Lễ Giáng sinh vào nội dung đề kiểm tra môn vật lý

Bích Thanh
Bích Thanh
25/12/2020 18:32 GMT+7

Cũng để kiểm tra kiến thức môn vật lý nhưng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) chọn bài tập vận dụng từ việc trang trí đèn led cho đêm Giáng sinh.

Lắp đèn led cho cây thông Noel

Theo đó, bài kiểm tra học kỳ 1 môn vật lý dành cho học sinh khối 11, có bài tập yêu cầu học sinh với nội dung: Phát biểu định luật Ohm đối với toàn mạch, viết công thức, chú thích, đơn vị từng đại lượng.

Vận dụng: Nhân dịp Noel 2020, An muốn trang trí cây thông bằng đèn led, mỗi đèn ghi (2 V- 2 W), mắc các đèn nối tiếp vào mạch điện kín gồm 10 pin suất điện động 1,5 V, điện trở… Hỏi An phải dùng bao nhiêu bóng đèn để đèn sáng bình thường?

Giáo viên Vũ Quốc Dũng, Tổ trưởng môn vật lý Trường THPT Nguyễn Du, cho biết mục đích của việc biên soạn đề kiểm tra có đan xen những yếu tố mang tính thực tế, những yêu cầu vận dụng gắn liền với dịp lễ Giáng sinh giúp học sinh không có cảm giác nặng nề từ đề bài. Các em thực hiện bài thi trong thời điểm có nhiểu ngày lễ lớn phần nào cũng hạn chế việc vui chơi nên giáo viên cố gắng sao cho vẫn đảm bảo việc kiểm tra kiểm thức mà các em lại thấy gần gũi, đời thực.

Học sinh Nguyễn Thoại Anh, lớp 11 Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho hay: “Em và các bạn rất hứng thú với nội dung đề ra. Em thấy việc học nhẹ nhàng hơn”.

Ra đề kiểm tra theo định hướng thực tiễn

Trao đổi về định hướng biên soạn và tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, nói việc giảng dạy lồng ghép kiến thức đời sống không phải bây giờ mới làm, việc này từ xa xưa thế hệ của chúng tôi thầy cô đã làm và làm rất sinh động. Từ việc cho học sinh làm thí nghiệm, trồng cây, giải phẫu học, lắp ráp thiết bị điện, giải thích việc thủy triều, nhật thực, nguyệt thực, tác hại của tia X, tác hại rượu bia, thuốc lá, sắm vai...

Tuy nhiên do chương trình SGK hiện hành rất nặng kiến thức mà thời gian có hạn nên giáo viên rất tất bật. Do đó đổi mới giảng dạy, đặc biệt đổi mới phương pháp đánh giá là rất cần thiết, quan trọng là để chuẩn bị cho công tác thay đổi SGK sắp tới. Đã 2 năm TP.HCM mạnh dạn đổi mới cách ra đề thi tuyển sinh lớp 10 làm thay đổi mạnh phương pháp dạy ở bậc THCS. Vài năm trở lại đây Sở GD-ĐT TP.HCM cũng chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy theo các hình thức dạy tích hợp, dạy chủ đề, nghiên cứu khoa học, lồng ghép STEM...

Theo ông Phú, việc ra đề lồng ghép kiến thức thực tiễn giúp cho thầy cô cũng phải vận động, nghiên cứu tài liệu để có đề hay. Còn học sinh sẽ không còn chủ quan ôm SGK học vẹt, bản thân các em cũng phải thay đổi phương pháp học, đọc tài liệu, nghiên cứu vấn đề, tham gia hoạt động STEM, nghiên cứu khoa học...

Cũng theo ông Phú, để đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh, trước hết phải đổi mới tư duy của giáo viên. Chẳng hạn nâng cao năng lực chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng phương pháp mới...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.