Làm gì để tránh tâm lý căng thẳng cho học sinh trước kỳ thi?

26/06/2021 16:54 GMT+7

Dịch bệnh bùng phát đúng trở lại làm cho kỳ thi vào lớp 10 chưa thể tiến hành tại nhiều địa phương, trong khi đó kỳ thi tốt nghiệp THPT phải chia ra làm hai đợt. Điều này khiến cho không ít học sinh lẫn phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Trước đó, việc phải tạm dừng đến trường trong bối cảnh dịch bệnh dẫn đến sự gián đoạn đột ngột lịch sinh hoạt, làm học sinh mất đi các tiếp cận xã hội với bạn bè, những chuyến về quê hay đi du lịch. Nhiều em chịu ảnh hưởng tâm lý do chứng kiến cãi vã hoặc bạo lực trong gia đình do áp lực kinh tế lẫn nguy cơ lây nhiễm từ những người xung quanh. Với học sinh cuối cấp, giãn cách xã hội đúng giai đoạn ôn thi khiến áp lực kỳ thi dường như nhiều hơn, kỳ thi trở nên bất định và không ai biết sẽ có những thay đổi gì vào phút chót.

Học sinh dễ rơi vào tình trạng mất tinh thần, mệt mỏi, lo lắng

Tất cả những áp lực này diễn ra trong thời gian dài đẩy các em rơi vào tình trạng mất tinh thần, mệt mỏi, lo lắng. Đó là thời điểm các em rơi vào trầm cảm, xuất hiện những hành động tự gây hại thậm chí có suy nghĩ tự tử. Có thể nhận ra các biểu hiện tổn thương sức khỏe tâm thần của các em thông qua những hành vi, cảm xúc, nhận thức hàng ngày.
Xét về khía cạnh tích cực, áp lực là yếu tố mà mỗi người đều phải vượt qua để đạt được điều mình mong muốn hay một mục tiêu nào đó. Vì vậy khi biết được điều này thì học sinh và phụ huynh cần có sự chuẩn bị tốt nhất cho mỗi kỳ thi. Có sự chuẩn bị tốt thí sinh sẽ tự tin hơn khi thi. Qua mỗi lần ôn luyện đánh giá năng lực được các thí sinh sẽ biết dược năng lực đưa ra kỳ vọng và mục tiêu vừa với năng lực với thí sinh. Nếu đạt được kết quả khả quan trong kỳ thi cuối cấp đồng nghĩa với nhiều cơ hội học tập được mở ra cho học sinh trong giai đoạn tiếp theo.
Thực tế, bản thân kỳ thi vốn không quá căng thẳng như thế. Một chút áp lực của kỳ thi là điều tốt để tạo động lực cho các em thức dậy sớm mỗi ngày tập trung ôn bài. Còn điều làm học sinh lo lắng, stress quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và kết quả thi là do những suy nghĩ, diễn giải trầm trọng hóa vấn đề.
Bản thân học sinh cần sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý, không tự tạo ra áp lực cho chính mình, dành thời gian hàng ngày để thư giãn. Tìm sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, bạn bè, thầy cô khi cảm thấy lo lắng quá mức, khó kiểm soát.

Đồng hành cùng con

Trong bối cảnh đó, phụ huynh và thầy cô cần giúp cho các con nhận ra vấn đề của mình, việc nghỉ ngơi phù hợp giúp não bộ được thư giãn giúp chúng ta học được nhanh hơn. Việc duy trì giấc ngủ sâu đầy đủ sẽ giúp các con tập trung, ghi nhớ lâu và tư duy sắc bén hơn. Dành thời gian cho các hoạt động vận động, chơi các môn thể thao phù hợp nhằm giúp cải thiện tâm trạng để hào hứng hơn khi học. Phụ huynh cũng cần chia sẻ với con quan điểm: Cuộc đời chúng ta có rất nhiều kỳ thi và kết quả của một kỳ thi không thể phản ánh giá trị của con người. Nếu không đạt kết quả như kỳ vọng, hãy chứng minh cho mọi người thấy con đã cố gắng hết sức.
Trong lúc này phụ huynh chính là người đồng hành quan trọng nhất bên các con. Bên cạnh lo lắng cụ thể về kỳ thi, cha mẹ cũng cần bảo vệ sức khỏe tâm lý của con bằng cách giúp con tránh tiếp xúc quá nhiều với những thông tin làm tăng lo lắng (như cập nhật hàng ngày về người nhiễm bệnh mới, tỉ lệ chọi vào các trường…) tại thời điểm này.
Điều quan trọng là giúp con hình thành, thích ứng với lịch trình ôn thi trong giãn cách. Khi không biết được chuyện gì sẽ thay đổi hoặc diễn ra tiếp theo, thực hiện theo thói quen, lịch trình vạch sẵn sẽ làm giảm lo âu và giảm cảm giác bất định. Những điều đó cũng tương tự với các biến cố mà chính các con sẽ đối mặt và tự mình đưa ra cách giải quyết tối ưu khi mai này phải ra đời làm việc. Tận dụng cơ hội để dạy con về cảm xúc, bày tỏ cảm xúc. Việc hiểu và chia sẻ được ra cảm xúc của mình với người thân cũng là cách làm giảm những khó chịu, lo lắng hàng ngày.
Phụ huynh cần thương xuyên gần gũi với con, là một người bạn tâm sự của con, chia sẻ những kinh nghiệm học tập giúp con mình có phương pháp học tốt, đạt hiệu quả cao. Động viên con bình tĩnh trước mọi tình huống, dù là xấu nhất. Dạy con rằng, lúc nào tính mạng con người cũng là quan trọng nhất. Gia đình, bố mẹ luôn là nơi yêu thương, che chở cho con.
Cho trẻ chơi những môn thể thao mà trẻ thích, dễ thực hiện như đạp xe, chạy bộ, đá bóng… Đảm bảo giấc ngủ đủ và sâu sẽ giúp con bạn cải thiện trí óc và khả năng tập trung. Phụ huynh cũng có thể cùng con thư giãn đầu óc bằng cách tham gia các trò chơi, vẽ trang, xếp giấy, các hoạt động giải trí, xem ti vi… để trẻ cảm thấy thoải mái và đỡ lo lắng khi đối mặt với áp lực thi cử. Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ cung cấp cho con nguồn năng lượng cần thiết trong suốt quá trình thi cử vất vả. Khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, món ăn nhiều protein… để cơ thể khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần. Tránh lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá…
Thời gian này cha mẹ hãy giúp con hướng tới với sự tự tin. Giúp con hình dung lại những thời điểm học ôn tốt nhất; những chiến lược, hình thức ôn tập hiệu quả. Một trong những yếu tố rất quan trọng là phụ huynh cần giúp các con tìm thấy ý nghĩa thực sự của việc học tập suốt đời, cũng như không đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mình, tạo thêm áp lực lên con về việc phải đạt bằng được thành tích này hay điểm số kia trong kỳ thi.
Nói khác hơn, thầy cô, phụ huynh cần xác định với các con, thời điểm này tuy khó khăn nhưng cũng là cơ hội để giúp con rèn luyện các kĩ năng, năng lực, phẩm chất như tự học, tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác... để các con có động lực trong việc học tập vượt qua kỳ thi. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.