Làm gì khi kết quả thi không như mong đợi

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
22/07/2020 09:47 GMT+7

Thí sinh đặt nguyện vọng trước khi các kỳ thi tuyển sinh diễn ra. Tuy nhiên sau khi thi xong, không phải ai cũng đạt được kết quả như mong đợi. Trước tình huống đó, học sinh và phụ huynh nên ứng xử như thế nào?

Học sinh (HS) các tỉnh, thành vừa hoàn thành kỳ thi lên lớp 10, nhiều HS cho biết đã làm bài khá tốt và tự tin sẽ đạt kết quả cao, nhưng cũng không ít em lo lắng, hồi hộp với bài làm của mình. Dù vậy, khi được hỏi về phương án “phòng bị” trong trường hợp kết quả thi không được như mong đợi, nhiều HS cho biết đã chuẩn bị cả tâm lý, lẫn hướng đi riêng trong trường hợp này.
Chia sẻ về định hướng của mình, Nguyễn Ngọc Lan Anh, HS lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết trước đó đã đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phú Nhuận, nguyện vọng 2 là Trần Hưng Đạo, còn nguyện vọng 3 là Nguyễn Trung Trực. “Trước kỳ thi, em biết sức học của mình tới đâu nên đã chuẩn bị tâm lý trong tình huống kết quả thi không được như mong đợi. Ba mẹ em cũng không gây áp lực quá nhiều”, Lan Anh chia sẻ. Dù làm bài thi khá tốt, nhưng nữ sinh này không chắc có vào được trường mình mong muốn. “Có thể em sẽ đăng ký vào trường ngoài công lập để tiếp tục việc học của mình, dù có thể em sẽ rất buồn”, nữ sinh này nói thêm.
Tương tự, Phương Anh, HS lớp 9 Trường THCS An Nhơn (Q.Gò Vấp), cũng cho biết vài tháng trước ngày thi, em đã xác định trước với ba mẹ về việc có thể không trúng tuyển vào các nguyện vọng đã đăng ký. “Em cũng đã tính đến việc đi học nghề thiết kế đồ họa ở một trường đào tạo nghề, hoặc có thể học tiếp lên ở trường ngoài công lập. Dù tính trước như vậy, nhưng nếu thật sự rớt hết các nguyện vọng thì có lẽ em sẽ… rất sốc”, Phương Anh tâm sự.
Năm nay, TP.HCM có hơn 96.000 HS tốt nghiệp THCS, trong đó có 82.300 HS đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10, trong khi tổng chỉ tiêu các trường THPT công lập là 66.500, nên dự kiến có gần 16.000 HS sẽ không trúng tuyển.
Trước đó, trong buổi tổng kết năm học, ông Phạm Ngọc Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Nhật (Q.Gò Vấp), đã viết tâm thư chia sẻ, dặn dò học trò rất nhiều. Trong đó, ông dặn các em cả việc chuẩn bị tinh thần nếu không may kết quả thi không được như mong đợi. “Nếu như kết quả thi không được như mong đợi thì các em cũng nên nhớ rằng, đây chỉ là một cuộc thi. Vào đại học cũng chỉ là một trong những con đường giúp ta thực hiện ước mơ và đích cuối cùng vẫn là rèn luyện để trở thành một con người chân chính, biết đúng, sai, thiện, ác; biết yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia. Và đặc biệt phải có nghị lực để rèn luyện năng lực bản thân đóng góp cho xã hội. Có thể các em không trở thành một tài năng xuất chúng để làm những việc vĩ đại, nhưng thầy mong rằng các em có thể đóng góp cho đời những chuyện nhỏ bé với cả tấm lòng yêu thương rộng lớn”, ông Thanh viết.
Còn tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A cho biết: “Để có cách ứng xử phù hợp với kết quả thi, đòi hỏi phụ huynh và HS phải có những tính toán chủ động trước đó để có nhiều phương án dự phòng. Khi đón nhận kết quả thi dù thế nào thì chúng ta vẫn giữ được bình tĩnh và không tạo áp lực, hay đổ lỗi cho nhau. Để có được thành công là một chặng đường dài, điều quan trọng nhất là cả một cuộc đời phía trước và chúng ta cần phải bước tiếp với thái độ tích cực”.

Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Thí sinh nói gì về đề thi?

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.