Khen hay chê con là cả một nghệ thuật

13/09/2018 09:24 GMT+7

Tôi có chị bạn có đứa con gái đang học lớp 2, hễ có 'thành tích' gì là hay khoe với mẹ bằng cách hỏi: 'Con có giỏi không hả mẹ?'.

Sau khai giảng mấy hôm, chị tò mò hỏi con về việc học, đứa con gái lại hăng hái khoe với mẹ về việc cô giáo ở lớp khen thế này, thế kia và cũng không quên hỏi mẹ câu hỏi trên. Chị nói: “Trước câu hỏi của con, tôi không bao giờ vội vàng trả lời “có” hoặc “không”, mà cố gắng tìm hiểu kỹ điều con muốn hỏi trước đã. Vì nếu mình khen con vì nghĩ rằng như thế sẽ khích lệ tinh thần cho con kiểu như: “con giỏi lắm”, “con là số 1”... thì không ổn. Hoặc quá khắc nghiệt, cực đoan: “Chưa đâu con, bạn con nhiều đứa giỏi hơn nhiều” thì cũng không xong. Vì một đằng, lâu dài sẽ làm cho con mãn, tự đại, sẽ thiếu ý chí phấn đấu; một đằng làm thui chột sự hăng hái của con, làm con bi quan nhụt chí”. Cho nên, bạn tôi bao giờ cũng khen để khích lệ và chỉ cho con mặt thiếu sót để con nỗ lực cố gắng.
Câu chuyện của người bạn khiến tôi nhớ đến bài ca dao hát ru mà mẹ tôi từng ru tôi từ nhỏ: “Mẹ ơi đừng đánh con đau/Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ/Bắt ốc, ốc nhảy lên bờ/Hái rau, rau héo, mẹ nhờ chi con”. Xét về ý nghĩa của lời van nài, có thể thấy người con ở đây chưa thật sự đã lớn. Đây được xem là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm của một đứa trẻ: cái tuổi dở dở ương ương, chưa thật chín chắn, không làm gì nên việc, bạ đâu hư đó, nhưng bao giờ cũng muốn tỏ ra hăng hái, nhiệt tình. Chính vì vậy mà trong lời ru của người mẹ đã hàm theo cả ý nghĩa vừa răn đe, vừa cảm thông, thấu hiểu; vừa muốn phủ nhận sự trưởng thành “chín non” của con, chỉ cho con thấy rằng con hãy còn nhỏ, cần phải cố gắng nhiều hơn; vừa trân trọng sự cố gắng, khuyến khích con trưởng thành nhiều hơn.
Điều đáng bàn là, hiện nay có nhiều cha mẹ quá cực đoan trong việc giáo dục con cái: hoặc là quá khắt khe, độc đoán với con, không muốn và không thấy được sự cố gắng trưởng thành của con nên dễ tạo ra mâu thuẫn, xung khắc với con. Ngược lại, hoặc là thiếu chu đáo, thiếu khuyên răn, uốn nắn một cách khéo léo, khôn ngoan. Vì thế trẻ dễ bị hư hỏng, dễ bị tự “chín háp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.