Không nên đánh giá học sinh chỉ ở hạnh kiểm và học lực

07/09/2019 07:50 GMT+7

Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh cần được coi trọng nhằm tạo ra những thế hệ trẻ VN yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm và hội nhập quốc tế .

Trong những năm qua dù giáo dục đạo đức trong nhà trường ngày càng được coi trọng nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Nội dung và cách tiếp cận còn cũ kỹ

Nhà trường, gia đình và xã hội hiện vẫn quá coi trọng thành tích học tập, dạy chữ mà coi nhẹ về giáo dục đạo đức và dạy người. Điều này đã dẫn tới học sinh (HS) phải học thêm ngay từ cấp tiểu học và tình trạng bạo lực học đường gia tăng.
Hiện nay việc đánh giá xếp loại HS quy tụ vào hai mặt hạnh kiểm và học lực, trong đó học lực được coi trọng. Xếp loại hạnh kiểm ở 4 loại: tốt, khá, trung bình và yếu không thể hiện được tính cách, kỹ năng sống, tinh thần hợp tác, chịu khó, trung thực, trách nhiệm… Đây là những tính cách rất cần cho HS phát triển lâu dài nhưng lại không được đánh giá đầy đủ.
Nội dung giáo dục đạo đức hiện nay trong nhà trường có khi mang tính giáo điều, khá trừu tượng với HS các lớp nhỏ, chưa coi trọng phát triển giá trị cá nhân, chưa hướng đến giá trị chung của nhân loại như dân chủ, hòa bình, bình đẳng, hợp tác… Về phương pháp giáo dục môn đạo đức, mặc dù đã có thay đổi bằng hoạt động trải nghiệm nhưng vẫn coi trọng kiến thức để kiểm tra, thi cử, chưa kết hợp với thực hành, vận dụng. Một bộ phận giáo viên, phụ huynh, người dân chưa thực sự là tấm gương về đạo đức cho HS noi theo, nên sự phối hợp giáo dục đạo đức cho HS giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa hiệu quả.

Phẩm chất, năng lực 2 yếu tố quan trọng

Từ kinh nghiệm của một số nước và thực trạng giáo dục đạo đức hiện nay, để nâng cao hiệu quả, trước hết cần thay đổi nhận thức về phát triển toàn diện HS, là phát triển cả phẩm chất và năng lực, trong đó phẩm chất vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách HS. Những phẩm chất như yêu nước, lòng nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm có vai trò quyết định phát triển lâu dài, bền vững của con người.
Về nội dung, ngoài những giá trị, phẩm hạnh tốt đẹp trong truyền thống dân tộc, cũng cần chỉ ra một số tính xấu của con người VN để HS tránh, như tính ích kỷ, tính tham lam, tính ghen ghét, tính đố kỵ, tính nhút nhát... Đồng thời, cần bổ sung những giá trị phổ quát của nhân loại như hòa bình, dân chủ, bình đẳng, quyền con người, coi trọng giá trị cá nhân; mục tiêu học tập là học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người, như định hướng học tập thế kỷ 21 của Liên Hiệp Quốc, chứ không phải học tập để “vinh gia - ấm thân”.
Về phương pháp, cần đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm trong giáo dục đạo đức, tăng cường cho HS thực hành ứng xử có đạo đức trong gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết là phải biết lễ phép, chào hỏi, biết ơn, biết tự trọng, tự lập… Về hình thức giáo dục, có thể sáng tác các bài thơ, vè, bài hát về đạo đức con người để HS dễ nhớ, dễ vận dụng.
Nâng cao hiệu quả phối hợp giáo dục đào tạo cho HS giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Thầy cô, cha mẹ thực sự là tấm gương về đạo đức cho HS noi theo. Ngoài ra, cần đánh giá HS về phẩm chất và năng lực đầy đủ hơn chứ không chỉ là hạnh kiểm và học lực.
Giáo dục đạo đức ở Nhật và Mỹ
Tại Nhật Bản, giáo dục đạo đức ở trường phổ thông nhằm bảo tồn giá trị xã hội, truyền lại những giá trị này cho thế hệ sau. Nội dung triển khai xuyên suốt toàn bộ chương trình giáo dục, thực hiện ở môn tích hợp xã hội học thay cho môn đạo đức độc lập. Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 xác định 3 trụ cột chính là: hòa bình, dân chủ và quyền con người. Luật cơ bản về giáo dục (1947) xác định giáo dục đạo đức cho HS có vai trò định hướng trong một xã hội dân chủ, nhằm phát triển con người đầy đủ nhân cách, có sức khỏe cường tráng, tâm hồn trong sáng và trí tuệ tuyệt vời, tôn trọng sự thật và công lý, quý trọng giá trị cá nhân, quý trọng lao động, có tinh thần trách nhiệm cao, có tính nhẫn nại.
Giáo dục đạo đức thực hiện trong tất cả hoạt động giáo dục, bằng phương thức tích hợp lồng ghép vào các môn học và hoạt động trải nghiệm, hoạt động của các câu lạc bộ. Theo văn hóa Nhật Bản, dạy cho đứa trẻ những lễ nghĩa để tính cách trẻ phát triển quan trọng hơn là việc làm thế nào để trẻ vượt qua các kỳ thi, vì vậy trong 3 năm đầu của tiểu học không tổ chức kỳ thi nào.
Với quan điểm, nội dung và phương pháp này, giáo dục Nhật Bản đã đào tạo các thế hệ lao động có đức nhẫn nại, chịu khó và chấp nhận hy sinh cho người khác, có bản lĩnh, cá tính, nâng cao giá trị bản thân, tính tự lập, tính hợp tác, tính trách nhiệm…
Ở Mỹ, giáo dục đạo đức được các nhà trường tổ chức theo nhiều cách thức khác nhau, nhằm bồi dưỡng những đức tính như: sự chính trực, lòng can đảm, trách nhiệm, cần cù, phục vụ, và tôn trọng nhân phẩm của tất cả mọi người. Mục tiêu là phát triển tính cách, đức tính chứ không phải là những kiến thức đạo đức có tính áp đặt, giáo điều. Các trường dạy HS thông qua những cách thức riêng, lồng ghép hoạt động của HS với xã hội trong hệ thống ứng xử có đạo đức, nhất là lòng tự trọng và tinh thần phục vụ cộng đồng. Giáo viên không được áp đặt giá trị của mình lên HS vì giá trị là mang tính cá nhân, không phê phán giá trị nào đúng sai, mà tập trung làm rõ giá trị cá nhân để giúp HS sống và làm việc trong sự đa văn hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.