Khiến học trò sợ môn lịch sử đến mấy đều yêu, cô giáo làm cách nào?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
10/10/2020 10:44 GMT+7

'Ngày đầu tiên đi dạy, tôi ngỡ ngàng vì học trò thông minh nhanh nhạy quá, tôi không cho phép mình dạy trò theo cách quen thuộc giống như trước đây mình từng được học', cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên lịch sử kể.

Không phải là đọc - chép, học thuộc lòng và trả bài như một cái máy, trong giờ học lịch sử, dù ở bậc học THCS hay THPT, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên lịch sử Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM đều có cách để học trò là trung tâm của lớp học, được phát triển nhiều kỹ năng. Lịch sử không phải là một môn học khô cứng, thuộc lòng sáo rỗng như nhiều người nghĩ, nó là hơi thở cuộc sống, và học nó cũng để hoàn thiện, phát triển kỹ năng của con người ở xã hội hiện đại.

Học trò là trung tâm

Cô Thảo vừa bước vào lớp, học trò chào cô, trên bảng đã dán hàng chục câu hỏi lịch sử gắn liền với bài học, chờ được giải đáp. Bài học về quốc gia Ấn Độ, một trò hỏi: Vì sao tên nước Ấn Độ lại được đặt tên theo một con sông mà không phải gì khác?
Ngày học về Trung Quốc, trò viết: Tại sao sách giáo khoa lớp 7 nói thời nhà Đường phát triển rất thịnh vượng về mọi mặt, nhưng lớp 6 có nói, nhà Đường có chính sách cai trị người dân Việt Nam rất hà khắc. Tại sao sự thịnh vượng không đi kèm với sự hòa hữu trong các chính sách với Việt Nam ngày đó? Có trò còn thắc mắc rất nhiều về vấn đề hiện tại, những điều mà trong sách giáo khoa không có: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay tác động gì tới Trung Quốc?

Những câu hỏi học sinh đã dán sẵn lên bảng, đợi được giải đáp

Ảnh H.Thảo

Học trò thuyết trình trong giờ học

Học sinh dưới lớp chú ý lắng nghe, đặt câu hỏi phản biện

Ảnh H.Thảo

Học sinh say sưa học lịch sử trong thư viện nhà trường

Ảnh H.Thảo

“Học sinh ngày càng thông minh, tư duy sắc sảo, lập luận chặt chẽ hơn, các em sẽ không phục nếu giáo viên thua kém, do đó, chính mỗi nhà giáo như tôi cũng phải học từng giờ”, cô Huyền Thảo nói.
Trong các tiết học, cô Huyền Thảo thường chia lớp thành các nhóm. Mỗi nhóm sẽ có các bạn xuất sắc hơn và những bạn chưa xuất sắc bằng, nhưng các bạn sẽ bổ trợ, trao đổi và cùng giúp nhau xuất sắc hơn.
Đọc sách và các tài liệu lịch sử, phản biện lại sách giáo khoa, đặt câu hỏi sao cho gợi mở, thể hiện tư duy, trí tuệ của người hỏi… là những việc làm quen thuộc với các học trò của cô Huyền Thảo.
Sau đó, các học trò được học cách xem bản đồ, từ bản đồ có thể trình bày một bài nói về một chủ đề lịch sử, trình bày một cuộc khởi nghĩa, kháng chiến… Đồng thời, các em sẽ đại diện cho từng nhóm, trả lời những câu hỏi từ phía giáo viên và các bạn. Thậm chí từ cách trò đứng trên bục giảng, chỉ tay, cảm ơn câu hỏi các bạn đặt cho hay tranh luận một cách văn minh, lịch sự… đều được cô Huyền Thảo chỉ dẫn trò tỉ mỉ.

Các học trò được học cách xem bản đồ, từ bản đồ có thể trình bày một bài nói về một chủ đề lịch sử, trình bày một cuộc khởi nghĩa, kháng chiến...

Ảnh H.Thảo

“45 phút mỗi giờ học của cô trò trôi qua sôi nổi, hứng thú. Có những phần đại diện nhóm thuyết trình và phản biện nhau đầy gay cấn, hấp dẫn. Giáo viên sẽ là giám khảo, điều tiết những cử chỉ, câu hỏi… của học trò đi quá phạm vi bài học. Khi được đặt là trung tâm của lớp học, các em được làm chủ những kiến thức của mình, các em sẽ tìm tòi, say mê đọc, học rất tự nhiên. Bạn sẽ không phải thúc ép các trò đọc sách, các em ấy cũng sẽ tự giác tới thư viện và say sưa đọc”, cô Huyền Thảo chia sẻ.
“Ngày đầu tiên đi dạy tôi ngỡ ngàng vì học trò bây giờ thông minh, nhanh nhạy quá, tôi không cho phép mình dạy trò theo cách quen thuộc giống như trước đây mình từng được học. Tôi phải thay đổi. Niềm hạnh phúc của tôi là bất chợt nhận được những tin nhắn cảm ơn từ phụ huynh, họ chia sẻ, các con từ những người sợ môn lịch sử đã yêu quý môn này. Chính các em học sinh đã cho tôi được là một giáo viên như ngày hôm nay”, cô Huyền Thảo nói về động lực để mình cố gắng từng ngày với cách dạy học đổi mới.

Học trò thuyết trình tự tin trong môn học lịch sử

Ảnh H.Thảo

Cô giáo tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bày tỏ, với phương pháp này, mỗi giáo viên cũng phải đọc và học hỏi hằng giờ, hằng ngày cùng học trò, để có thể song hành và giải đáp rất nhiều những thắc mắc, trăn trở của học trò về môn học.
Đặc biệt trong bối cảnh ngày nay, học sinh ngày càng giỏi hơn, phản biện nhiều hơn, các em được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hơn từ thế giới phẳng, buộc người giáo viên lịch sử cũng phải nâng cao mình mỗi ngày, thông thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin, giải đáp được những băn khoăn của học trò, để các em hiểu đúng và thêm yêu lịch sử Việt Nam.

Cô giáo đề xuất được dùng tập bản đồ trong thi lịch sử THPT

Cô Huyền Thảo cho biết, tập bản đồ các năm lớp 10, 11, 12 là một trong những tài liệu học tập môn lịch sử phổ biến ở cấp THPT. Đồng thời, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có tập huấn cho các giáo viên phương pháp vận dụng tài liệu trên trong quá trình giảng dạy, học tập môn lịch sử.
Theo cô Huyền Thảo, từ cuốn tập bản đồ này, học sinh được học cách đọc bản đồ, được thuyết trình các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến, nắm được các thông tin về các sự kiện quan trọng…

Một phần trong cuốn tập bản đồ, tài liệu học tập lịch sử của các em học sinh mỗi giờ lên lớp

Ảnh H.Thảo

“Với môn địa lý, trong kỳ thi THPT thì Atlat là tài liệu được cho phép mang vào phòng thi. Từ cuốn Atlat, nắm vững cách đọc bản đồ, biểu đồ, học sinh cũng có thể đạt ít nhất 5 điểm dễ dàng. Trong khi đó, các năm qua, điểm thi lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT thấp, học sinh phải học một khối lượng kiến thức rất lớn để đi thi, từ đó có tâm lý sợ học, sợ thi môn lịch sử. Vậy thì tại sao chúng ta không cho phép thí sinh được sử dụng tập bản đồ vào thi lịch sử ở kỳ thi THPT?”, cô giáo giúp nhiều học sinh yêu môn lịch sử hơn đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.