Không vì phản ứng mà ngại đổi mới

Nhân dịp năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ( ảnh ) đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn xung quanh những vấn đề “nóng” của giáo dục hiện nay.

Không vì phản ứng mà ngại đổi mới
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Lắng nghe nhưng không “đẽo cày giữa đường”
Những nỗ lực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, thời gian qua (như Thông tư 30 hoặc mô hình trường học mới ở VN) được đa số ý kiến nhận định là đúng về mặt chủ trương nhưng sau một thời gian thực hiện lại bị phản ứng từ nhiều phía. Ông nhìn nhận hiện tượng này ra sao và điều đó khiến ông nản lòng hoặc ngần ngại khi đưa ra quyết định đổi mới nào đó?
Không, tôi không ngần ngại, đổi mới là phải tiến lên và với trách nhiệm là người đứng đầu tôi tự xét thấy phải hết sức vững vàng. Đổi mới thì phải chấp nhận những lúc “sóng sánh”, ý kiến trái chiều, nhận thức khác nhau. Đây là điều tất yếu, chứ nếu đồng thuận tất cả thì chưa phải là đổi mới. Tôi là người được giao nhiệm vụ đứng đầu ngành, tôi phải tổng hợp, phải theo căn cốt của vấn đề, vì lợi ích của số đông chứ không sẽ thành “đẽo cày giữa đường”.
Để sự tự tin ấy thực sự mạnh mẽ thì phải có cách làm phù hợp. Tôi cho rằng trên hết là sự chủ động, phải có đội ngũ chuyên gia phân tích, đánh giá một cách rất căn cơ. Khi đưa ra một chủ trương, đường hướng hay một mô hình đổi mới là phải tính toán rất kỹ, phải có thí điểm ở trên phạm vi hẹp và lường trước được những vấn đề có thể xảy ra. Một mô hình hay không phải có thể áp dụng ngay trong mọi điều kiện. Cái sai của chúng ta trong thời gian qua là chưa chú ý điều kiện kèm theo.
Nhưng lãnh đạo ngành GD-ĐT lâu nay vẫn có một tư tưởng nhất quán là nếu đợi đủ điều kiện mới bắt tay vào làm thì sẽ chẳng bao giờ đổi mới được?
Điều đó chỉ đúng một nửa. Tôi cho rằng nếu GD-ĐT mà chỉ theo quan điểm đó thì rất nguy hiểm bởi vì trong thực tế không bao giờ có đủ điều kiện như mong muốn nhưng phải có điều kiện tối thiểu. Thử một cái máy có thể thất bại thì hậu quả có thể khắc phục được nhưng “thử” một con người mà theo kiểu vừa chạy vừa xếp hàng thì nguy hiểm.
Quan điểm của tôi không phải quá cầu toàn nhưng nếu không đủ điều kiện tối thiểu thì không làm. Thà rằng chúng ta cứ làm như cũ còn hơn làm mới mà sự thành bại là 50-50. Giáo dục mà như vậy là rất nguy hiểm. Thất bại của một con người vì nền GD-ĐT là thất bại của cả gia đình, của cả một địa phương.
Không vì phản ứng mà ngại đổi mới
Năm 2017 Bộ GD-ĐT sẽ tập trung, đẩy mạnh làm chương trình tổng thể để tiến tới biên soạn SGK mới Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tuyển chọn công khai chuyên gia biên soạn chương trình
Năm 2018 đã bắt đầu thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới nhưng đến thời điểm này Bộ vẫn chưa công bố chương trình tổng thể, chương trình bộ môn để trên cơ sở đó biên soạn SGK…
Thời điểm này tiến độ của việc biên soạn chương trình tổng thể đã bị chậm so với lộ trình. Chúng tôi chưa dám chắc có kịp với mốc 2018 nhưng quan điểm của tôi là chấp nhận chậm một chút để làm chắc chắn hơn.
Xưa nay chúng ta lập trại xây dựng chương trình, viết SGK, mời tập trung một nhóm chuyên gia. Tôi sẽ tiếp cận theo cách khác, đó là nhìn vào đội ngũ trong ngành GD-ĐT trên dưới triệu người, rất nhiều người giỏi. Quan trọng là mình hình thành được một bộ khung và sau đó sẽ tuyển chọn công khai chuyên gia biên soạn chương trình. Đội ngũ này không chỉ có người nghiên cứu mà phải có người trực tiếp giảng dạy và phải có “luồng gió mới”. Chúng ta đưa được đầu bài ra, công khai, minh bạch trong tuyển chọn thì người giỏi sẽ xuất hiện, tôi sẽ không nhìn vào hồ sơ họ có phải là giáo sư, tiến sĩ không mà quan trọng là phải nhìn được tư tưởng, cách làm của họ có đáp ứng yêu cầu đổi mới hay không. Năm 2017 sẽ tập trung, đẩy mạnh để làm chương trình tổng thể, khi có chương trình tổng thể thực sự tốt rồi thì việc biên soạn SGK sẽ nhanh thôi.
Trên thực tế, một số nhóm tác giả và cả sở GD-ĐT đã bắt tay vào biên soạn SGK mới?
Tôi khẳng định phải bắt đầu từ việc xây dựng chương trình tổng thể, sau đó đến chương trình bộ môn rồi mới biên soạn SGK. Chương trình tổng thể chưa có thì viết SGK cũng thừa. Mọi việc phải làm đúng theo quy trình như vậy. Cá nhân tôi không khuyến khích các sở GD-ĐT viết SGK, việc này nên để các nhà xuất bản. Nếu sở GD-ĐT đứng ra viết SGK rồi ép giáo viên của mình trực tiếp hay gián tiếp dùng SGK đó thì từng bộ sách sẽ bị địa phương hóa.
Sẽ sửa quy định về dạy thêm, học thêm
Thời gian qua, một số địa phương tỏ ra quyết liệt trong việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm. Khi vận dụng quy định của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm đã nảy sinh một thực tế là có những quy định khó thực hiện. Sắp tới Bộ GD-ĐT có tiến hành rà soát để sửa đổi và bổ sung quy định này cho phù hợp và khả thi hơn không, thưa ông?
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu rất tự nhiên của thực tế. Thiếu gì thì người ta phải bồi dưỡng thêm cái đó, nhu cầu học để giỏi hơn so với kiến thức cơ bản cho tất cả mọi người hoặc một bộ phận học sinh nhận thức chậm hơn, cần phải học thêm để củng cố kiến thức cơ bản… đó là những nhu cầu chính đáng.

tin liên quan

Giữ cảm giác thiêng liêng ngày khai giảng
Theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, khai giảng chỉ nên duy trì phần lễ và ngắn gọn vừa để kết thúc trước khi học sinh kịp chán vừa bớt đi sự ồn ào dung tục.
Chúng tôi chủ trương cấm tuyệt đối những tiêu cực trong dạy thêm, ví dụ mang kiến thức ở chương trình chính khóa để dạy ở lớp dạy thêm hoặc dạy thêm những kiến thức nâng cao và đến lúc thi, kiểm tra thì lại ra đề vào phần kiến thức đó.
Tôi thấy chủ trương của TP.HCM vừa qua là tốt nhưng cách làm thiếu sự linh hoạt và đột ngột. Đối với GD-ĐT, rất nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận đa chiều hơn, nhu cầu thực sự của phụ huynh, điều kiện về thực tiễn của mỗi nhà trường. Nếu trường nào cũng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, chương trình giáo dục không nặng nề thì nhu cầu về học thêm sẽ không quá bức thiết.
Tôi đang yêu cầu rà soát để sửa Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm theo hướng thực tế, thiết thực hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.