Lo ngại về độ vênh giữa đào tạo nghề và thực tế

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
24/08/2018 20:07 GMT+7

Các đại biểu đã nêu ra những vấn đề nóng của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong phiên họp giải trình sáng nay do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức.

Đây là phiên họp đầu tiên của HĐND TP.HCM về việc thực hiện chính sách pháp luật công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố, kể từ khi chuyển giao cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp khó tìm được người đáp ứng nhu cầu

 Có mặt tại phiên họp, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, thông tin trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 50 trường CĐ, 65 trường trung cấp, 65 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 278 doanh nghiệp và 59 cơ sở khác có đào tạo nghề. Tính đến tháng 12.2017, có gần 50.000 sinh viên học CĐ, hơn 37.000 học sinh học trung cấp và hơn 400.000 học viên sơ cấp và dưới 3 tháng.

Mặc dù số lượng người học đạt hơn 100% chỉ tiêu đề ra, nhưng một số đại biểu HĐND cho rằng có những bất cập diễn ra trong thực tế mà đến nay các cơ sở đào tạo vẫn chưa giải quyết được.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nhận định: “Chúng ta đào tạo được rất nhiều, nhưng doanh nghiệp tìm được người đáp ứng nhu cầu là rất khó. Vì sao lại có độ vênh lớn giữa đào tạo với thực tế? Có cách nào doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp để khắc phục độ vênh này?”.

Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, khẳng định trường tuyển sinh luôn đạt chỉ tiêu hằng năm và có quan hệ với hơn 1.000 doanh nghiệp. Trong đó, hơn 100 doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận với trường về việc đưa giáo viên đến làm việc từ 3-6 tháng và cung cấp chỗ thực tập cũng như tuyển dụng sau tốt nghiệp cho sinh viên.

Việc liên kết với doanh nghiệp cũng được ông Lê Minh Tấn khẳng định tất cả các trường đều đang thực hiện khá tốt.

Một đại biểu khác cũng nhìn nhận đào tạo nghề chưa thực sự bám sát nhu cầu lao động của xã hội mà theo vị này, một trong những nguyên nhân là công tác dự báo nguồn nhân lực còn yếu, chưa chính xác và chưa kịp thời.

Tập trung đào tạo nhân lực những ngành trọng điểm

TP.HCM đã ban hành các kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2020. Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được định hướng tập trung tuyển sinh và đào tạo lao động cho 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu và 8 ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, số lượng học các nhóm ngành trên còn thấp, chưa kể trong quá trình học rơi rụng học viên đến gần 50%. Cụ thể, đến hết năm 2017, có hơn 52.000 người học 4 ngành công nghiệp trọng yếu nhưng chỉ có hơn 27.000 người tốt nghiệp, 221.787 người học 9 ngành dịch vụ chủ yếu nhưng chỉ 177.095 người tốt nghiệp.

Đại biểu Phan Thị Ngọc Xuân đề nghị các trường cần có giải pháp để thu hút người học và tăng tỷ lệ tốt nghiệp những ngành này, mới có thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực thực tế.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, một trong những giải pháp đó là TP.HCM đang thí điểm 13 trường đào tạo chất lượng cao và đào tạo các nghề trọng điểm. Kinh phí đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, giáo viên cho các trường này dự kiến khoảng 788 tỉ đồng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút người học.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đánh giá giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM đang có những chuyển biến rất tốt, nhưng còn phải giải quyết nhiều vấn đề mới có thể đáp ứng được thực tế.

Bà Quyết Tâm đề nghị: “Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cần rà soát lại toàn bộ hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào quy hoạch của thành phố. Tập trung đầu tư vào đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu dự báo nhân lực, với giải quyết việc làm, với chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.