Lương giáo viên ra sao khi thực hiện luật Giáo dục?

04/07/2020 07:55 GMT+7

Luật Giáo dục năm 2019 có rất nhiều điểm mới quan trọng tác động trực tiếp tới người dạy, như thay đổi chuẩn trình độ đào tạo và cách tính lương của giáo viên ở từng cấp học...

Lương mới không thể thấp hơn mức hiện hưởng

Luật Giáo dục 2019 quy định nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ nhưng bỏ phụ cấp thâm niên. Vậy cách tính lương giáo viên (GV) sẽ thay đổi ra sao? Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 27 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay hệ thống bảng lương hiện hành, bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Lương mới của nhà giáo sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng, dù không có phụ cấp thâm niên như hiện nay ẢNH: T.N

Lương mới của nhà giáo sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng, dù không có phụ cấp thâm niên như hiện nay

ẢNH: T.N

Cũng theo ông Độ, chính sách tiền lương đối với nhà giáo là một chính sách đặc biệt quan trọng, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống nhà giáo và gia đình; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo ở các cấp học, tạo động lực cho nhà giáo yên tâm cống hiến, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và đổi mới giáo dục phổ thông. Chính sách tiền lương ngành giáo dục phải thể hiện được quan điểm của Đảng, Nhà nước nêu tại Hiến pháp và các nghị quyết T.Ư.
Chính sách tiền lương mới sẽ được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, tính chất mức độ phức tạp, đặc thù công việc của nhà giáo. Lương mới của nhà giáo (bao gồm lương cơ bản và phụ cấp ưu đãi nghề) sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mặc dù trong xây dựng chính sách tiền lương mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.
Thứ trưởng Độ cũng cho rằng việc cải thiện về thu nhập của GV qua lương cũng thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về ưu đãi, tôn vinh nhà giáo. “Trong hình dung và mong muốn của chúng tôi, việc xây dựng bảng lương mới với ngành GD-ĐT sẽ đảm bảo được tính toán theo đặc thù cống hiến, trả lương theo đúng vị trí việc làm”.

Không còn chênh lệch lớn giữa GV mới ra trường và GV có thâm niên

Theo chính sách mới về lương cho GV, trả theo vị trí việc làm thì sẽ rút ngắn khoảng cách mức lương giữa người mới ra trường và GV có thâm niên lâu năm như hiện nay.
Bà T.T.L, hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM, cho biết các trường hiện đang chờ văn bản hướng dẫn thực hiện việc chi trả thu nhập cho GV và bước đầu phải tạm dừng chi khoản phụ cấp thâm niên.
“Khi áp dụng chế độ trả lương theo vị trí việc làm, thu nhập sẽ được chi trả theo vị trí hiệu trưởng, GV, nhân viên... với mức cụ thể nên GV mới ra trường hay đã công tác trong ngành giáo dục 10 hay 20 năm, có bằng cấp chuẩn hay vượt chuẩn cũng không tác động đến việc lương cao hay thấp. Trong khi đó, trước đây, sau 5 năm công tác đầu tiên, GV sẽ được xếp phụ cấp thâm niên với mức 5% lương đang hưởng, mỗi năm công tác tiếp theo sẽ tăng thêm 1%”, bà T.T.L giải thích.

ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6 (TP.HCM), thông tin hiện nay các trường đang chờ văn bản hướng dẫn của các cấp quản lý để thực hiện. Thông thường, các trường trả lương cho GV từ ngày 1 đến ngày 10 hằng tháng, nên vẫn còn thời gian để thực hiện, nếu cần có thể muộn vài ngày.
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết Sở đã có văn bản xin ý kiến và đang chờ Bộ GD-ĐT trả lời về việc thực hiện chi trả phụ cấp thâm niên cho GV bắt đầu từ tháng 7. Hiệu trưởng các trường cũng đã thông tin các quy định mới về vị trí việc làm, chính sách tiền lương khi áp dụng luật Giáo dục sửa đổi 2019 đến các GV, nhân viên trong trường để nắm rõ các quy định.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết GV tham gia nâng chuẩn trình độ đào tạo được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật. Các thầy cô giáo hoàn toàn yên tâm tham gia đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định.
Tuệ Nguyễn

Điểm mới đáng ghi nhận

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết thêm: Điểm mới đáng ghi nhận của dự thảo các thông tư (quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương GV từ cấp mầm non đến THPT công lập) là xếp lương đối với GV mầm non theo bằng CĐ với hệ số lương khởi điểm 2,10; xếp lương với GV tiểu học, THCS theo bằng ĐH, với hệ số lương khởi điểm 2,34.
“Điều này khắc phục bất cập mà đội ngũ trăn trở bấy lâu nay, khi GV mầm non, tiểu học mới được tuyển dụng, hết thời gian tập sự có bằng CĐ, ĐH nhưng chỉ được xếp lương trung cấp (hệ số lương khởi điểm 1,86); GV THCS có bằng ĐH chỉ được xếp lương CĐ (hệ số lương khởi điểm 2,10)”, ông Minh chia sẻ.
Đối với GV đang công tác, khi chuyển xếp vào bảng lương mới, hệ số lương của GV vẫn giữ nguyên theo nguyên tắc chuyển ngang bằng hoặc xếp vào bậc lương cao hơn liền kề (trong bảng lương mới) so với bậc lương đang hưởng; đồng thời sẽ được hưởng mức trần của hệ số lương cao hơn, phù hợp với trình độ đào tạo của GV.
Theo ông Hoàng Đức Minh, lương và phụ cấp của GV được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Vì vậy, chế độ chính sách về lương và phụ cấp, trong đó có cả phụ cấp thâm niên mà GV đang được hưởng hiện nay vẫn được giữ nguyên cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Tuyết Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.