Kiểm tra kỹ các cây phượng có kích thước lớn, cây bị sâu bệnh

Bích Thanh
Bích Thanh
10/06/2020 13:25 GMT+7

Theo dõi, kiểm tra kỹ các cây phượng có kích thước lớn, cây bị sâu bệnh, cây được trồng lâu năm (khoảng trên 20 năm), cây trồng trong các bồn xây cao...

Ngày 10.6, Sở Xây dựng TP.HCM công bố kết quả khảo sát công tác quản lý, chăm sóc cây xanh trong trường học. Theo đó, Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND các quận 1, 3, 4, 5, 10, Bình Thạnh thực hiện khảo sát, kiểm tra tổng số 432 cây xanh có bóng mát tại 21 trường học.

Kết quả khảo sát cho thấy trong số những cây xanh nói trên chủ yếu là các loài cây như phượng, bàng, bằng lăng, sọ khỉ, bò cạp nước, lim xẹt, dầu, me tây… do các trường tự quản lý, chăm sóc. Đánh giá về tình trạng, Sở Xây dựng chỉ rõ các cây xanh được cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật (nhiều trường hợp cây bị cắt trụi cành nhánh, gây mất mỹ quan và sức sống của cây). Về lâu dài, các cành nhánh sẽ mọc nhiều tại chỗ cắt, các cành nhánh này dễ gãy gây nguy hiểm cho học sinh, nhất là đối với các cây cao (sọ khi, me tây...). 

Đa số các cây được trồng trong các bồn xây cao, khoảng 30 đến 60 cm, thường được sử dụng làm chỗ ngồi cho học sinh. Một số cây trong bồn gốc cây cao có hệ rễ sẽ bị bó trong bồn, rễ khó mọc lan ra bên ngoài trong khi cây sẽ trụ vững hơn khi hệ rễ ăn lan rộng trong đất. 

Một số cây xanh có vị trí không thuận lợi,, không gian sống bị thu hẹp như bị tòa nhà che chắn ánh sáng, gây nghiêng cây, cây kém phát triển; bị bê tông hóa, không đủ không gian để rể cây phát triển, rễ lan rộng và sâu…. 

Vì vậy, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và phục vụ công tác quản lý về lâu dài, Sở Xây dựng đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM,  UBND các quận, huyện và các trường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn đối với hệ thống cây xanh trong đó lưu ý:

Các cây bị sâu bệnh, mục thân, rễ cây bị bó trong bồn, bị cắt rễ, khi thực hiện cải tạo sân trường, làm lại bồn gốc cây... phải hợp đồng với đơn vị có chuyên môn, năng lực chăm sóc cây xanh để khảo sát cắt tỉa, đốn hạ kịp thời. 

Theo dõi, kiểm tra kỹ các cây phượng có kích thước lớn, cây bị sâu bệnh, cây được trồng lâu năm (khoảng trên 20 năm), cây trồng trong các bồn xây cao (rễ cây bị bó trong bồn, rễ cây không có dấu hiệu ăn lan rộng trong đất); theo dõi cây bàng (thường bị sâu róm, gây ngứa nếu học sinh chạm vào); phải đảm bảo các cây cao lớn (sọ khi, dầu, me tây...) được kiểm tra thường xuyên, cắt tỉa tán cây và lấy nhanh khô kịp thời. 

Nếu buộc phải đốn hạ ngay các cây nguy hiểm, nên trồng cây xanh thay thế để hạn chế ảnh hưởng đến bóng mát, cảnh quan của trường học (có thể điều chỉnh vị trí trồng mới cho phù hợp).

Danh sách các trường cần thực hiện các bước xử lý cây xanh để đảm bảo an toàn cho học sinh, bạn đọc xem tại đây

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.