Kỷ niệm về một người thầy

17/11/2016 08:37 GMT+7

Ngày đó, Quy Nhơn chỉ có 2 trường cấp 3 là Quang Trung và Trưng Vương. Thật tự hào khi được làm học sinh của trường cấp 3 Quang Trung, một ngôi trường giàu truyền thống nhất tỉnh Bình Định.

Với 3 năm học cấp 3 (1982 - 1985), mỗi thầy cô dù là giáo viên chủ nhiệm hay dạy bộ môn, cũng đều để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp và kỷ niệm sâu sắc.
Trong các thầy cô giáo đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp đó, tôi nhớ mãi thầy Thân dạy văn. Thầy Thân quê Quảng Ngãi, người gầy gò với cặp kính cận luôn trên sống mũi, là giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của tôi. Thầy vừa hiền từ vừa sâu sắc, nghiêm nghị nhưng cởi mở. Hồi ấy chúng tôi đã có thể trao đổi thoải mái với thầy về một bài văn, một quyển sách. Ngày 20.11, đến thăm thầy ở khu nhà tập thể trên đường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, thay cho những lời chúc tụng, thầy và trò lại bàn luận về một vài cuốn sách hay. Cứ vậy, thầy gieo cho chúng tôi niềm yêu thích môn văn nói riêng và văn học nói chung.
Thời đó đời sống giáo viên còn quá cực khổ, nhiều thầy cô ngoài giờ lên lớp phải tranh thủ làm thêm với đủ thứ việc khác nhau. Người trồng rau, người chăn nuôi, người nấu rượu… Thầy Thân của chúng tôi thì không chăn nuôi hay trồng rau mà thầy xin một chân soát vé ở cổng Sân vận động Quy Nhơn.
Năm 1985, giải bóng đá vô địch quốc gia (hồi ấy gọi là giải A1) rất sôi động, hấp dẫn. Tôi và bạn Tuấn rất thích đi xem nhưng không có tiền mua vé, mà hai thằng thì mê bóng đá. Biết thầy mình sẽ đứng soát vé ở cổng ngoài, hai thằng bàn nhau đi lụi. Quả nhiên, khi theo dòng người rồng rắn vào đến cổng ngoài, gặp thầy, chúng tôi gãi đầu gãi tai rằng không có vé, nhờ thầy dẫn vào giúp. Có lẽ thương hai thằng học trò mê bóng đá, thầy dẫn chúng tôi vào tận cổng trong dưới chân khán đài, nói với người xé vé ở đó cho chúng tôi vào xem.

tin liên quan

Cô giáo của ngư dân
Đó là cô Nguyễn Thị Tâm Hiền (37 tuổi), giáo viên mầm non, mở lớp học xóa mù miễn phí cho bà con ngư dân vùng biển Phú Diên (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế).

Kỷ niệm ấy chúng tôi nhớ mãi. Và mặc dù thời ấy, các thầy cô có làm thêm bằng những việc “không sư phạm” như vậy nhưng không vì thế mà hình ảnh của các thầy cô bớt lung linh, bớt uy nghiêm trong mắt học trò. Bởi chúng tôi hiểu, các thầy cô đã vượt qua những khó khăn đời thường đó để có những giờ lên lớp đúng nghĩa dạy và học, để trang bị cho chúng tôi những kiến thức cần thiết nhất làm hành trang vào đời.
Không hiểu sao, sau này học lên nhiều cấp, nhiều chương trình khác nhau, được nhiều thầy cô khác dìu dắt, dạy dỗ nhưng tôi vẫn thấy các thầy cô của mình thời cấp 3 là tình cảm nhất, để lại nhiều cảm xúc đẹp nhất. Có lẽ vào cái thời đó, cái thời chưa xóa bỏ bao cấp, tuy vật chất thiếu thốn nhưng tình cảm con người ta lúc nào cũng tràn đầy, chân thành và trong sáng.
Vì vậy, cái cảm xúc thầy trò đẹp đẽ, thiêng liêng đó cứ đi theo mãi. Suốt cả cuộc đời.

tin liên quan

Mong ước gì về thầy cô?
Thầy cô giáo, trong suy nghĩ của mọi thế hệ người Việt, gắn liền với những điều cao đẹp, đáng để tôn kính. Nhưng dường như ngày nay hình ảnh của thầy cô không còn lung linh như trước. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.