Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009: Để thi môn Sinh đạt điểm cao

30/03/2009 22:56 GMT+7

Để giúp thí sinh làm bài thi đạt điểm cao, từ số báo này, Thanh Niên sẽ lần lượt đăng các hướng dẫn ôn tập chi tiết 6 môn thi tốt nghiệp THPT của các giảng viên, giáo viên.

Về phương pháp trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, HS cần chú ý các dạng câu hỏi:

Dạng 1: Chọn phương án trả lời đúng.

Với dạng câu hỏi này, HS cần thuộc bài, hiểu khái niệm, nắm vững cơ chế, kết quả và ý nghĩa của các hiện tượng hoặc quá trình sinh học có liên quan. Phương pháp phổ biến với dạng câu hỏi này là: Đọc kỹ câu dẫn, loại các câu trả lời sai, còn lại câu đúng hoặc đúng nhất. Ví dụ: Mã đề 284 Đề TNPT 2008.

Câu 1: Theo quan niệm hiện đại, các giai đoạn chính trong quá trình phát sinh sự sống trên Quả Đất lần lượt là:

A. tiến hóa tiền sinh học - tiến hóa hóa học - tiến hóa sinh học.

B. tiến hóa hóa học - tiến hóa tiền sinh học - tiến hóa sinh học.

C. tiến hóa hóa học - tiến hóa sinh học - tiến hóa tiền sinh học.

D.  tiến hóa sinh học - tiến hóa hóa học - tiến hóa tiền sinh học. 

Với câu này HS thuộc bài chọn được ngay đáp án B.

Đôi khi gặp một câu hỏi mà khi đọc qua HS không chọn được đáp án nào thì khi đó phải biết loại suy để chọn 1 đáp án đúng nhất.  Ví dụ:

Câu 3 Bài 51 SGK nâng cao. Nhóm cá thể nào dưới đây là một quần thể?

A. Cá diếc và cá vàng trong bể cá cảnh.

B. Cá rô đồng và cá săn sắt trong ao.

C. Cây trong vườn.

D. Cỏ ven bờ hồ.

Gặp những câu hỏi như thế này, không nên hấp tấp làm ngay mà nên để đến cuối giờ để cân nhắc chọn một đáp án có thể chấp nhận được. Trong trường hợp này HS có thể suy luận: vì cá diếc và cá vàng là những loài rất gần gũi và có thể giao phối được nên được cho là cùng một quần thể. Tuy nhiên nếu cho rằng các phương án B, C, D đều sai vì bao gồm nhiều loài thì với phương án A cũng không thể cho cá diếc và cá vàng là cùng loài để xem chúng như là một quần thể; chưa kể trong một bể cá cảnh thì những con cá diếc và những con cá vàng có thể chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên và nhất thời.

Dạng 2: Chọn phương án trả lời sai (không đúng, chưa đúng, không phải là, không có trong...). Với dạng câu hỏi này HS dễ trả lời sai do chủ quan, thường điều gì HS chưa biết thì hay cho rằng điều đó là sai hoặc đọc không kỹ câu hỏi thay vì chọn ý sai lại chọn ý đúng.

Ví dụ: Mã đề 284 Đề TNPT 2008.

Câu 33:  Phát biểu nào sau đây là sai khi nói về trẻ đồng sinh?

A. Trẻ đồng sinh cùng trứng luôn luôn cùng giới tính

B. Trẻ đồng sinh cùng trứng giống nhau về kiểu gen

C. Trẻ đồng sinh khác trứng có thể khác giới tính hoặc cùng giới tính

D. Trẻ đồng sinh khác trứng được sinh ra từ một hợp tử

Phương án D sai ở điểm khác trứng >< một hợp tử. HS phải có kiến thức và kỹ năng phát hiện nhanh những mâu thuẫn trong các phát biểu để tìm ra câu trả lời phù hợp nhất

Ví dụ: Đề TN BT THPT Cấu trúc đề trang 183.

Câu 6:  Phát biểu nào sau đây là không đúng khi nói về đột biến nhiễm sắc thể?

A. Đa bội là dạng đột biến số lượng nhiễm sắc thể trong đó tế bào đột biến chứa nhiều hơn 2 lần số bộ nhiễm sắc thể đơn bội (3n,  4n,...).

B. Lệch bội là những biến đổi về số lượng nhiễm sắc thể xảy ra ở một hay một số cặp nào đó (2n+1, 2n- 1...).

C. Đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể là những biến đổi trong cấu trúc của từng nhiễm sắc thể.

D. Đột biến đa bội chủ yếu gặp ở những loài động vật bậc cao. 

Phương án A, B đúng với các khái niệm đã học. Câu này nếu HS quên giáo khoa “đa bội khó xảy ra ở động vật hoặc không đọc kỹ câu hỏi động vật bậc cao thì có thể chọn nhầm phương án C vì không tìm thấy chữ mất đoạn, đảo đoạn, chuyển đoạn như trong bài học nên cho rằng câu này sai.

Dạng 3: Các bài tập nhỏ, phải tính toán, suy luận thì mới nhanh chóng tìm được đáp án.

Dạng bài tập này đòi hỏi HS phải nhớ một số công thức, có kỹ năng suy luận và tính toán nhanh thì chọn được đáp án chính xác và rút ngắn được thời gian làm bài. Nếu không đạt được điều này HS sẽ loay hoay mất nhiều thời gian mà vẫn có thể chọn đáp án sai. Ví dụ. Đề TN THPT Cấu trúc đề trang 173

Câu 3:  Một gen dài 5100 A0  và có 3900 liên kết hiđrô nhân đôi 3 lần liên tiếp. Số lượng nuclêôtit tự do mỗi loại cần môi trường nội bào cung cấp là:

A. A = T = 5600; G = X = 1600 

B. A = T = 4200; G = X = 6300

C. A = T = 2100; G = X = 600 

D. A = T = 4200; G = X = 1200

Để giải nhanh bài này, HS cần sử dụng số liệu 5100 A0  và 3900 liên kết hiđrô để tính được thành phần Nu của gen đã cho là: A = T = 600 ; G = X = 900; suy ra khi gen nhân đôi 3 lần liên tiếp thì cần môi trường tế bào cung cấp 23 – 1 lần số Nu mỗi loại từ đó chọn được phương án D.

Trần Ngọc Danh
(Tổ trưởng tổ Sinh học, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.