Kết quả chọn SGK của TP.HCM là khác thường !

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/05/2020 07:42 GMT+7

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa , Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh 'những câu chuyện khó hiểu' liên quan đến việc chọn SGK lớp 1.

Không “xuê xoa” trong chọn sách giáo khoa

Thưa ông, việc chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm học 2020 - 2021 trên cả nước đã hoàn tất. Một số địa phương đã yêu cầu 100% trường học trên địa bàn tỉnh chọn 1 bộ SGK trong khi các trường chọn từ nhiều bộ SGK khác nhau. Theo ông, cần chấn chỉnh ra sao để những việc như thế này không trở thành tiền lệ xấu?
Thực ra chỉ có năm nay chúng ta chọn SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, giao quyền chọn cho nhà trường. Từ sang năm sẽ thực hiện theo luật Giáo dục 2019 thì quyết định chọn sẽ do thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

PGS Phạm Tất Thắng

Về nguyên tắc, dù thực hiện theo nghị quyết hay luật thì phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Bất cứ ai và cấp nào cũng phải tôn trọng thẩm quyền chọn của các trường đã quy định trong nghị quyết của Quốc hội. Việc tổ chức giảng dạy là trách nhiệm của các trường. Họ đã nghiên cứu và đưa ra quyết định chọn bộ sách được hội đồng bỏ phiếu cao nhất và bộ sách đó phù hợp với học sinh với điều kiện dạy học của họ. Do vậy, không có lý do gì để có thể “can thiệp” vào kết quả đó. Làm như vậy là sai so với quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Bộ GD-ĐT cũng đã có thái độ kiên quyết về các trường hợp này. Tôi cho rằng đó là động thái cần thiết, dứt khoát không “xuê xoa” để có thể tạo ra những tiền lệ xấu trong chọn SGK.

Nếu có bằng chứng về việc tiêu cực, vận động hành lang, “bôi trơn” bằng lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân để chọn SGK thì rõ ràng đó là hành vi vi phạm cần xử lý theo quy định

PGS Phạm Tất Thắng

100% trường của một tỉnh nào đó chọn giống nhau thì kết quả ấy có thể coi là bình thường và đúng với tinh thần “phù hợp điều kiện khác nhau” hay không, thưa ông?
Năm nay có 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt. Do vậy, về nguyên tắc, các trường có thể chọn bất cứ bộ hoặc cuốn SGK nào để dạy học. Vấn đề đặt ra là các trường sẽ chọn sách nào mà họ thấy phù hợp. Dù chọn 1 bộ hay chọn các cuốn từ nhiều bộ sách khác nhau thì cũng không sai quy định.
Khi có nhiều sách thì chúng ta chấp nhận sẽ phải có sự cạnh tranh, quảng bá của các đơn vị có SGK khác nhau để bộ ấy được biết đến và được lựa chọn. Chỉ có điều sự cạnh tranh ấy phải lành mạnh, minh bạch chứ không phải cạnh tranh bằng những tác động tiêu cực hay ép buộc cấp dưới phải chọn một bộ SGK hoặc cuốn sách nào đó mà không cần biết có phù hợp và đúng với mong muốn của người trực tiếp dạy, học hay không. Còn tất nhiên, nếu có bằng chứng về việc tiêu cực, vận động hành lang, “bôi trơn” bằng lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân để chọn thì rõ ràng đó là hành vi vi phạm cần xử lý theo quy định chứ không thể bàn nên hay không, đúng hay sai nữa.

Phải đặt mục tiêu vì học sinh lên hàng đầu

Với TP.HCM, Nhà xuất bản Giáo dục trả “thù lao tổ chức biên soạn SGK” cho lãnh đạo, cán bộ Sở GD-ĐT. Kết quả chọn SGK ở TP này cho thấy bộ SGK mà lãnh đạo, cán bộ Sở GD-ĐT nhận thù lao biên soạn đã được chọn với tỷ lệ áp đảo. Theo ông, có thể giải thích điều này như thế nào để người dân không nghi ngờ về sự khách quan?
Chuyện này hơi khác thường. Về mặt nguyên tắc, các trường có thể chọn bất cứ cuốn SGK nào trong số các đầu SGK đã được phê duyệt. Tuy nhiên, với TP.HCM, khi các lãnh đạo, cán bộ của Sở GD-ĐT đã nhận thù lao của Nhà xuất bản Giáo dục VN với vai trò là tác giả hay tập hợp đội ngũ để làm một bộ SGK cụ thể, và rồi bộ SGK ấy lại được lựa chọn thì rõ ràng sự lựa chọn ấy khiến người ta có quyền nghi ngờ là nó không còn khách quan nữa. Điều đó khiến cơ hội lựa chọn của các trường thực sự không còn được như mong muốn, không đúng với mục tiêu của việc Quốc hội quyết định cho phép xã hội hóa biên soạn và có nhiều SGK để các nhà trường, địa phương lựa chọn.

Nhà trường, giáo viên vẫn có tiếng nói quan trọng chọn SGK

Từ sang năm, khi việc lựa chọn SGK không còn là thẩm quyền của các nhà trường mà giao cho UBND cấp tỉnh, cần giải pháp nào để các nhà trường có SGK phù hợp? PGS Phạm Tất Thắng cho rằng đương nhiên quy định của luật là phải thực hiện đúng. Tuy nhiên trong trường hợp này, tôi cho rằng có nhiều cách để các trường và giáo viên vẫn có tiếng nói quan trọng trong quyết định lựa chọn SGK. Luật giao quyền quyết định việc lựa chọn SGK cho UBND cấp tỉnh nhưng không có nghĩa UBND cấp tỉnh trực tiếp chọn mà có thể ủy quyền cho cấp cơ sở hoặc giao cho UBND cấp quận huyện, nhà trường tiến hành chọn rồi trên cơ sở đó UBND tỉnh ra quyết định cuối cùng. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh có thể thành lập hội đồng chọn mà thành viên trong hội đồng đó chiếm lực lượng đông đảo là những người trực tiếp giảng dạy...
Việc có nhiều bộ SGK, lo các hiện tượng tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh trong chọn SGK... Vậy theo ông, cơ quan quản lý và mỗi nhà xuất bản có SGK cần làm gì để lành mạnh, văn minh hóa việc này?
Trước đây, SGK là pháp lệnh nhưng khi có nhiều bộ sách thì mở ra cơ hội có nhiều lựa chọn cho các nhà trường và người dân, làm sao để có bộ sách chất lượng tốt nhất, giá cả phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình, qua đó nâng cao chất lượng dạy học. Mục tiêu chính là như vậy nên các giải pháp dù thế nào cũng phải nhằm đạt được mục tiêu ấy. Đặc biệt, các cấp quản lý và mỗi nhà trường phải đặt mục tiêu vì HS lên hàng đầu chứ không chọn vì bất cứ mục tiêu gì khác. Có thể việc chọn nhiều sách khác nhau trong cùng một địa phương sẽ khiến việc quản lý phức tạp hơn, vất vả hơn nhưng nếu đặt mục tiêu vì HS làm chính thì sẽ có các giải pháp thực hiện được.

Người dân phải được biết

Việc chọn SGK đã hoàn tất nhưng không ít phụ huynh có con vào lớp 1 vẫn không biết trường con mình sẽ học đã chọn SGK nào. Theo ông, việc công khai kết quả chọn là quyền của từng trường hay cần tôn trọng quyền được biết của phụ huynh?
Đương nhiên là người dân phải được biết. Chọn SGK là công việc chuyên môn nên là việc của nhà trường nhưng nếu coi SGK là một mặt hàng thì người dân mới chính là khách hàng thực sự; cha mẹ HS chính là người phải chi trả tiền cho việc mua sách mà nhà trường đã chọn.
Do vậy, kết quả chọn không có lý do gì mà không công khai ngay cho người dân được biết. Về nguyên tắc là phải thông báo tới từng phụ huynh, nhưng do lớp 1 chưa tuyển sinh nên các trường phải thực hiện công khai bằng nhiều hình thức khác nhau để làm sao người dân tiếp cận được thuận tiện, dễ dàng nhất. Ở khu vực thành thị, hầu hết các cơ sở GD-ĐT đều có trang web, tại sao lại không công bố ngay để phụ huynh cùng cả xã hội được biết và giám sát. Nhiều khi phụ huynh cũng sẽ căn cứ vào SGK được lựa chọn để chọn trường cho con, nếu đó là hệ thống trường ngoài công lập. Tôi cho rằng việc này không có lý do gì để trì hoãn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.