Khen thưởng cần chú ý cảm xúc học sinh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
25/05/2019 06:35 GMT+7

Việc trao thưởng cho học sinh tiêu biểu những hộp quà rỗng vừa qua đã khiến học sinh, phụ huynh bức xúc. Dư luận xã hội lo ngại 'bệnh' hình thức tồn tại ngay trong một hoạt động lẽ ra có ý nghĩa đặc biệt với học trò sau một năm nỗ lực học tập.

Câu chuyện này khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về việc nên khen và thưởng học sinh (HS) ra sao cho phù hợp và đúng mục đích. PGS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này.
PGS Trần Thành Nam       
PGS Trần Thành Nam nói: “Sự việc này Phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy (Hà Nội) đã xin lỗi nhưng đúng là chúng ta nhiều lúc mới làm theo kiểu “tiện việc cho người lớn” chứ chưa để ý đến tâm lý, cảm xúc của trẻ con. Chúng ta hay nói lấy người học làm trung tâm nhưng rõ ràng trong câu chuyện này thì thấy rằng người học chưa thực sự là trung tâm của các hoạt động giáo dục.
Mục tiêu cuối cùng của việc khen thưởng là tạo động lực cho HS tiếp tục cố gắng và hoàn thiện bản thân mình. Do vậy, nếu chúng ta làm mà không đạt mục tiêu đó thì công tác khen thưởng sẽ không đúng mục đích, không còn mang tính giáo dục nữa. Sự việc của phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy khá buồn ở chỗ việc vinh danh, ghi nhận, tạo động lực cho các em qua công tác khen thưởng vì vậy không đạt được nữa. Hậu quả là cả một hoạt động chúng ta tổ chức rất kỳ công, hoành tráng nhưng lại không mang hiệu quả, nếu không nói phản tác dụng.

Phần thưởng vật chất không tác động bằng tinh thần

Mỗi đứa trẻ là một chủ thể độc đáo và chúng ta không thể dạy học theo kiểu “đồng phục” và cũng không thể nào khen theo kiểu “đồng phục” được
PGS Trần Thành Nam
Vậy theo ông nên khen thưởng như thế nào, có nên đặt vấn đề phần thưởng phải có giá trị tương xứng?
Tôi cho rằng, chúng ta phải quan niệm mở rộng hơn về phần thưởng và cách thức ghi nhận. Các nghiên cứu về mặt não bộ và thần kinh của chúng tôi đã chỉ ra rằng việc khen thưởng bằng vật chất, bằng tiền chỉ giúp làm sáng lên một vùng não rất nhỏ ở hệ cảm xúc thôi, còn các phần thưởng mang giá trị tinh thần thông qua các lời khen, các hoạt động, ghi nhận... tuy miễn phí hoặc ít chi phí nhưng lại làm sáng lên nhiều vùng não hơn, không chỉ là mặt cảm xúc nhất thời mà còn tạo động lực cho các em thấy rằng mình cần tiếp tục cố gắng, không chùn bước trước khó khăn. Tức là có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phần thưởng vật chất không có nhiều tác động đến sự nỗ lực, hình thành nhân cách của đứa trẻ bằng những phần thưởng tinh thần.
Mục tiêu của việc khen thưởng là tạo động lực, xây dựng lòng tự trọng, tự tin để học sinh tiếp tục tiến lên (ảnh minh họa) Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Dân gian vẫn có câu “của cho không bằng cách cho” là vì thế. Việc khen thưởng cũng quan trọng nhất là sự chân thành. Ở đây, chúng ta tổ chức khen thưởng trực tiếp thì sự chân thành hay không sẽ rất dễ cảm nhận.

Không thể “đồng phục” một lời khen

Thưa ông, phải chăng vì cách đánh giá của chúng ta bây giờ dễ dãi quá, nhiều HS giỏi quá nên mất “thiêng”?
Thực ra, vấn đề ở đây không phải trong một lớp có nhiều HS giỏi hay không nếu hiểu khái niệm “giỏi” theo nhiều khía cạnh khác nhau, chỉ có điều không thể giỏi một cách cào bằng và sẽ làm mất đi giá trị của danh hiệu, vị trí đó. Tôi đồng ý với việc HS cả lớp có thể đều được tuyên dương nhưng không thể vì cả lớp đó đều giỏi văn, toán... mà mỗi em cần được tuyên dương ở một khía cạnh khác nhau. Tức là giáo viên “bắt” được đúng một hoặc một số điểm tốt, thực sự tích cực của HS để khen thưởng. Nếu chúng ta khen thưởng đúng cách, đúng điểm mạnh của mỗi em thì bất cứ HS nào trong lớp cũng đáng được tuyên dương để các em không cảm thấy mình bị kém hơn so với các bạn khác và phát huy được điểm mạnh của mình.
Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm giáo dục hiện nay khi hướng tới cá nhân hóa người học. Mỗi đứa trẻ là một chủ thể độc đáo và chúng ta không thể dạy học theo kiểu “đồng phục” và cũng không thể nào khen theo kiểu “đồng phục” được. Phải khen theo sự tiến bộ, nỗ lực, cố gắng của từng cá nhân qua từng giai đoạn.
Cần khen thưởng theo sự tiến bộ, nỗ lực, cố gắng của từng cá nhân qua từng giai đoạn Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Với cách thức khen như vậy thì chúng ta sẽ phải nghĩ tới những cách vinh danh, khen thưởng khác với hiện nay. Mục tiêu của việc vinh danh là tạo động lực, xây dựng lòng tự trọng, tự tin để HS tiếp tục tiến lên. Việc khen thế nào, vật chất hay tinh thần hay phần thưởng mà HS nhận được không quan trọng bằng cách mà các em ấy được trao thưởng, được vinh danh. Những lời khen thưởng bằng lời nói hay thể hiện trên giấy càng cụ thể càng tốt, chứ nếu em nào cũng nhận được giấy khen với dòng vỏn vẹn mấy chữ “HS giỏi” thì các em và gia đình các em quả thật cũng không biết mình giỏi thế nào khi mà gần như cả lớp đều được khen giống nhau như vậy, giá trị của chữ “giỏi” ở đây vì thế không có nhiều giá trị nữa. Nếu giáo viên chỉ ra trong lớp mình em A thì giỏi ở khía cạnh này, em B giỏi ở lĩnh vực hoạt động kia... và các em thấy lời khen ấy là đúng thì chắc chắn sẽ có giá trị hơn nhiều so với một lời khen chung chung, giống hệt nhau.
Qua cách khen thưởng như vậy thầy cô đã thể hiện được rằng mình tôn trọng sự khác biệt của HS, và ngược lại HS khi nhận được những lời khen ấy sẽ biết mình cần phải phấn đấu ra sao, không bị tự ti so với các bạn khác, cũng không quá kiêu ngạo khi biết mình giỏi hơn nhưng các bạn khác lại có thế mạnh ở lĩnh vực khác.
Một đứa trẻ bao giờ cũng có điểm mạnh, điểm yếu nên việc khen ở đây chúng ta đã chọn điểm mạnh nhất trong tất cả những đặc điểm của đứa trẻ để biểu dương và qua đó cũng làm chính đứa trẻ ấy chú ý vào điểm mạnh của mình để phát huy và xây dựng lòng tự trọng cho mình.

Khen thưởng nặng về lễ nghi cho người lớn

Hiện nay, các địa phương, các nhà trường đang tổ chức những lễ tuyên dương khen thưởng HS khá rầm rộ. Theo ông, HS, giới trẻ có thích một buổi lễ hoành tráng như vậy không, hay các em thích hoạt động khen thưởng như thế nào?
Tôi cũng không thể có một câu trả lời chung nhất bởi mỗi em là một nhóm cá tính riêng và mỗi em có những giá trị riêng và điều đó sẽ quyết định mong muốn của từng em. Tuy nhiên, cũng có một số nguyên tắc chung khi khen thưởng HS. Quan điểm của tôi thì thấy rằng hiện nay chúng ta khen thưởng thiên về phần “lễ” nhiều quá, trao thưởng với nhiều hoạt động lễ nghi để cho người lớn đến dự, chứng kiến nhiều hơn là chú trọng đến tâm lý, lứa tuổi của từng đối tượng HS. Nếu thực sự chú trọng đến đứa trẻ thì điều mà chúng quan tâm là những ai thực sự quan trọng nhất với đứa trẻ sẽ được xuất hiện để chứng kiến buổi lễ ấy. Ví dụ, ở một số nước phát triển mà tôi biết, buổi lễ khen thưởng, nhận xét cho HS thì thầy cô sẽ nói với các em rằng em được mời bất kỳ ai có ý nghĩa quan trọng với em tới dự buổi lễ ấy. Có thể là bất cứ ai trong gia đình hoặc một người bạn thân của em ở ngoài lớp học đến dự.
Quan trọng phải là không gian gần gũi, thân thiết; các em không phải xếp hàng quá lâu qua các phần lễ nghi, báo cáo thành tích dài để đến lượt mình được lên nhận khen thưởng. Phần thưởng về mặt tinh thần của buổi lễ bao giờ cũng quan trọng hơn giá trị vật chất của phần thưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.