‘Khi cha mẹ tranh cãi, em luôn bị thôi thúc hãy rạch tay đi’

Hà Ánh
Hà Ánh
13/11/2018 13:07 GMT+7

Một nghiên cứu thực tế ở quy mô trên 1.000 học sinh THCS về hành vi tự hủy hoại bản thân. Kết quả cho thấy sự báo động khi tìm hiểu nguyên nhân học sinh thực hiện hành vi này.

Phương pháp nghiên cứu mà PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cùng 9 thành viên khác thực hiện khi trển khai đề tài nghiên cứu cấp bộ “Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh THCS và biện pháp phòng ngừa” là phỏng vấn thực tế.
"Cảm thấy dễ chịu khi tự hành hạ bản thân"
Kết quả nghiên cứu đã công bố những thông tin nhiều bất ngờ về nguyên cớ và cách thức học sinh thực hiện các hành vi hủy hoại bản thân.

Học sinh T.V.D. (Trường THCS B.Đ) cho biết: “Em bị bạn bắt nạt vào đầu lớp 6, em không biết làm sao chỉ cảm thấy rất buồn bã, tuyệt vọng và có lúc em đã tự đâm đầu mình vào tường. Hành vi đó vẫn tiếp tục đến khi cha mẹ phát hiện em bị bạo lực và nhờ trường can thiệp”.
Trong khi đó, N.V.B (Trường THCS L.P) bày tỏ: “Từ nhỏ em đã có thói quen lột lớp da ở đầu ngón tay khi cảm thấy khó chịu trong một số tình huống như khi bị cô giáo la. Có thời điểm 2 bàn tay của em trở nên rất nghiêm trọng nên mẹ phải đưa vào bệnh viện khám. Nhưng em vẫn tiếp tục thực hiện khi quá căng thẳng”.
Còn L.V.K (học sinh Trường THCS L.P) chia sẻ: “Em rất muốn mình thoát khỏi cảm giác mệt mỏi và chán chường này. Em biết thực hiện hành vi này là nguy hiểm nhưng việc dừng lại không dễ chút nào. Những lúc cha mẹ tranh cãi, em luôn bị thôi thúc hãy rạch tay đi. Em không hiểu vì sao luôn có một tiếng nói thôi thúc em thực hiện…”.
Tương tự, N.T.A (Trường THCS N.Đ.C) cũng nói: “Không hiểu vì sao mỗi lúc tự hành hạ bản thân một cách nặng hơn, điều em cảm nhận thấy là sự dễ chịu hơn…”
Khi bình thường vẫn muốn tự hủy hoại mình
Từ kết quả phỏng vấn thực tế, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra, nhiều học sinh bày tỏ suy nghĩ bi quan về cuộc sống, mất hẳn niềm tin vào cuộc đời và giá trị của việc học tập. Một số học sinh tự cắt tay mình nhưng bày tỏ cảm xúc thoải mái khi thực hiện điều đó. Chính cảm xúc đó mà các em nghĩ là biện pháp mình được bớt đau tinh thần. Đây là nhận thức sai lệch và rất đáng lo ngại.
Không dừng lại ở đó, kết quả nghiên cứu còn cho thấy ngay cả khi không có sự căng thẳng hay buồn bã vẫn có 82% (trong tổng số 280 học sinh có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân) thực hiện ít nhất một lần hành vi này. Theo nhóm nghiên cứu, con số này thực sự đáng báo động bởi theo nghiên cứu trước đây, hành vi tự hủy hoại bản thân chỉ khởi phát từ những đau khổ, căng thẳng về mặt tâm lý. Nhưng nếu ở trạng thái bình thường mà học sinh THCS vẫn thực hiện hành vi này một lần mỗi tuần thì có xu hướng trở thành thói quen. Thói quen này duy trì trở thành hành vi cưỡng bức thì rất khó điều trị.
Can thiệp sớm sẽ giảm sự tổn thương
Từ những số số liệu khảo sát, nhóm nghiên cứu cho rằng nếu được can thiệp sớm thì có thể giúp học sinh giảm thiểu sự tổn thương về mặt thế chất, giảm sự gia tăng ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất 3 biện pháp phòng ngừa. Trong đó, nâng cao nhận thức về hành vi tự hủy hoại bản thân cho học sinh, giáo viên và cả chuyên viên tham vấn học đường. Bên cạnh đó, cần tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống lồng ghép nhằm phát triển năng lực ứng với với hành vi này ở người học. Ngoài ra, có thể xây dựng hệ thống kiến thức và bài tập hướng dẫn học sinh THCS có dấu hiệu hủy hoại bản thân được điều chỉnh trạng thái tâm lý và đối phó với các chất kích thích của hành vi này.
Nghiên cứu trên được thực hiện trên 1.043 học sinh tại 7 trường THCS tại TP.HCM và Bình Dương. Trong số này có 280 học sinh có dấu hiệu thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân. Từ bảng hỏi sàng lọc, nhóm nghiên cứu cho thấy có tới gần 62% học sinh bỏ bê bản thân mình; trên 38% suy nghĩ bi quan về cuộc sống; gần 32% từng làm đau bản thân mình; gần 14% cảm thấy mệt mỏi chán nản và đôi khi không muốn tiếp tục sống... Đặc biệt có tới gần 27% học sinh có trên 2 biểu hiện trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.