Lương hơn 10.000 USD/tháng vẫn không tuyển được người

20/01/2018 11:35 GMT+7

Nhân sự cấp trung và cấp cao tại nhiều doanh nghiệp được trả mức lương 5.000-10.000 USD/tháng nhưng việc tuyển dụng không hề đơn giản.

Những ngành đứng đầu nhu cầu tuyển dụng

Theo thống kê của Navigos Search, Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao thuộc tập đoàn Navigos Group, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp này từ các doanh nghiệp trong năm 2017 tăng trưởng 28% so với năm 2016 và năm 2018 sẽ tiếp tục tăng.

Trong đó, những lĩnh vực đứng đầu nhu cầu tuyển dụng của phân khúc này bao gồm: sản xuất, hàng tiêu dùng - bán lẻ, tài chính – ngân hàng và công nghệ thông tin. Trong ngành sản xuất, tập trung mảng xây dựng, điện – điện tử và tự động hóa.  

Đứng ở vị trí thứ 2  là ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ. Các vị trí tuyển dụng chủ yếu thuộc mảng thực phẩm – đồ uống và thời trang – phụ kiện. Tiếp theo là những vị trí đến từ các ngân hàng, các công ty tài chính tiêu dùng và các công ty bảo hiểm

Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành của Navigos Search, cho biết : “Trong mảng công nghệ thông tin, nhân sự cấp quản lý có trên 5 năm kinh nghiệm được trả mức lương tối đa hơn 1.800 USD/tháng; mức lương tối đa của vị trí tuyển dụng giám đốc và các cấp quản lý cao hơn (có trên 10 năm kinh nghiệm)  khoảng 3.000 USD/tháng. Tuy nhiên, nguồn tuyển khá khan hiếm, ít người có thể đáp ứng được cả về mặt kinh nghiệm lẫn kiến thức chuyên môn trong ngành nên mức lương của đối tượng nhân sự này thường được đẩy lên tới mức 5.000 - 6.000 USD/tháng”.

Thậm chí các giám đốc công nghệ, giám đốc điều hành còn được “săn” với mức lương trên 10.000 USD/tháng nhưng ứng viên người Việt hầu như không có. Trrong quý 4 của năm 2017, vị trí quản lý cấp cao của một ngân hàng cũng được trả mức lương gần 300 triệu đồng/tháng. Các lĩnh vực từ sản xuất, hàng tiêu dùng – bán lẻ và dịch vụ cũng được nhận mức lương từ 100 triệu đến 190 triệu đồng/tháng.

Áp lực cao, dễ nghỉ việc

Bà L.M.A, Giám đốc khối công nghê thông tin và doanh nghiệp của một tập đoàn điện tử nước ngoài tại Việt Nam, nhìn nhận: “Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn luôn có những chính sách mời gọi những người giỏi cho các vị trí cấp cao, nhưng người có thể đảm nhiệm công việc đó ở các tập đoàn lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nên không có gì lạ khi một giám đốc vừa mới đương chức ở công ty này, năm sau đã lại thấy điều hành công ty khác”.

Theo bà L.M.A, để được nhận mức lương “khủng” như vậy, cái giá phải trả cũng không hề thấp: Thời gian, công sức, tâm huyết và áp lực luôn luôn ở mức tối đa, nghĩa là không cho phép mình ngơi nghỉ. “Nếu bạn không làm tăng doanh số, không đáp ứng được kỳ vọng, không có đột phá nào, thì đồng nghĩa với việc vị trí đó sẽ rơi vào một nhân vật khác rất nhanh chóng. Có những người chỉ trụ nổi trong vài tháng. Và doanh nghiệp lại tiếp tục phải đi “săn” nhân sự, có khi phải ra giá thật cao để “giành giật” người từ doanh nghiệp đối thủ”, bà L.M.A chia sẻ.

Đánh giá về khả năng ứng tuyển vào các vị trí nhân sự cấp cao của người Việt, bà Lê Muôn Xuân, Giám đốc Chương trình của tập đoàn giáo dục EF (Thụy Điển) cho rằng, người Việt rất giỏi về chuyên môn, có năng lực, sáng tạo nhưng khả năng chịu áp lực, chịu học hỏi, chịu hy sinh vì công việc còn nhiều  hạn chế.

“Đó là lý do nhiều vị trí nhân sự cấp cao ở các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại VN chủ yếu vẫn là người nước ngoài. Tuy nhiên, ứng viên top 1 người Việt ngày càng tăng lên và họ là những người thực sự giỏi chuyên môn, giỏi truyền cảm hứng và khả năng đóng góp cho doanh nghiệp là tuyệt vời”, bà Xuân nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.