Lý giải điểm thi ngoại ngữ miền núi cao hơn thành phố

Trong từng vai trò khác nhau, nhiều người có những lý giải khác nhau về hiện tượng điểm thi bình quân môn ngoại ngữ ở các tỉnh miền núi cao hơn các thành phố lớn đăng trên Báo Thanh Niên ra ngày 26.7.

Theo số liệu thống kê của Đề án ngoại ngữ 2020, đến tháng 7.2015, bậc THPT có số giáo viên chưa đạt chuẩn cao nhất, lên tới 73,88%. Các tỉnh như Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang, Đắc Nông, Đắk Lắk, Sóc Trăng… tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu rất thấp, điều này tác động trực tiếp đến kết quả học ngoại ngữ của HS.
Chính vì vậy, dù từ năm 2015, ngoại ngữ là một trong 3 môn thi bắt buộc nhưng Bộ vẫn giữ quy định cho phép giám đốc sở GD-ĐT các địa phương quyết định cho thí sinh được phép thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn nếu thí sinh đó không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng. Một thống kê sơ bộ tỷ lệ đăng ký thi môn ngoại ngữ năm nay vẫn rất thấp ở các địa phương miền núi, ĐBSCL như: Lào Cai (năm 2015: 2,1%, 2016: 10,2%), Bến Tre (5,7% - 3,9%), Đắk Lắk (7,8% - 17,8%), Kon Tum (12,2% - 10,9%), Gia Lai (40% - 15,6%).

Một vị đại diện Sở GD-ĐT Lào Cai cho rằng tỷ lệ HS đăng ký thi môn ngoại ngữ thấp như vậy nên nói điểm thi môn ngoại ngữ ở các tỉnh này cao hơn các tỉnh đồng bằng cũng có thể lý giải được. Người này giải thích: Hầu hết HS các tỉnh đồng bằng không được phép thi thay thế môn ngoại ngữ còn ở các tỉnh miền núi, những HS chọn thi ngoại ngữ đã khá tự tin về khả năng học tập môn học này của mình và phần lớn để xét tuyển ĐH theo khối thi D hoặc A1. Ở cụm thi do Sở GD-ĐT Lào Cai chủ trì, số lượng thí sinh đăng ký thi ngoại ngữ để xét tốt nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay và chỉ có một thí sinh được 4,78 điểm, còn lại đều thấp hơn. Đại diện Sở GD-ĐT Lai Châu cũng cho biết, số thí sinh dự thi ngoại ngữ chủ yếu là ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Những đại diện này cho rằng nhìn vào bảng điểm, có thể tỷ lệ điểm thi trung bình môn ngoại ngữ của các tỉnh miền núi cao hơn nhưng số liệu tuyệt đối thì số thí sinh thi ngoại ngữ ở các tỉnh này thấp hơn nhiều so với khu vực đồng bằng.

Trong khi đó, các giáo viên tại TP.HCM đều thể hiện sự nghi ngờ trước kết quả này. Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc TP.HCM (SIC), nói: “Kết quả thi phụ thuộc vào các yếu tố đề thi, trình độ thí sinh, công tác coi và chấm thi, Bộ GD-ĐT có tự tin khẳng định công tác coi và chấm thi ở các tỉnh dẫn đầu như đã thống kê là thực sự nghiêm túc?”.

Còn ông Lê Thanh Tùng, Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), cũng đề nghị: “Cần có sự kiểm tra thật kỹ lưỡng, chính xác, công bằng”. Một giáo viên của TP.HCM từng tham gia đoàn khảo sát việc học tiếng Anh của Bộ GD-ĐT tại một trong các tỉnh dẫn đầu như thống kê trên cho biết trình độ ngoại ngữ vùng miền núi, nông thôn rất kém. “HS ở đây hầu hết chưa có nhận thức về lợi ích của việc học ngoại ngữ, giáo viên thì thiếu, trình độ không ổn định. Có những giáo viên chuyển từ các ngoại ngữ khác sang dạy hoặc đưa đi đào tạo ngắn hạn… Do vậy tôi hoàn toàn không tin vào kết quả như đã thông tin”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.