Khi con chán học

02/11/2016 08:01 GMT+7

Khi con chán học, thường xuyên trốn học , thậm chí đòi bỏ học, không ít phụ huynh không biết làm gì để con hứng thú với việc học tập.

Canh con ở cổng trường
Dù con đã lớn, chẳng phải đang học mầm non hay tiểu học, thế mà nhiều phụ huynh vẫn phải rơi vào tình cảnh khóc dở mếu dở này.
Thường ngày, anh L.H.T (37 tuổi, ở Q.8, TP.HCM) bán bánh mì. Chiếc xe bán bánh mì rong ruổi khắp các tuyến đường Q.8 là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Thế nhưng đã hơn nửa tháng nay, anh T. phải tạm ngưng công việc buôn bán để “chở con đi học, chờ đón con về”. Con anh đang học lớp 8 Trường THCS Khánh Bình (Q.8).
Lý giải cho sự quan tâm “đặc biệt” này, anh T. cho biết: “Con tôi chẳng ham học gì cả, chỉ toàn cúp tiết bỏ giờ, theo bạn bè lân la quán xá, chơi game… Sợ nó hư rồi bỏ học giữa chừng nên tôi phải nghỉ bán để theo dõi gắt gao”.

Còn ông Trần Minh Chánh (43 tuổi, ở Q.12, TP.HCM) vừa tiễn con vào trường (THCS Phan Bội Châu), vội đến quán nước trước cổng ngồi chờ. “Năm ngoái cũng có thời gian nó thường xuyên trốn học, dù ăn mặc chỉnh tề, mang cặp đi học như bao đứa khác, nhưng thay vì đến lớp thì nó đi chơi game, canh hết giờ học lại về nên gia đình chẳng biết. Nghe bạn bè báo lại, tôi theo dõi thì đúng là sự thật. Vậy là tôi phải chở đến tận trường, chờ nó vào cổng rồi mới ra về. Cứ tưởng như vậy cải thiện tình hình. Nhưng có ai ngờ mình vừa bỏ đi thì nó cũng nhanh chóng rời khỏi trường. Coi như công cốc”, ông Chánh thở dài ngán ngẩm.
Cũng theo ông Chánh, con ông đã nhận không biết bao trận đòn, ngay cả khi bố mẹ nài nỉ cố gắng chú tâm học hành, đừng chơi bời lêu lổng thì con vẫn bỏ học thường xuyên.
“Tôi xem như đây là cách cuối cùng. Chở nó đi học, ngồi đợi để theo dõi đến khi nó tan học rồi chở về. Ngày nào cũng vậy. Làm thế này cho chắc ăn”, ông Chánh ngậm ngùi chia sẻ.

“Rầu thúi ruột”!
Tưởng chừng những trường hợp như của hai phụ huynh trên là hiếm, nhưng thực tế có không biết bao ông bố bà mẹ lao tâm khổ tứ vì con. Họ ngày ngày đưa con đi học, rồi bỏ cả công việc để ngồi gần trường “canh me”, đợi đến giờ tan trường lại đưa con về.
Làm nghề bán vịt ở chợ để mưu sinh, mỗi ngày chị Trần Thị Tuyết (40 tuổi, ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai) thức dậy từ 3 giờ sáng. Chạy xe máy hơn 15 cây số để mua vịt về làm sau đó bán lại. Công việc đang dần thuận lợi thì chị Tuyết phải bỏ dở nửa chừng.
“Rầu thúi ruột”, chị bắt đầu kể bằng cụm từ như thế. “Rầu lắm. Lo học để sau này làm nghề này nghề nọ với người ta thì nó (con chị Tuyết - PV) không chịu, suốt ngày bỏ học đi chơi. Không cúp tiết thì cũng nghỉ hẳn cả buổi. Hàng xóm bảo gặp con tôi chơi điện tử ở quán gần trường, tôi không tin, bảo sáng nay nó đi học, trưa nó về cùng lúc với bạn nó thì chơi bời gì. Nhưng sau mới vỡ lẽ. Hóa ra người ta nói đúng”, chị Tuyết kể.

tin liên quan

Tại sao không nên đánh con?
Ông bà ta thường nói 'Thương cho roi cho vọt...', nhưng đánh đòn liệu có phải là phương pháp dạy con tối ưu?

Thấy con có nguy cơ bỏ học, nhập vào nhóm những thanh niên không nghề nghiệp, suốt ngày ăn chơi, chị Tuyết quyết định nghỉ bán, thông báo: “Từ nay không phải đạp xe đi học nữa. Má sẽ chở đi và chở về”.
Nhưng chị Tuyết lại phải tiếp tục “khóc ròng” (như lời chị nói) khi nhiều lần dù biết má đang canh chừng trước trường, nhưng con chị (học sinh lớp 11 Trường THPT Nam Hà, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn tìm cách như núp sau lưng bạn để lẻn ra, leo lên xe máy bạn bè đợi sẵn rồi vọt đi. “Tôi thấy, tôi kêu khản cổ, chạy xe đuổi theo nhưng… lực bất tòng tâm”, chị Tuyết ngao ngán.

tin liên quan

Lo ngại ứng xử của phụ huynh với giáo viên
Việc phụ huynh đến trường thóa mạ, chửi bới giáo viên, thậm chí sử dụng bạo lực vì cho rằng giáo viên có lỗi với con mình không còn là chuyện hiếm. Cách ứng xử này nhận được nhiều ý kiến lo ngại.

Chị Tuyết từng van xin: “Má đã phải nghỉ bán để chở đi học thì đừng làm má buồn, đừng bỏ học nữa”. Con chị đáp lại gọn lỏn: “Thì để tôi tự đi. Ai biểu bà rảnh mà đi theo”. Hết cách, chồng của người phụ nữ này phải thay phiên vợ mình giám sát con. “Thú thật là tôi ngồi đợi nó mà nhịn đi vệ sinh. Không dám đi, vì sợ mình lơ là thì nó thoát đi mất”, anh Quý nói. (Còn tiếp)
Ý kiến:
Một phần do giáo viên
Việc học sinh chán học, một phần cũng do lỗi giáo viên. Vì chưa tạo ra được tiết dạy thú vị lôi cuốn học sinh. Nếu giáo viên có cách dạy hay, sáng tạo, thì học sinh không cảm thấy nhàm chán, không bao giờ bỏ tiết trốn học.
(Đỗ Thị Hoa Trang, giáo viên Trường THCS Bình Phước, Quảng Ngãi)
Thực trạng có thật
Không thể phủ nhận việc có nhiều học sinh cảm thấy chán học, thường xuyên bê trễ bài vở, không nghe lời giáo viên, không chịu làm bài tập. Đến giờ học luôn có ý định trốn tiết ra ngoài đi chơi. Có học sinh đến trường nhưng không chịu vô lớp học, thích thì học, thích thì bỏ giờ. Trong tiết học không tập trung. Nếu giáo viên bộ môn quan tâm phát hiện, sau đó trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh, thì mới có thể có biện pháp giúp đỡ học sinh.
(Lê Văn Thành, giáo viên Trường THPT Vạn Tường, Quảng Ngãi)
Nhiều thầy cô dạy rất chán
Không chỉ em mà nhiều bạn cùng lớp cảm thấy chán khi học những tiết "trời ơi đất hỡi" của một vài thầy cô. Chỉ đọc lại những điều đã có trong sách giáo khoa cho học sinh chép lại. Nếu không học tiết đó, nhưng đọc sách giáo khoa thì vẫn có thể biết được kiến thức của ngày hôm đó. Chính vì thế, nhiều bạn đi học kiểu... cho có. Ngồi học nhưng không tập trung. Còn bạn nào thuộc dạng cá biệt, thì chắc chắn sẽ "cúp cua, bỏ giờ".
(K.L, học sinh Trường THCS Khánh Bình, Q.8, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.