Khi học sinh tiểu học dạy giới tính

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
04/04/2018 15:41 GMT+7

Gần đây, nhiều bậc phụ huynh trên mạng xã hội tiếp tục chia sẻ những clip do bé Thảo Nhi (11 tuổi) hướng dẫn bạn bè cách phòng chống xâm hại tình dục.

Tự biên soạn tài liệu "giảng dạy" 

Đó là những clip quay lại cảnh lớp học về giới tính và chống xâm hại tình dục trẻ em mà “cô giáo” là Trần Lê Thảo Nhi (đang học lớp 5 Trường Tiểu học Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và “học trò” toàn là những em nhỏ từ 5-10 tuổi. Có cả phụ huynh của những học trò nhí này ngồi cùng. Điều bất ngờ là những “giáo trình” mà Thảo Nhi thể hiện trong các clip đều do Nhi tự biên soạn dựa trên những cuốn sách giáo dục giới tính và thông tin trên mạng mà Nhi đã đọc, tìm hiểu.

Phần lớn khi chia sẻ những đoạn phim trên của Nhi, các bậc cha mẹ đều khen cô bé này có kỹ năng thuyết trình và truyền đạt rất tốt.

Thảo Nhi trong một lớp học tự tổ chức  ẢNH: CẮT TỪ CLIP 
Hiện nay học sinh chỉ mới học về giới tính từ lớp 5 nhưng nội dung cũng rất ít. Ông Nguyễn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: “Vấn đề xâm hại tình dục trẻ nhỏ báo động trong thời gian gần đây, nên kiến thức giới tính, về ý thức bảo vệ mình là rất cần đối với học sinh. Tuy nhiên, thời gian dành cho những bài học này lại bị giới hạn”.

Qua những buổi tuyên truyền của bạn Thảo Nhi, con biết, hiểu về các nguy cơ bị xâm hại tình dục. Và cũng qua đó, bạn Nhi giúp con biết thêm các biện pháp phòng tránh, xử lý tình huống trước các hành vi xấu gây hại cho mình.

Trương Thụy Nhã Khanh

(Trường tiểu học Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Thảo Nhi truyền cảm ứng cho tôi làm nhiều hơn nữa cho bé và các trẻ em khác. Bé là một bạn nhỏ sống có trách nhiệm, có lý tưởng cao đẹp. Mong bé được tạo điều kiện để làm nhiều việc tốt hơn nữa.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy

(Học viện Hành chính Quốc gia) 

Bích Thanh (ghi) 

Cảnh tỉnh phụ huynh
Trong khi người lớn chưa quan tâm sâu sắc  trang bị cho  trẻ nhỏ kiến thức về giới tính cũng như kỹ năng xâm hại  thì chính học sinh đã tự thân trang bị điều này.

Nhìn nhận về vấn đề này, thạc sĩ Tâm lý Lê Minh Huân (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Một cô bé 10-11 tuổi có kiến thức về giới tính, có tinh thần chia sẻ thông tin, giúp đỡ bạn bè hiểu rõ hơn về những vấn đề đó là rất đáng hoan nghênh. Tôi biết bé được mẹ hỗ trợ rất nhiều trong các lớp học về sau. Việc bé làm có ý nghĩa cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh, giúp họ nhận thức được việc giáo dục giới tính là vô cùng cần thiết. Trong khi đó thì vai trò của trường học lại đang rất mờ nhạt. Hiện nay các trường tiểu học, phổ thông chưa làm tốt việc này”.

Ông Huân cho biết lớp 5 học sinh mới được học một chút về giới tính; sau đó đến lớp 8, 9 mới tiếp tục được học. “Vì thế có một lỗ hổng rất lớn trong nhận thức về giới tính. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em không thể tự bảo vệ mình trước các vấn nạn xâm hại tình dục và lớn hơn là không bảo vệ được mình trong quan hệ tình dục”, ông Huân nêu quan điểm.
Ông Trần Văn Tuấn, phụ huynh ở  ở Q.5, TP.HCM, đánh giá cao tinh thần của bé Nhi nhưng cho biết: “Tốt nhất các bậc phụ huynh hãy tự mình trang bị cho con kiến thức và kỹ năng này. Tôi biết vấn đề giáo dục giới tính ở ta quá chậm trễ, trong trường học các bé hầu như không được học gì cả. Vì thế, vợ chồng tôi đã tự làm việc này từ khi bé lên 3 tuổi, lúc mà bé biết đặt câu hỏi về các bộ phận trên cơ thể”.

"Phải mạnh dạn để giúp nhau tránh nguy hiểm"

Không chỉ là học sinh xuất sắc, nhiệt tình tham gia hoạt động Đội… mà Trần Lê Thảo Nhi, (lớp 5/3Trường tiểu học Chu Văn An Q,Bình Thạnh, TP.HCM), ngay từ lúc còn học lớp 4,  đã khiến nhiều người bất ngờ khi hồn nhiên trở thành người tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em. 

Trước mỗi buổi trò chuyện với các bạn, Thảo Nhi soạn nội dung và gửi ba mẹ và cô giáo xem trước. Từ đó, với thái độ tự tin, giọng nói nhẹ nhàng và truyền cảm, Nhi lần lượt dẫn dắt các bạn trong trường tiếp cận với từng vấn đề như: Thực tế các vụ xâm hại, bệnh ấu dâm và xâm hại tình dục là gì, sự nguy hiểm và biện pháp phòng tránh. Để các bạn dễ hiểu, mỗi lần nói chuyện, Nhi thường mang theo bộ đồ bơi từ đó chỉ cụ thể các bộ phận trên cơ thể cần phải đặc biệt lưu ý và bảo vệ. Không chỉ có vậy, cô học trò nhỏ này còn đặt các câu hỏi cùng các tình huống cho các bạn thảo luận. Có một số bạn còn rụt rè, e ngại, Thảo Nhi không ngừng động viên: “Phải mạnh dạn lên, các bạn mạnh dạn lên chứ, phải cùng nhau trao đổi để giúp nhau tránh nguy hiểm”.

Theo dõi buổi nói chuyện, được chứng kiến Thảo Nhi thể hiện những biểu cảm khi thì rù rì khi thì hừng hực nhiệt huyết mới thấy sức lôi cuốn của cô học trò lớp 5 xinh xắn này. “Nếu bị xâm hại, hãy nói ngay với bố mẹ. Đây không phải là lỗi của mình, chúng ta không cần phải xấu hổ, không cần sợ hãi. Nếu im lặng, chúng ta đã tự tạo oan ức cho mình, bao che cho kẻ xấu, chúng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại với các bạn nhỏ khác”, cô bé 11 tuổi nhấn giọng.

Ham thích, mạnh dạn tiếp cận, tìm hiểu những vấn đề xã hội, luật pháp nên khi được hỏi tại sao có ý tưởng thực hiện “công việc tuyên truyền”, Thảo Nhi tự tin nói: “Nếu giữ kiến thức mà không chia sẻ thì con tự cảm thấy mình ích kỷ, không bảo vệ được bạn bè xung quanh. Con muốn được nói chuyện với thật nhiều bạn về chống xâm hại để không một bạn nhỏ nào trở thành nạn nhân của tội ác này. Vì khi gặp một đứa bé có kỹ năng ứng phó, kẻ xấu sẽ phải giật mình nghĩ nếu làm gì đứa bé này chắc sẽ đi tù như chơi nên họ sẽ không dám thực hiện hành vi xấu”.  Rồi Nhi cho biết thêm: “Sau này con muốn trở thành một nhà xã hội học, một luật sư hay một bác sĩ để giúp đỡ mọi người bảo vệ mình, sống đúng và sống tốt”.

Bích Thanh 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.