Kỷ luật học sinh phản giáo dục: Thầy cô phải là nơi để học sinh nương tựa

09/12/2020 08:21 GMT+7

'Thầy cô ở trường học giống như cha mẹ thứ 2 của học trò, hoặc như người anh, người chị, nên phải là nơi để học sinh nương tựa, tin tưởng'.

 Đây là quan điểm của ông Nguyễn Duy Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM).
Theo ông Tâm, lứa tuổi học sinh (HS) trung học là giai đoạn thay đổi tâm sinh lý, có không ít em muốn làm ngược lại những quy định của trường lớp hoặc không chấp hành. “Giáo viên và nhà trường cần xác định nên áp dụng hình thức xử lý phải linh hoạt, không cứng nhắc. Trước khi xử lý, giáo viên cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vi phạm đó, tâm lý, hoàn cảnh gia đình các em. Không phải em nào cũng giống em nào, cho nên cách xử phạt cũng phải xem xét cho phù hợp với từng em”, ông Tâm chia sẻ thêm.
Ông Tâm phản đối việc kỷ luật HS vi phạm bằng cách nêu tên trước lớp hay trước toàn trường, vì điều này sẽ khiến HS xấu hổ dẫn đến hành vi tiêu cực, mà cao nhất là tự tử vì ở tuổi học trò không ít em không thể chịu đựng được sự xấu hổ đó. “Thầy cô ở trường học giống như cha mẹ thứ 2 của học trò, hoặc như người anh, người chị, nên phải là nơi để HS nương tựa, tin tưởng. Không thể dùng sự trừng phạt để xử lý một vi phạm nào đó, mà hãy có những hình thức đủ cứng rắn, đủ mềm mỏng để tạo động lực cho các em sửa sai và thay đổi”, ông Tâm nhận định.
Là phụ huynh có con vừa hoàn tất bậc tiểu học nên chị Nguyễn Bích Chi (Q.1, TP.HCM) đồng tình với quy định giáo viên không được phê bình HS trước cả lớp, trước toàn trường… có hiệu lực từ năm học 2020 - 2021. Chị cho rằng đây là một quy định thể hiện tính nhân văn, phù hợp với môi trường giáo dục. Sở dĩ phụ huynh này bày tỏ quan điểm đồng tình bởi bắt nguồn từ chính câu chuyện của con gái chị.
Chị Chi kể lại: “Một buổi chiều, khi đón con tan trường, cháu rất buồn, khác hẳn với tâm trạng hằng ngày thường vui vẻ kể chuyện trường, chuyện lớp với mẹ. Thấy lạ, tôi liền nhẹ nhàng khơi gợi thì con gái cho biết bị cô giáo gọi lên đứng ở bục giảng vì lỗi nói chuyện, làm việc riêng với bạn. Cháu nói, phải đứng trên bục giảng quay xuống lớp và các bạn bên dưới cười cười, chỉ trỏ, “lúc đó con nhớ mẹ kinh khủng và chỉ muốn bục giảng có hố sâu con có thể chui xuống”.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, từng đưa ra phân tích: “Phê bình HS trước lớp và trước toàn trường là một hành vi phản giáo dục và phản tác dụng. Nó giống như đem đứa trẻ ra đấu tố. Sau đấu tố hoặc đuổi học trẻ có ngoan hơn không? Nếu giáo dục dựa trên nỗi sợ hãi thì sẽ ngăn cản tính chủ động tích cực của con người”.

Những “quy định” khiến học sinh sợ hãi

Một giáo viên làm công tác chủ nhiệm tại một trường THPT ở Q.3 (TP.HCM) cho hay có một số giáo viên dùng điểm kiểm tra đầu năm gây hoảng loạn HS khi giáo viên dạy bài dễ nhưng bài kiểm tra thì cho bài khó đến “toát mồ hôi”. Những HS nào đi học thêm thì làm bài được, còn không thì cứ 5 đến 6 điểm.
Nhiều trường quy định, HS đi học muộn sẽ tính vào điểm hạnh kiểm khiến HS có tâm lý nặng nề.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho hay học trò đang tuổi phát triển, có khi đêm trước thức khuya học bài hay có khi triều cường, kẹt xe… dẫn đến đi học muộn. Nếu trường không lưu tâm đến những yếu tố này mà chỉ nhăm nhăm xử phạt thì HS không phục, giáo dục thất bại. Ông Phú cho biết tại trường này, HS đi học muộn quá 15 phút sẽ vào phòng giám thị đọc sách Hạt giống tâm hồn để khơi gợi cảm hứng và tinh thần học hỏi, khám phá, thái độ và ứng xử để có được một cuộc sống an nhiên, hạnh phúc. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.