Khổ với tài liệu học tiếng Anh

20/09/2016 07:50 GMT+7

Năm học 2015 - 2016, dù mới học được nửa cuốn Family and friends của NXB Oxford nhưng hàng loạt học sinh (HS) lớp 2 chương trình tăng cường tiếng Anh của TP.HCM phải mua bộ sách Family and friends Special Edition.

Ngoài việc tạo ra cơ hội để các đơn vị phát hành sách tiếp cận với nhà trường, Sở GD-ĐT TP.HCM còn ban hành các văn bản khó hiểu khiến lãnh đạo các trường không biết phải thực hiện thế nào, còn phụ huynh phải liên tục chi trả khoản tiền lớn cho tài liệu tiếng Anh của con em.
Lại tiếp tục thay sách
Năm học 2015 - 2016, dù mới học được nửa cuốn Family and friends của NXB Oxford nhưng hàng loạt học sinh (HS) lớp 2 chương trình tăng cường tiếng Anh của TP.HCM phải mua bộ sách Family and friends Special Edition. Tưởng rằng đã ổn định, nhưng mới đây một phụ huynh tại Q.4 có con đang học lớp 3 chương trình tăng cường tiếng Anh lại “ngã ngửa” khi nhà trường thông báo mua sách khác, bộ i-Learn Smart Star.
Một số hiệu trưởng trường tiểu học nói rằng từ tháng 3, Sở GD-ĐT TP.HCM liên tục có các văn bản chỉ đạo về việc sử dụng sách tiếng Anh khiến các trường rối như canh hẹ.
Một hiệu trưởng phân trần: “Sau khi Sở ban hành Văn bản số 719 (ngày 18.3) có ghi “bộ giáo trình có thể đưa vào giảng dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học” và tổ chức hội thảo ngày 22.4, bên công ty phát hành giáo trình i-Learn Smart Star đến các trường lấy số lượng đăng ký rất nhanh. Phía nhà trường thấy nội dung tương tự như những bộ giáo trình khác, giá lại mềm hơn và có văn bản trên nên chúng tôi cứ nghĩ là được thay thế, vì vậy mới đăng ký mua.
Tuy nhiên, trong hướng dẫn về việc dạy tiếng Anh tiểu học ban hành ngày 9.8, Sở không đả động gì về bộ tài liệu này. Đến khi hỏi rõ thì tôi được biết giáo trình i-Learn Smart Star là sách dùng cho phần mềm hỗ trợ. Do văn bản không rõ ràng nên giờ nhà trường đành thông báo HS dùng sách này chứ bắt mua bộ sách khác thì không được”.
“Trường học là thị trường béo bở” !
Nhiều tài liệu để giáo viên (GV) và HS lựa chọn bộ sách phù hợp là điều cần làm, nhưng cách làm của Sở GD-ĐT TP.HCM đang tạo quá nhiều cơ hội để các đơn vị phát hành sách tiếp cận với nhà trường và Sở ban hành các văn bản rối rắm, khó hiểu khiến các trường không biết phải thực hiện sao cho đúng.
Lãnh đạo một phòng giáo dục của TP.HCM kể: “Có công ty phát hành sách cầm văn bản của Sở xuống phòng, các trường rồi nói Sở triển khai vậy mà sao quận với trường không sử dụng sách?”.
Chẳng hạn theo văn bản ký ngày 18.3, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo triển khai tài liệu i-Learn Smart Star do NXB Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Công ty cổ phần giáo dục Đại Trường Phát biên soạn đến các trường tiểu học trên tinh thần tự nguyện. Tiếp đó, ngày 22.4 Sở phối hợp với Đại Trường Phát tổ chức hội thảo giới thiệu, tập huấn về phương pháp kể chuyện và luyện tập kỹ năng phát âm trong giảng dạy tiếng Anh tiểu học. Vào ngày 19.5, Sở lại có thông báo bộ sách tiếng Anh Family and Friends Special Edition do Sở phối hợp cùng NXB Oxford và NXB Giáo dục VN tổ chức biên soạn là tài liệu chính thức dùng để giảng dạy và học tập cho các lớp tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh tự chọn bậc tiểu học năm học 2016 - 2017.
Ngày 9.8, trong hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh bậc tiểu học năm học 2016 - 2017, ở mục tài liệu phục vụ dạy học cho các lớp tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đề án, tiếng Anh tự chọn, Sở không hề đề cập đến bộ giáo trình i-Learn Smart Star. Trong khi đó, một hiệu trưởng tham dự hội thảo ngày 22.4 kể lại: “Lúc đó, chúng tôi tiếp tục được giới thiệu về bộ tài liệu i-Learn Smart Star và dựa theo thông báo trước đó của Sở nên hầu như các trường đều đăng ký mua sách của công ty này. Bây giờ căn cứ vào hướng dẫn chuyên môn, chúng tôi không biết tính sao đây?”.

tin liên quan

Học sinh TP.HCM sẽ học giáo trình tiếng Anh mới
(TNO) Ngày 17.4, theo tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, Sở đã phối hợp cùng Nhà xuất bản Đại học Oxford và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát triển bộ giáo trình Family and Friends thành bộ giáo trình Family and Friends Special Edition từ lớp 1 đến lớp 5.
Trước thực tế này, nguyên hiệu trưởng một trường tại TP.HCM cho rằng: “Trường học đang là một thị phần “béo bở” mà công ty kinh doanh lĩnh vực giáo dục nào cũng muốn nhảy vào. Điều mà phụ huynh và HS cần là sự minh bạch, công tâm, mọi quyết định luôn xuất phát từ lợi ích của người học”.
Phụ huynh phản ứng gay gắt
Năm học này, HS theo học chương trình tiếng Anh tăng cường bậc THCS cũng đột ngột chuyển từ sách Solutions sang Access.
Lãnh đạo một phòng GD-ĐT cho biết: “Cuối tháng 7 đầu tháng 8.2016, Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo tới các phòng triển khai bộ giáo trình Access ở các trường THCS thay cho Solutions. Sở giải thích bộ giáo trình Access đảm bảo hoàn thiện cho HS đầy đủ 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết mục tiêu đề án ngoại ngữ 2020 đặt ra mà giáo trình Solutions không đáp ứng tốt”.
Người này nói thêm: “Cuối năm học 2015 - 2016 Sở chưa hề có một thông báo nào về việc sẽ thay giáo trình. Vì thế các trường chưa thông báo để phụ huynh, HS chuẩn bị tâm lý. Chính vì thế, đầu năm nay khi vừa thông báo việc thay sách, nhiều phụ huynh phản ứng gay gắt. Đồng thời, nhiều GV cũng tâm tư. Họ cho rằng việc thay giáo trình ở thời điểm này chẳng khác nào việc “đổi ngựa giữa dòng”, có thể sẽ khiến HS mệt mỏi hơn”.
Trước nhiều ý kiến phản đối, một số quận chỉ thực hiện việc thay sách đối với lớp 6 và sẽ thực hiện cuốn chiếu.    
Lam Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.