Khuyến khích giữ gìn chứ không 'cấm' học sinh viết vào SGK

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
28/09/2018 09:06 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT ra chỉ thị trong đó có yêu cầu giáo viên (GV) hướng dẫn học sinh (HS) không viết, vẽ vào sách giáo khoa (SGK) đang khiến dư luận hiểu đây là một mệnh lệnh bắt buộc.

Điều này khiến GV và cả phụ huynh băn khoăn vì SGK hầu hết được gia đình mua cho HS và đây là tài sản cá nhân.
Nếu bắt buộc HS phải sử dụng như thế nào với tài sản cá nhân của mình thì có quá khiên cưỡng hay không trong khi một số trường hợp việc viết vào SGK vẫn cần thiết. Còn GV thì lo ngại nếu để HS viết, vẽ vào SGK sẽ vi phạm quy định và bị trách phạt.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, giải thích: Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó yêu cầu "cán bộ quản lý, GV, HS giữ gìn, bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn HS nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở; không viết, vẽ vào SGK". Tuy đây không phải là yêu cầu bắt buộc nhưng cần phải hướng dẫn để HS không chỉ biết giữ gìn, bảo quản SGK của mình mà còn tạo ý thức tốt trong việc giữ gìn, yêu quý sách và phát triển văn hóa đọc trong HS và toàn xã hội.
Tuy nhiên, chỉ thị cũng yêu cầu: "Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, GV vi phạm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7.7.2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, khiến HS phải mua quá nhiều sách tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí".
Cụ thể: "GV không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, SGK trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS, học viên trong quá trình dạy học"; "GV và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động HS, học viên hoặc cha mẹ HS mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào". Đây mới là những yêu cầu bắt buộc và nếu GV, nhà trường vi phạm thì sẽ bị xử lý theo đúng quy định tại thông tư này.
Ông Thành cũng cho rằng khi biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002 - 2003, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn HS tiến hành các thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho HS các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn HS tự học. Trong quá trình dạy học, GV cần sử dụng các dạng bài tập đó làm “tình huống học tập” để hướng dẫn HS ghi vào vở “dự kiến phương án trả lời và giải thích lý do lựa chọn” để trình bày, thảo luận, bảo vệ phương án đúng. Như vậy mới thực hiện đúng tinh thần của phương pháp dạy học tích cực mà SGK hướng tới. Nếu trong dạy học GV cho HS trả lời bằng cách viết, vẽ trực tiếp vào SGK rồi đánh giá kết quả là “đúng” hay “sai” thì hiệu quả hoạt động dạy học không cao, hạn chế việc phát triển phẩm chất, năng lực HS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.