Lớp học ghép ở vùng biên

12/12/2017 10:03 GMT+7

Giang Thành là huyện vùng biên, xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Kiên Giang. Dân cư thưa thớt, đời sống khó khăn, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer nên ngành giáo dục phải tổ chức nhiều điểm lẻ, lớp ghép.

 Mỗi lớp ghép từ 2 - 3 trình độ.
Ở một điểm trường lẻ của Trường tiểu học xã Phú Lợi (ấp Cỏ Quen) có 2 phòng học, trong đó một phòng dành cho lớp mầm non, phòng còn lại chỉ có 16 học sinh (HS) nhưng có đến 3 trình độ là lớp 3, 4 và 5. Mỗi nhóm nhỏ là một lớp, chừng 5 - 6 em, quây quần riêng một góc. Giáo viên phải hoạt động liên tục, hết nhóm lớp này đến nhóm lớp khác.
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm, phụ trách lớp ghép 3 trình độ, cho biết cô có 17 năm dạy lớp ghép. “Khi ghép 2 trình độ thì bên này dạy môn toán, bên kia dạy môn khác. Còn ghép đến 3 trình độ thì thật sự khó khăn vì kiến thức lớp 3, 4, 5 rất khó nên khi ghép rất vất vả. Mỗi tiết dạy, giáo viên phải nghiên cứu 3 bài, 3 lượng kiến thức khác nhau”, cô Thơm nói.
Trường tiểu học xã Phú Lợi có đến 5 điểm trường lẻ. Phần đông HS là con em đồng bào dân tộc Khmer, chiếm hơn 54% nên việc tiếp thu tiếng Việt của các em còn chậm và gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy. Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường tiểu học Phú Lợi, dạy lớp ghép hơn 10 năm, cho rằng: “Khó khăn là các em theo ba mẹ đi làm ăn xa nay đây mai đó nên nắm kiến thức không được trọn vẹn, giáo viên phải dạy lại kiến thức cho các em từ đầu”.
Ông Trần Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Lợi, cho biết người dân nơi đây kinh tế còn nghèo, hầu hết cha mẹ HS phải đi làm xa, các em sống với ông bà. Vì vậy, nếu không mở những lớp ghép, điểm lẻ thì nguy cơ các em bỏ học, mù chữ rất cao.
Theo ông Hà Quang Minh, Trưởng phòng GD-ĐT H.Giang Thành, toàn huyện hiện có 15 trường nhưng có đến 47 điểm lẻ; trong đó 2 lớp 3 trình độ và 8 lớp 2 trình độ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.