.
Đó cũng là quãng thời gian mất liên lạc hoàn toàn với thế giới bên ngoài vì không được sử dụng bất cứ phương tiện truyền tin nào. Ngay cả vợ con cũng không biết chính xác địa điểm in sao đề trước và kể cả sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ”, người này nói.
Trong ngày đầu tiên tới địa điểm in sao, cán bộ được kiểm tra an ninh kỹ lưỡng giống hệt khi làm thủ tục lên máy bay. Khu vực in sao đề thi phải đảm bảo không được có ánh sáng mặt trời, tất cả các cửa sổ đều phải dán kín và chỉ sử dụng ánh sáng từ nguồn điện. Như vậy trong suốt thời gian làm nhiệm vụ, những cán bộ in sao đề không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Hà Ánh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.