Khai giảng năm học mới: Để học sinh hạnh phúc khi đến trường

05/09/2017 07:20 GMT+7

Năm học 2017 - 2018 tuy chưa phải là năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nhưng xã hội và nhà trường đều mong chờ những thay đổi thiết thực nhất tới người học và giáo viên mà chưa cần phải có chương trình, sách giáo khoa mới.

Tạo thương hiệu riêng, tinh giản nội dung giáo dục
Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, việc tăng quyền tự chủ cho giáo dục phổ thông bắt đầu có dấu hiệu rõ nét hơn từ năm học này. Với giáo dục tiểu học, từ năm học 2017 - 2018, mỗi trường trên cả nước cần tạo ra một “thương hiệu riêng” của nhà trường để học sinh (HS) thấy hạnh phúc, tự hào về ngôi trường của mình và luôn cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Mỗi địa phương cần chỉ đạo điểm, xây dựng một số trường tiểu học thật sự tiêu biểu, điển hình, rút kinh nghiệm để nhân rộng theo từng năm; khuyến khích các địa phương có điều kiện mạnh dạn áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến và có thể liên kết, nhập khẩu chương trình, nội dung giáo dục của các nước có nền giáo dục phát triển.

tin liên quan

Năm học mới hồi hộp chờ… đổi mới
Cứ nghe thấy “năm học này sẽ thay đổi”... phụ huynh lại giật mình thon thót, chỉ lo con mình lại phải “thử nghiệm” một sự thay đổi nào đó, nhất là thi cử. 

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý các cơ sở giáo dục trung học theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, trước hết là việc giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường. Khuyến khích địa phương thực hiện sinh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục.
Xem lại việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi
Việc thi GV dạy giỏi lâu nay đã khiến dư luận xã hội và chính GV cảm thấy bức bối vì ngày càng nặng về hình thức và bị bệnh thành tích chi phối quá nhiều. Cuộc thi tiêu tốn quá nhiều thời gian, công sức của các trường nhưng lại nặng về trình diễn để lấy giải thưởng, HS không được hưởng lợi gì, trong khi lại thiếu động lực để GV dạy tốt, dạy hay ngay trong mỗi giờ lên lớp hằng ngày.
Báo cáo của Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết năm học 2017 - 2018 sẽ đổi mới cơ chế tổ chức thi đua, khen thưởng, bảo đảm công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể theo hướng gắn với hiệu quả công việc, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, của ngành, kịp thời động viên, tạo động lực tích cực cho nhà giáo, có sức lan tỏa trong toàn ngành, từng bước khắc phục hiện tượng chạy theo thành tích.
Bộ GD-ĐT đang giao Viện Khoa học giáo dục VN xây dựng đề án Tinh giản chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Vấn đề này cũng thể hiện trong phương hướng nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 của từng bậc học. Việc tinh giản sẽ không cắt xén cơ học mà tập trung vào đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả... nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực HS. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực HS, tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới.
Khắc phục việc thiếu trường lớp, giáo viên mầm non
Với giáo dục mầm non, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, một trong những hạn chế lớn nhất là việc thiếu trường lớp, chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của người dân ở khu đô thị, khu công nghiệp. Vùng miền núi cao, vùng sông nước vẫn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Còn nhiều phòng học tạm, nhờ - mượn, thiếu giáo viên (GV), tỷ lệ GV/lớp ở một số địa phương còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu...
Vì vậy, trong năm học 2017 - 2018 sẽ phấn đấu huy động trẻ bình quân toàn quốc theo tỷ lệ trẻ nhà trẻ đạt 28,6%, mẫu giáo 91%. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương tích cực tham mưu UBND tỉnh/TP có cơ chế bố trí GV mầm non trong bối cảnh tăng trẻ, tăng lớp hằng năm; có chính sách ưu đãi, tôn vinh, biểu dương đối với những nhà giáo tiêu biểu, có đóng góp tích cực hoặc có thành tích đột xuất trong ngành giáo dục.

Không có xáo trộn lớn về thi cử
Bộ GD-ĐT đang đưa 2 phương án về thi THPT quốc gia 2018 để các trường ĐH góp ý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Bộ cần tránh thay đổi đột ngột để giúp HS không hoang mang, vì đây là kỳ thi quốc gia duy nhất, mọi thay đổi cần có lộ trình, cẩn trọng. Em Trần Mỹ Hạnh, HS lớp 12 Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang), chia sẻ nếu có xáo trộn lớn thì HS sẽ gặp khó khăn vì phải chuẩn bị lại cho việc ôn tập, bởi trên thực tế hơn một năm qua, các em đã học theo hướng kỳ thi năm 2017 để ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định Bộ đang hướng đến một kỳ thi ổn định, có sự chung sức của các địa phương, các ngành, trong đó tính đến việc tăng độ phân hóa, các yếu tố kỹ thuật để kỳ thi THPT quốc gia được hoàn thiện hơn, nhẹ nhàng hơn theo các năm. Bộ trưởng cũng lưu ý, công tác thi, kiểm tra học kỳ cũng phải được tiến hành nhẹ nhàng; công tác khảo thí ở các địa phương phải được thực hiện theo chuẩn mực, đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và các quy định, hướng dẫn trong kiểm tra, đánh giá HS mà Bộ đã đưa ra.
Ý kiến
Học tới đâu thực hành tới đó
Chương trình hiện tại học quá nặng về lý thuyết mà ít có những buổi học thực tế. Đối với HS, em nghĩ kiến thức phổ thông là nền tảng để ứng dụng thực tế. Học tới đâu thực hành tới đó, học tới đâu tìm cách ứng dụng tới đó. Đấy mới là điều chúng em đang cần. Việc loay hoay, lòng vòng đổi mới thi cử không cấp thiết bằng đổi mới chương trình học mà còn khiến chúng em cảm thấy mệt mỏi. Chúng em không thể chờ tới khi ra trường rồi quay lại thụ hưởng chương trình mới. Mọi thay đổi đều nên nhanh chóng và dựa trên nhu cầu của HS.
Nguyễn Ngọc Long
(HS Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)
Mong thầy cô giáo luôn làm chủ được mình
Phụ huynh chúng tôi mong các thầy cô giáo luôn làm chủ được mình, kiềm chế nóng giận, xử lý tốt những tình huống sư phạm, có khả năng cảm hóa, thuyết phục được nhiều HS cá biệt, ngỗ ngược, lười biếng trong mọi hoàn cảnh. Rất mong nhà nước có những chính sách về thu nhập để GV không còn nỗi lo cơm áo. Từ đó dành thời gian để trau dồi, phát triển năng lực, tư duy sư phạm.
Ngoài một số khoản tiền phục vụ nhu cầu chính đáng của HS, trước khi tiến hành các khoản thu tự nguyện để mua sắm, sửa chữa..., nhà trường nên công khai mục đích sử dụng, kế hoạch, phương án công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt như thế nào. Mức thu xuất phát từ tính tự nguyện và điều kiện sống, khả năng kinh tế của từng phụ huynh.
Bùi Hồng Phát 
(Phụ huynh HS tại Q.Bình Tân, TP.HCM)
T.Nguyễn - B.Thanh - L.Ngọc (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.