Khổ vì đồng phục - Kỳ 2: Hạn chế sự sáng tạo của học sinh

01/08/2012 03:25 GMT+7

Giới chuyên môn cho rằng đồng phục ở nhiều trường hiện nay ảnh hưởng không tốt đến tâm lý học sinh (HS).

>> Khổ vì đồng phục

Tạo điều kiện cho HS thể hiện sở thích

Ở góc độ tâm lý, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh (Chuyên viên tư vấn học đường ở các trường phổ thông tại TP.HCM) khẳng định đồng phục ít nhiều ảnh hưởng đến việc học. Bà phân tích: “Khi các em không thích màu sắc hoặc kiểu dáng đồng phục, sẽ dễ dẫn đến tâm lý không thoải mái, chán ghét, ảnh hưởng không nhỏ đến học tập. Lấy một ví dụ đơn giản, khi các em lật quyển vở mà các em thích, các em sẽ nâng niu, thoải mái, học tốt và ngược lại”.

Bà Linh đưa ra một câu chuyện cụ thể: Một HS ở trường nội trú, luôn vi phạm về lỗi không mang cặp táp theo quy định của trường. Em này luôn bị giám thị phạt, có người cho rằng em cứng đầu, ngang bướng. Thực chất, khi tìm hiểu mới biết chiếc cặp táp em mang mà nhà trường cho là em cố tình vi phạm đó chính là món quà mà cha em tặng trước lúc mất. Với cậu ta, chiếc cặp táp như báu vật, mang bên mình như cha luôn bên cạnh. Vì lẽ đó, bà Linh khẳng định: “Tôi tán thành việc nhà trường quy định đồng phục, nhưng không nên ra quá nhiều quy định về áo, quần, tập vở, cặp táp… Điều này khiến HS có cảm giác gò bó, từ đó sẽ hạn chế sáng tạo”.

Bà Linh cũng nhìn nhận trước đây đồng phục HS chỉ là quần xanh áo trắng nhưng hiện tại có quá nhiều loại đồng phục khác nhau. Ở các trường tư, trường quốc tế, họ luôn chọn đồng phục lạ, thể hiện “đẳng cấp” hoặc một phần là thể hiện tính đặc trưng. Ở các trường công hiện nay cũng vậy, mỗi trường đều có quy định đồng phục, logo riêng. Về bao bì, tập vở, cặp táp… nhiều trường cũng có quy định riêng. Bà khẳng định: “Cái gì trường cũng quy định bắt buộc thì không hay. Điều này khó kích thích sự sáng tạo của HS trong tư duy trang trí, hoặc không tạo điều kiện cho các em có cơ hội thể hiện sở thích của mình. Chưa hết, về màu sắc mà dùng chung, đồng nhất theo tôi cũng không phù hợp, vì sở thích của con trai và con gái thường không giống nhau”.

Khổ vì đồng phục
Một trong những niềm vui của HS trước thềm năm học mới là được lựa chọn dụng cụ học tập - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Không nên ép buộc

Dưới góc độ của nhà xã hội học, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam, cho rằng: “Các nhà giáo cần cân nhắc tỉ mỉ trước mỗi yêu cầu của mình đối với cha mẹ HS, nên cân nhắc phương thức thực hiện sao cho hiệu quả, giảm thiểu tối đa sự phiền nhiễu không đáng có cho phụ huynh. Không nên để xã hội và phụ huynh cảm thấy phiền lòng vì nghĩ rằng mỗi quy định đưa ra không tính đến điều kiện, mong muốn của chủ thể trong trường học là HS mà chỉ vì lợi ích, thậm chí lợi nhuận của một nhóm người trong trường”.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tài, nghiên cứu viên chính Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho rằng nếu trường quy định quá chi tiết sẽ không hay. Đơn giản như ở màu sắc, thường các trường chỉ áp dụng quy định theo sở thích của lãnh đạo trường chứ không phải theo HS. “Tôi cho rằng, tập vở, bút viết, nhà trường chỉ nên hướng dẫn, định hướng để HS chọn lựa. Trường có thể áp dụng quy định là bìa bao phải mang tính trẻ thơ, nhân văn, không chứa đựng những hình ảnh phản cảm là được”, ông Tài đề nghị.

Không bổ trợ gì cho học tập

“Bắt buộc HS phải dùng cặp táp, tập vở, bao bìa, nhãn tên… giống nhau chẳng bổ trợ gì cho việc học tập của các em. Hơn thế, việc này dễ gây nhầm lẫn các đồ dùng học tập của các em mà thôi. Những HS nghèo có thể dùng giấy báo bao tập, đâu nhất thiết phải tìm mua đúng loại mà trường quy định. Những quy định bìa, cặp… giống nhau là vô bổ”.

Tiến sĩ HỒ THIỆU HÙNG
Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Sẽ thành nặng nề

“Các trường chỉ nên dừng lại ở việc sử dụng đồng phục vì nó thể hiện niềm tự hào của trường và có thể là sợi dây gắn kết HS qua nhiều thế hệ. Còn những thứ khác như cặp sách, bao tập vở… chỉ là phụ kiện, không cần thiết phải sử dụng đồng loạt, yêu cầu HS sử dụng đúng một mẫu mã sẽ thành nặng nề”.

Tiến sĩ ĐINH PHƯƠNG DUY
Hội Tâm lý TP.HCM

Cần phát triển một cách tự nhiên

“Tuổi nhỏ cần được phát triển một cách tự nhiên, không gò ép, không áp đặt. Hơn thế nữa, sự đồng loạt sẽ triệt tiêu sáng tạo, trí tưởng tượng và cá tính riêng trong tâm hồn con trẻ. Một môi trường mà thấy trẻ nào cũng giống trẻ nào trong cách ăn mặc, đồ dùng… vô hình trung biến các em thành những chú vịt công nghiệp được nhào nặn như nhau”.

Nhà thiết kế LÊ THANH PHƯƠNG

M.Luân - B.Thanh - M.Quyên

M.Luân - T.Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.