Khi con là công cụ cho ước mơ của cha mẹ

27/04/2018 08:27 GMT+7

Tôi có đưa ra câu hỏi: 'Nếu ngày mai bạn mất, bạn muốn gì cho cuộc sống của con mình?' trên Facebook của mình để lấy ý kiến. Kết quả từ 536 bình chọn cho thấy 94% người tham gia muốn con mình có cuộc sống hạnh phúc.

Tôi cho rằng một người hạnh phúc là người có thể sống đúng như con người thật của mình, làm điều mình thích và đam mê cho dù đó là làm giàu, có địa vị cao trong xã hội hay làm công việc bình thường không đem lại nhiều của cải hay quyền lực. Và được theo đuổi ước mơ của riêng mình.
Nếu bạn muốn con có cuộc sống hạnh phúc thì khi con còn trẻ hãy giúp con khám phá mình là ai, thích gì và quan trọng là giúp con khám phá ước mơ.

Tuy nhiên tôi thấy có khá nhiều cha mẹ đang dùng con là công cụ để thực hiện ước mơ của mình.
Chuyện xảy ra năm 2008 đã làm chấn động cộng đồng VN ở Mỹ khi một đứa con ngoan bóp cổ mẹ của mình đến chết! Tại sao?
Câu chuyện như sau: Hương, bà mẹ 71 tuổi, luôn sống vì con. Bà có một ước mơ là đứa con lớn, tên Hải, trở thành bác sĩ. Khi bà ly dị chồng thì Hải sống với cha và quyết định không theo đuổi nghề bác sĩ như bà. Sau đó bà Hương dồn hết tâm trí và ước mơ vào Sơn, đứa con út lúc nào cũng bên bà. Sơn học giỏi và rất ngoan. Khi học xong trung học thì Sơn vào học dược. Sau vài năm, dưới áp lực của mẹ, Sơn cũng vào được một trường y ở một hòn đảo khá xa nơi họ đang sinh sống. Bà quyết định đi theo để lo cho con. Tuy nhiên sau 3 năm Sơn quyết định tạm ngừng học y khoa. Mâu thuẫn giữa hai mẹ con bắt đầu từ đây.
Khi Sơn quyết định không quay trở lại trường y, bà và con thường hay tranh cãi.
Trong một lần tranh cãi, bà nói: “Tao là mẹ. Không có đứa con nào có hiếu mà vô lễ và la lối với mẹ nó như thế’”. Sơn trả lời: “Tại sao mẹ không để con làm những gì con muốn? Đối với mẹ cái gì quan trọng hơn: Sĩ diện trước bạn bè hay là hạnh phúc của con?”.
Cuộc tranh cãi tiếp diễn đến một lúc Sơn không còn bình tĩnh và đã bóp cổ mẹ mình đến chết.
Cái kết là một người chết, một người trẻ vào tù với tội giết người và tương lai phía trước rất mờ mịt.
Câu chuyện này có lẽ là hồi chuông cảnh báo cho những cha mẹ đang dùng con làm công cụ để thực hiện ước mơ của mình trong khi mình luôn cho rằng mong ước lớn nhất là để con được hạnh phúc.
Ý kiến
Gây ra áp lực lớn cho con
Trong quá trình đi tư vấn tuyển sinh, tôi thấy nhiều học sinh chưa nhận thức được về sở thích, năng lực của mình. Lúc này, cha mẹ định hướng cho con chọn ngành sẽ có hai hướng xảy ra. Một là việc định hướng đúng với bản thân học sinh , giúp con phát huy được năng lực. Nhưng sẽ không may nếu việc chọn lựa này hoàn toàn không đúng với sở thích, năng lực của học sinh . Lúc này sẽ tạo nên áp lực lớn khi con học ngành mình không thích, không có khả năng học tập. Áp lực đó dẫn đến việc bỏ học hoặc tiêu tốn thời gian vô ích khi học tập.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ 
(Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Bỏ học vì theo lời cha mẹ
Có nhiều trường hợp xảy ra liên quan đến việc chọn ngành theo ý cha mẹ. Có nhiều sinh viên học đến năm thứ 2 thì phụ huynh mới biết là con em mình bị cảnh cáo, thôi học. Những sinh viên này cho biết lý do là mình chọn ngành học theo ý cha mẹ dù không thích, nên càng học càng thấy không phù hợp và không muốn học nữa. Đây là thực tế đã xảy ra ở rất nhiều trường và những học sinh đang chọn ngành cần rút kinh nghiệm.
Thạc sĩ Trần Ký
(Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM)
Đăng Nguyên (ghi)
Cực hình cho học sinh khi học ngành không mong muốn
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng: Tôi biết hai câu chuyện có thật. Một là một người quyết tâm cho con vào ĐH vì đã dự kiến chỗ làm cho con. Gia đình mong muốn con làm việc nhàn hạ nên quyết định chọn học ngành quản trị kinh doanh nhưng con thì mong học ngành kiến trúc hoặc mỹ thuật. Kết quả là sau 3 năm học ĐH thì sinh viên bị đình chỉ học tập.
Một câu chuyện khác là em gái của một người bạn. Gia đình làm công ty dược phẩm khá lớn ở TP.HCM và mong muốn con gái mình học dược và làm trong lĩnh vực này. Em học rất giỏi nên việc đậu ĐH không quá khó. Nhưng đam mê của em lại là ngành ẩm thực nên tốt nghiệp xong em làm trong nghề dược được 3 năm nhưng rồi sau đó nghỉ làm đi học về ẩm thực.
Việc cha mẹ thúc đẩy con học trường chuyên cũng gần giống như vậy. Nhiều phụ huynh xem đây là niềm tự hào của bản thân chứ không phải do năng lực của con em mình.
Đăng Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.