Lúng túng xác định chỉ tiêu trường sư phạm

Hà Ánh
Hà Ánh
05/04/2018 08:31 GMT+7

Mặc dù chủ trương từ năm nay chỉ tiêu các trường khối ngành sư phạm sẽ dựa vào nhu cầu của địa phương nhưng thực tế, chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường không giảm đáng kể. Trong khi đó, nhiều địa phương cho biết sẽ không có nhu cầu tuyển dụng trong vài năm tới.

Bộ chủ trương chỉ tiêu theo nhu cầu địa phương
Rà soát để quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo sư phạm, điều chỉnh chính sách tuyển sinh với các trường này là vấn đề Bộ GD-ĐT quyết tâm thực hiện nhằm khắc phục tình trạng dư thừa giáo viên và nâng cao chất lượng ngành sư phạm. Bên cạnh việc đặt ra “điểm sàn” riêng cho ngành sư phạm thì một trong các giải pháp cụ thể nữa là Bộ sẽ giao chỉ tiêu cho các trường theo cơ chế đặt hàng gắn với nhu cầu sử dụng thực tế của các địa phương.
Đầu tháng 1 vừa qua, Bộ có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh - thành phố trực thuộc T.Ư về phối hợp chỉ đạo tổng rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên các cấp và xác định nhu cầu đào tạo giáo viên trong giai đoạn 2018 - 2019 đến 2022 - 2023 ở từng địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo sư phạm, đảm bảo đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng. Đồng thời, Bộ cũng có công văn gửi các trường sư phạm cùng phối hợp với các sở GD-ĐT để xác định chỉ tiêu theo đúng yêu cầu của chương trình phổ thông mới.
Bộ cũng gửi các cơ sở đào tạo sư phạm thông báo việc xác định chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên tính toán trên cơ sở kết hợp nhu cầu địa phương. Trên cơ sở đó, các trường xây dựng đề án tuyển sinh và công khai trên trang thông tin điện tử của trường.
Trường vẫn dựa vào năng lực đào tạo?
Theo đề án tuyển sinh các trường khối ngành sư phạm đăng tải trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ tại địa chỉ thituyensinh.vn. Đáng nói, chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên công khai để thí sinh tham khảo được xác định dựa trên năng lực đào tạo của từng trường chứ không phải theo nhu cầu địa phương như chủ trương của Bộ.
Chẳng hạn trong đề án tuyển sinh Trường ĐH Đà Lạt, chỉ tiêu dự kiến các ngành sư phạm năm nay cao hơn năm 2017. Cụ thể năm ngoái trường tuyển sinh 7 ngành thuộc nhóm này, mỗi ngành 15 chỉ tiêu (riêng sư phạm tiếng Anh 20 chỉ tiêu). Nhưng năm nay, các ngành này đều có chỉ tiêu tăng lên mức 20 chỉ tiêu/ngành. Theo đề án này, khảo sát việc làm của sinh viên khối ngành sư phạm chỉ đạt 66%. Tuần trước khi công bố đề án này, chỉ tiêu dự kiến hầu hết các ngành sư phạm ở mức tăng gấp đôi năm ngoái.
Chỉ tiêu các ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay được điều chỉnh tăng giảm khác nhau giữa các ngành. Nhưng tính tổng chung không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Có những ngành chỉ tiêu dự kiến vẫn tăng như: giáo dục mầm non, sư phạm ngữ văn, giáo dục tiểu học, sư phạm tiếng Anh…
Vậy hiện nay, các trường xác định chỉ tiêu theo hướng nào: Nhu cầu địa phương hay năng lực của trường? Nếu theo nhu cầu của địa phương thì các trường phải dựa vào những cơ sở nào?
Thạc sĩ Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết trường đã chủ động liên hệ với một số sở GD-ĐT trên địa bàn ĐBSCL để khảo sát nhu cầu giáo viên sắp tới. Kết quả cho thấy những con số cụ thể nhưng trường không thể căn cứ vào đó để xác định chỉ tiêu. Bởi đó là con số chung không phải đặt hàng cho từng trường cụ thể. Nếu tất cả các trường đào tạo khối ngành này đều dựa vào nhu cầu đó để tuyển sinh sẽ gây ra tình trạng bất cập.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Hồng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết Bộ vừa có văn bản phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh chính thức cho trường. Chỉ tiêu này được Bộ giao dựa trên khảo sát nhu cầu tuyển dụng giáo viên sau 4 năm do các trường sư phạm cốt cán phối hợp với địa phương thực hiện. Trong đó nhìn chung nhu cầu giáo viên còn nhiều ở nhóm ngành mầm non và tiểu học.
Nhiều sở không có nhu cầu tuyển dụng
Thông tin từ nhiều sở GD-ĐT cho thấy không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên mới cho các năm tiếp theo.
Tháng 7.2014, Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị UBND các huyện, thị xã và TP.Huế dừng việc tuyển dụng biên chế giáo viên THCS và tiểu học trong năm học 2014 - 2015 và những năm tiếp theo để khắc phục dần tình trạng dư thừa giáo viên. Từ năm 2012 - 2014, Hà Tĩnh không tổ chức tuyển dụng giáo viên cho các bậc học: mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Từ năm 2013 Ninh Thuận không có chỉ tiêu giáo viên bậc THPT và những năm tới cũng dự đoán không có nhu cầu nhiều. Còn theo khảo sát của một trường ĐH khu vực ĐBSCL, Sở GD-ĐT Hậu Giang không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong những năm tới…
Ông Huỳnh Quang Long, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, cho biết năm 2018 sở này chỉ duyệt chỉ tiêu cho Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt đào tạo sư phạm chính quy cho ngành mầm non và tiểu học. Ông Long nói: “Nhu cầu tuyển dụng giáo viên của tỉnh đã bão hòa 2 năm nay và Sở có cảnh báo về việc này. Thí sinh cần cân nhắc khi quyết định xét tuyển vào các ngành này vì thực tế đang thừa. Hiện chỉ giáo viên mầm non và tiểu học có nhu cầu một chút, còn các bậc khác đã bão hòa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.