Không cần ép trẻ học trước lớp 1

21/07/2015 08:38 GMT+7

Trẻ vào lớp 1 thường có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn khi thích ứng với môi trường mới. Nhiều hiệu trưởng cho rằng cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ tâm lý, cách xử lý tình huống trong sinh hoạt, trong việc học tập thay vì thúc ép con học trước chương trình.

Trẻ vào lớp 1 thường có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn khi thích ứng với môi trường mới. Nhiều hiệu trưởng cho rằng cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ tâm lý, cách xử lý tình huống trong sinh hoạt, trong việc học tập thay vì thúc ép con học trước chương trình.
Vào lớp 1, học sinh sẽ được hướng dẫn từ cách cầm bút - Ảnh: Bích ThanhVào lớp 1, học sinh sẽ được hướng dẫn từ cách cầm bút - Ảnh: Bích Thanh
Chuẩn bị tâm lý, hướng dẫn kỹ năng
Theo bà Trần Thị Vân Anh, Hiệu phó Trường tiểu học Âu Cơ (Q.Tân Phú, TP.HCM), phụ huynh nên dành thời gian cho trẻ đến trường tiểu học để làm quen với quang cảnh, trò chuyện với các anh chị lớp trên để hiểu về trường của mình. Khi chuẩn bị đồ dùng học tập, ngoài bộ sách giáo khoa, phụ huynh cần chuẩn bị vở 50 trang, bảng con có cùng quy cách 4 ô li, bút chì, gôm, thước kẻ…
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng trẻ thường lúng túng trong việc tự chăm lo bản thân khi sinh hoạt cả ngày ở trường như ăn uống, vệ sinh cá nhân… Ngoài ra, trong mối quan hệ với bạn mới, mỗi ngày, cha mẹ nên hỏi han để kịp thời phát hiện những sai sót, vụng về của trẻ sớm giúp trẻ điều chỉnh, xây dựng quan hệ tốt đẹp. Nếu trẻ bị hiếp đáp, phụ huynh cần hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình (nhờ thầy cô giải quyết, các bạn khác phân xử…). Theo tiến sĩ Bích Hồng, thời gian đầu, chắc chắn trẻ chưa hiểu rõ quy định của trường, những lời dặn dò của giáo viên nên dễ có sai sót, phụ huynh đừng nên chê trách, la mắng con mà nhắc nhở và có thể liên lạc với giáo viên để giúp con làm đúng lời dặn của thầy cô.
Rèn tính tự học hơn chăm chăm rèn chữ
Với thay đổi cách đánh giá HS từ điểm số sang nhận xét, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), cho hay: “Phụ huynh và HS lớp 1 không bị áp lực về điểm số, thành tích nên không cần thúc ép con em mình phải học trước mà hướng HS đến với các hoạt động vui chơi, phát triển năng khiếu, kỹ năng sống… Khi đó, HS sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và dễ hòa nhập hơn với môi trường mới”.
Các giáo viên cho biết đối với lớp 1, chỉ cần dành 30 phút buổi tối cho bé đọc lại bài trên lớp đã học và hỏi han chia sẻ những điều hằng ngày tiếp nhận, cảm nhận ở trường, thế là đủ. Hằng ngày, trẻ không chỉ học toán, tiếng Việt mà còn có mỹ thuật, tiếng Anh…, phụ huynh đừng nên đặt câu hỏi: Hôm nay con học gì, làm lại bài tập này cho ba/mẹ xem nào?... dễ làm cho trẻ sợ sệt đúng sai, mà nên khéo léo đặt câu hỏi theo kiểu trò chuyện, trao đổi, quan tâm đến sự cảm nhận, tạo điều kiện cho trẻ thể hiện những điều đã học với cảm giác tự tin, thích thú vì cảm nhận sự quan tâm..
Giáo viên Võ Thị Thùy Linh, khối trưởng khối 1 Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú), cho hay phụ huynh đừng nên chăm chăm cho con rèn chữ mà cần nhất là rèn cho con kỹ năng tự phục vụ như tự thay quần áo, vệ sinh cá nhân, bảo vệ bản thân… Cô Linh cho biết dù giáo viên không giao bài tập về nhà cho HS học 2 buổi/ngày nhưng cũng cần tạo thói quen ôn bài để rèn tính tự học. Cô Thùy Linh chia sẻ kinh nghiệm: “Khoảng một tháng đầu, ba mẹ nên cùng ngồi vào bàn, cùng xem lại bài để hướng dẫn dần dần cho trẻ cách ôn lại bài đã học, xem thời khóa biểu để chuẩn bị bài và sách vở cho ngày mai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.