Luật hóa nhưng cần đảm bảo quyền tự do học tập của công dân

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
14/02/2019 09:43 GMT+7

Sau khi Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân đề xuất nên luật hóa việc phân luồng giáo dục để việc thực hiện được thuận lợi, hiệu quả hơn trên Báo Thanh Niên số ra ngày 13.2, một số chuyên gia luật đã có ý kiến thêm về vấn đề này.

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Phó khoa Luật quốc tế, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng phân luồng giáo dục là xu thế chung của các nước có nền giáo dục phát triển. Tại VN, lâu nay tâm lý của người VN là học từ lớp 1 đến hết lớp 12 là vào ĐH, không chú trọng vào hướng đi nào khác. “Chẳng hạn, học xong lớp 9, ai có đủ năng lực học tập thì học tiếp lên THPT rồi vào ĐH, ai không đủ năng lực thì sẽ sang học nghề kết hợp bổ túc văn hóa… Nhưng hầu hết đều không tự nguyện rẽ sang học nghề mà vẫn muốn học lên ĐH trong khi năng lực không đủ. Chính vì thế, cần luật hóa phân luồng giáo dục, có những quy định khống chế tỷ lệ học sinh học tiếp lên THPT, kết hợp với công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức người học”, tiến sĩ Ngô Hữu Phước nhận định.

Theo ông Phước, luật hóa việc này không có nghĩa là ép buộc, mà là mở ra một hướng đi phù hợp hơn với năng lực của học sinh, tránh lãng phí thời gian và công sức. Ông Phước chia sẻ thêm: “Hiện nay dự thảo luật Giáo dục cũng đã đề cập đến phân luồng. Tôi nghĩ trong tương lai, phân luồng sẽ được đưa vào luật và ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng với nhu cầu thực tế”.
Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc Công ty luật KAV, cũng khẳng định luật hóa việc phân luồng là cần thiết, chỉ là việc sớm hay muộn vì chủ trương đã có, tạo hành lang pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho việc thực thi.
Phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương của Đảng và Nhà nước, đã được đặt ra nhiều năm. Có thể kể đến như Chỉ thị 10-CT/TW ngày 5.12.2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn; Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.
Ông Vũ nhìn nhận thêm: “Hiện nay, dự thảo luật Giáo dục sửa đổi cũng đã đề cập đến vấn đề này nhưng vẫn chưa được cụ thể, rõ ràng. Dự thảo luật chỉ nhắc đến việc phân luồng trong chương trình giáo dục, hướng nghiệp, mà không có quy định gì cụ thể. Do đó, cần luật hóa việc phân luồng nhưng cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn, cũng cần đảm bảo tính hợp lý, khả thi, thống nhất của quy định. Luật hóa việc phân luồng thì cũng cần đảm bảo quyền tự do học tập của công dân, việc lựa chọn học nghề hay “học chữ” là định hướng của mỗi cá nhân trên cơ sở năng lực phù hợp. Đồng thời, quy định vẫn phải dựa trên và phù hợp nhu cầu xã hội...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.