Kỳ thi tuyển sinh ĐH: Lưu ý khi làm bài thi đợt 2

08/07/2014 09:20 GMT+7

Qua đề thi ĐH đợt 1 và những phát biểu của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các chuyên gia cho thí sinh những lưu ý cần thiết khi làm bài thi đợt 2.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH: Lưu ý khi làm bài thi đợt 2

TS dự thi ĐH tại TP.HCM làm bài thi môn lý đợt 1 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Cấu trúc đề thi

 

Đón đọc gợi ý bài giải đề thi

Báo Thanh Niên ngày mai (9.7) sẽ có 4 trang phụ trương tặng bạn đọc gợi ý bài giải các môn toán, địa, sinh, sử, ngoại ngữ. Trên số báo này, còn có những thông tin đầy đủ, phân tích sâu về đề thi, tình hình mùa thi năm nay và nhiều tin tức hữu ích liên quan đến kỳ thi.

Thanh Niên online và Thanh Niên Mobile sẽ cập nhật liên tục gợi ý giải đề thi, nhanh chóng có đáp án các môn thi của Bộ GD-ĐT.

THANH NIÊN

Theo cô Nguyễn Kim Tường Vy, Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM, nhìn vào đề thi tốt nghiệp THPT môn sử, rồi một số môn thi ĐH đợt 1, có thể thấy khả năng đề thi môn sử ĐH đợt 2 này cũng sẽ có sự thay đổi về cấu trúc. Cụ thể ở đây là đề thi sẽ không còn phần lựa chọn, mà chỉ có phần chung. Về thực chất, sự thay đổi cấu trúc này tác động rất nhiều đến kết quả làm bài của thí sinh (TS). Cô Vy phân tích: “Nếu đề thi có phần tự chọn, học sinh ban cơ bản và nâng cao chỉ cần học phần kiến thức của ban đó. Nay nếu đề thi chỉ còn phần chung, có nghĩa kiến thức trong đề thi phải giao thoa giữa hai ban. Khi đó, TS buộc phải nắm hết kiến thức của cả hai phần mới làm được bài. Những học sinh trước nay ôn theo “tủ”, rất khả năng sẽ không làm được bài”.

Theo thầy Nguyễn Duy Hiếu, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, nội dung đề thi môn toán đợt 1 không thay đổi nhưng cấu trúc đề có sự thay đổi. Đề ra tuần tự từ dễ đến khó. Đây cũng là điều giúp TS dễ dàng hơn trong sự lựa chọn câu để làm, có thể làm theo tuần tự đề thi. Ở đợt 2 này, cấu trúc đề cũng sẽ như đợt 1.

Biết cách vận dụng thực tiễn

Theo nhiều giáo viên, đề thi những năm gần đây có nhiều câu phải vận dụng kiến thức thực tế. Tuy nhiên, phần lớn các TS không làm tốt phần này. Cô Tường Vy cho biết: “Từ thực tế bài thi môn lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi thấy thay vì trình bày trước về kiến thức được học từ sách vở, học sinh bỏ qua khâu này và lao ngay vào nêu kiến thức thực tế và lòng yêu nước. Dù vận dụng kiến thức thực tế thì trước hết TS vẫn phải bám sát nội dung bài học được đề cập trong đề thi”.

Trong khi đó, lưu ý về bài thi môn hóa, cô Hà Thị Kim Liên, giáo viên hóa Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM, nói: “Đề thi môn hóa khối A đợt thi ĐH vừa rồi rất cơ bản, không đánh đố. Tuy nhiên, đề đó có tới 2 điểm liên quan đến kiến thức lớp 10 và 5 điểm liên quan đến kiến thức lớp 11. Kiến thức lớp 12 trong đề thi chỉ chiếm có 3 điểm. Từ đó có thể thấy, đề thi có tính liên thông kiến thức ở bậc THPT rất cao. Để làm tốt đề thi, dù câu hỏi ra kiến thức lớp 12 nhưng TS phải nắm cơ bản vấn đề đó khi được học ở lớp 10 và 11 mới có thể làm được bài”. Cũng theo cô Liên, đề thi môn hóa vừa rồi cũng có 2 câu ra ở dạng bài hóa học và môi trường. Tuy nhiên, sự vận dụng kiến thức ở đây thuộc sách giáo khoa, không cần vận dụng kiến thức thực tế cuộc sống.

Nhiều trường ĐH dự kiến công bố điểm thi cuối tháng 7

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH phải công bố kết quả thi và điểm trúng tuyển trước ngày 20.8. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường cho biết sẽ công bố kết quả thi trước ngày 31.7.

Dự kiến các trường: ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội công bố khoảng ngày 22.7, Thủy lợi từ 20 - 25.7, Giao thông vận tải 25 - 26.7, Công nghiệp Hà Nội  29.7, Tài chính - Marketing trước ngày 31.7, Ngân hàng TP.HCM 25.7 và Học viện Bưu chính Viễn thông từ 27 - 28.7.

VŨ THƠ - HÀ ÁNH

Trước khi thi môn văn...

Bản chất của môn văn là sáng tạo. Muốn sáng tạo phải có cảm hứng. Hãy nhớ về một câu chuyện thật sự xúc động của cuộc sống, hãy đọc lại một truyện ngắn, một bài văn có nhiều xúc cảm mà mình thật tâm đắc... trước lúc vào phòng thi.

Làm văn là hoạt động sáng tạo văn bản để giao tiếp với người đọc - giám khảo, muốn thế phải nghĩ đến hiệu quả giao tiếp. Ngoài nội dung, chất lượng bài làm, nhiều khi hiệu quả ấy còn thể hiện ở cách trình bày (lề, dòng), chữ viết (đẹp, xấu; dễ đọc, khó đọc...), bôi xóa (sạch, dơ), ngay cả màu mực cũng tạo nên hiệu ứng giao tiếp nhất định.

Phải dành một lượng thời gian hợp lý để lập dàn ý. Điều này giúp người viết có một định hướng rõ ràng về bố cục ý. Trong quá trình làm bài có thể thay đổi, thêm bớt ý từ dàn ý đã lập.

Phần mở đầu của bài văn rất quan trọng. Nếu có ý mở đầu tốt, hãy viết ngay. Còn không, hãy viết ra giấy nháp, hoặc bỏ trống ở đấy. Trong quá trình làm, khi đã nghĩ được cách mở bài tốt, quay lại viết phần này cũng chưa muộn.

Giữa các câu của bài làm phải có khoảng cách hợp lý, an toàn, vừa để giám khảo không chấm sót, vừa lợi cho TS dễ dàng bổ sung ý trả lời.

TRẦN NGỌC TUẤN  (Trường THPT Lý Tự Trọng TP.HCM)

Hà Ánh - Đăng Nguyên

 >> Đón đọc gợi ý giải và nhận xét đề thi đợt 2 tuyển sinh ĐH-CĐ
>> Đề thi đợt 2: Học lực bình thường có thể làm tốt trên 50%
>> Tiếp tục hỗ trợ thí sinh thi đợt 2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.