'Không có giải pháp nào hoàn hảo trong quá trình đổi mới thi cử, giáo dục'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
02/08/2018 15:51 GMT+7

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đổi mới giáo dục cũng như thi cử cần có lộ trình và trong quá trình ấy sẽ không có giải pháp nào hoàn hảo, phải cân đối mặt lợi - hại của từng giải pháp.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2018 - 2019, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với ngành GĐ-ĐT nhiều vấn đề bức thiết. Trong đó, ông Đam lấy ví dụ từ kỳ thi THPT quốc gia đang được quan tâm, bàn luận nhiều, để nói về đổi mới GD-ĐT nói chung.
Phó thủ tướng khẳng định, đổi mới giáo dục cũng như xây cái nhà, làm cái đường, xây phòng học… phải bắt đầu từ những cái rất nhỏ. Ngay như việc thi THPT quốc gia cũng phải có lộ trình. Từ năm 2015 bắt đầu làm, đến năm 2021 thì mới xong lộ trình thi, đổi mới mỗi năm từng bước.
Đổi mới chương trình - sách giáo khoa cũng vậy, muốn đổi mới phải có chuẩn bị, không phải “rụp” một cái là xong được, nói nôm na là phải “cuốn chiếu”. “Vì đổi mới phải có lộ trình và trong quá trình ấy, không bao giờ có giải pháp nào là hoàn hảo hết. Do vậy, đã vạch ra rồi thì chúng ta phải rất khoa học, rất cầu thị nhưng phải kiên trì cái gì là đúng”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm.
Tính không hoàn hảo của giải pháp giáo dục, theo ông Đam, còn thể hiện ở chỗ, giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, xã hội và nhà trường, mà còn đặt chung trong bối cảnh của đất nước về tình hình kinh tế - xã hội và thói quen truyền thống. Khi làm một giải pháp, nó tác động rất nhiều mặt khác nhau, lợi mặt này, hại mặt kia, chúng ta phải cân đối. 
Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa Bộ GD-ĐT với 63 tỉnh, thành Ảnh Ngọc Thắng
Vấn đề thứ hai mà trong quá trình đổi mới phải kiên định, đó là nhất định phải theo xu thế thế giới. Không thể vì đặc thù, đặc điểm hay vì trong quá trình này có những tác dụng ngược, mà mình xoay lại, đi ngược với xu thế của thế giới.
Trở lại câu chuyện của kỳ thi THPT quốc gia, Phó thủ tướng cho rằng, đây là một ví dụ để chúng ta nhìn ra tất cả các mặt khác, và việc toàn dân cùng các chuyên gia rất tích cực góp ý cho GD-ĐT là một điều rất đáng quý. Nhấn mạnh không riêng câu chuyện về kỳ thi vừa rồi, theo ông Đam, tất cả các việc như phong giáo sư, phó giáo sư, dạy sử thế nào,… cá nhân ông đều nghe rất nhiều chuyên gia góp ý. “Tôi nhận được hàng nghìn bức thư, bài viết tâm huyết đóng góp, kể cả phê phán cũng tâm huyết”, ông Đam cho hay.
Do vậy, ông Đam nhấn mạnh, giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch hết mới tạo sự đồng thuận. Có đồng thuận mới được ủng hộ thực hiện.
Nhiều địa phương đề nghị cần hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia
Báo cáo tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Bộ GD-ĐT sau khi chỉ rõ những hạn chế của kỳ thi trong năm vừa qua, đã khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia, vẫn lấy kết quả kỳ thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm căn cứ tuyển sinh giáo dục đại học, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội..
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các địa phương đều tỏ ra đồng tình với việc tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhưng cho rằng cần hoàn thiện để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng hơn.
Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết vừa qua, Hà Nội đã tự rà soát nghiêm túc tất cả các khâu, từ chuẩn bị đến coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo... của kỳ thi THPT quốc gia, và thấy rằng các khâu đều thực hiện đúng quy chế của Bộ.
Theo ông Quý, việc tổ chức thi như hiện tại là phù hợp, nhưng cần phải có các khâu kiểm tra, kiểm soát, để làm sao đảm bảo công bằng với tất cả học sinh trên toàn quốc.
Còn ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho rằng chuyện xảy ra vừa qua vô cùng đáng tiếc, dư luận không đồng tình là đương nhiên, nhưng không vì thế mà bỏ kỳ thi này. Thay vào đó, theo ông San, nên tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang cũng đề nghị Bộ nên rút kinh nghiệm, có phương án phòng ngừa sai phạm, nhưng không nên thay đổi quá lớn ngay trong năm tới, làm cho xã hội băn khoăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.