Hội Toán học phản đối thi trắc nghiệm môn toán

13/09/2016 05:09 GMT+7

Sau cuộc họp đột xuất hôm qua 12.9, Ban Chấp hành Hội Toán học dự kiến sẽ kiến nghị lên Chính phủ, Bộ GD-ĐT phản đối việc năm 2017 và một số năm tiếp theo thi THPT quốc gia bằng hình thức trắc nghiệm môn toán.

3 lý do không đồng tình
Trong cuộc họp này, các thành viên của ban chấp hành hội này đều không đồng tình với đề xuất của Bộ GD-ĐT là sử dụng hình thức trắc nghiệm với môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia.
Có 3 lý do cơ bản để hội phản đối đề xuất này. Trước hết là, do sự thiếu chuẩn bị với cả học sinh (HS) và giáo viên, điều đó ảnh hưởng tới chất lượng dạy học môn toán trong nhà trường phổ thông. Thứ hai, về mặt chuyên môn, so với các yêu cầu mà Bộ đặt ra với kỳ thi THPT quốc gia thì việc tổ chức thi trắc nghiệm môn toán ngay từ năm 2017 sẽ không đáp ứng được. Thứ ba, căn cứ để Bộ triển khai dự kiến thi trắc nghiệm môn toán là dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức 3 năm vừa rồi, trong khi một đánh giá chính thức về mặt chuyên môn về hiệu quả kỳ thi này là chưa có.

Chúng tôi quan ngại nếu Bộ GD-ĐT tổ chức thi THPT quốc gia môn toán hình thức trắc nghiệm thì tất cả các kỳ đánh giá khác cũng sẽ trắc nghiệm theo. Kiểm tra một tiết, thi học kỳ... cũng sẽ trắc nghiệm theo, bởi ai còn làm tự luận nữa làm gì! Điều này ảnh hưởng sâu sắc tới việc dạy và học môn toán ở phổ thông

GS-TSKH Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký Hội Toán học

GS-TSKH Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký Hội Toán học, cho biết Ban Chấp hành hội thống nhất đề nghị việc Bộ GD-ĐT quyết định hình thức thi môn toán như thế nào cần phụ thuộc vào nội dung chương trình, mục tiêu giảng dạy môn học này chứ không phải làm ngược lại. Toán là môn bắt buộc không chỉ trong đánh giá ở bậc học phổ thông mà là môn điều kiện để tuyển sinh vào hầu hết các ngành học ở bậc ĐH. Vì vậy ảnh hưởng của nó tới HS phổ thông là rộng nhất so với tất cả các môn học khác. “Nếu thay đổi đột ngột hình thức thi với môn này thì chúng tôi quan ngại trước nguy cơ học thêm tràn lan càng phát triển trong năm nay và những năm tiếp theo”, ông Hải khẳng định.
Cần chứng minh sự thay đổi có hiệu quả hơn
Ông Hải cho rằng mục tiêu thực sự của dạy học môn toán ở bậc THPT không chỉ là truyền đạt các kỹ năng mà quan trọng nhất là tạo được cho người học phương pháp tư duy, khả năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề không chỉ dành cho toán học mà cho cả quá trình học tập các môn khác. Việc đánh giá môn toán thông qua trắc nghiệm phá hỏng hết mục tiêu đó.
Theo ông Hải, thi trắc nghiệm môn toán có thể áp dụng ở mức độ đơn giản, còn với các kỳ thi mà yêu cầu kiến thức phức tạp thì đòi hỏi việc tổ chức rất công phu mà trong điều kiện hiện nay gần như chưa thể thực hiện ở nước ta. Với kỳ thi đánh giá năng lực mà trong đó môn toán thi theo hình thức trắc nghiệm thì Bộ GD-ĐT cũng chưa có một khảo sát, đánh giá công khai nào để cho thấy hình thức thi đó không phá hỏng mục tiêu dạy học môn toán.
Ông Hải cũng cho rằng nếu muốn thay đổi thì phải có sự chuẩn bị và phải chứng minh được sự thay đổi đó mang đến hiệu quả tốt hơn. “Chúng tôi chưa thấy Bộ GD-ĐT chứng minh được điều đó. Nếu Bộ nói thi trắc nghiệm là để “cá nhân hóa” đề thi, là để chống quay cóp thì Bộ phải chứng minh được những năm vừa rồi vì thi cách cũ nên vấn đề quay cóp diễn ra như thế nào để đến mức độ Bộ phải thay bằng hình thức thi khác”, ông Hải đề nghị.

Để giải quyết thấu đáo những quan điểm về vấn đề này như tại sao nhiều nước vẫn tổ chức thi trắc nghiệm môn toán cũng như những quan điểm khác nhau, theo ông Hải cần phải có một hội thảo chuyên môn. “Cái mà tôi và Ban Chấp hành Hội Toán học mong muốn là Bộ GD-ĐT phải xác định được mục tiêu dạy và học môn toán ở THPT, từ đó đưa ra hình thức thi phù hợp. Nếu chỉ nhận xét thi toán trắc nghiệm là hay hay dở thì mới chỉ là phần ngọn”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, khi làm thử đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, ông nhận thấy HS dù học hết kiến thức cơ bản trong chương trình phổ thông vẫn rất khó đạt kết quả cao nhất nếu không được luyện để có “mẹo” làm bài. “Tại sao phải thay đổi khi mà nó đang tốt? Nếu nói nó không tốt thì phải chứng minh nó không tốt. Giờ vẫn 95% HS đỗ tốt nghiệp. Vậy Bộ có chứng minh được rằng nếu thay đổi thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp đi do nhờ được sàng lọc tốt, nhờ nghiêm túc hơn?”, ông Hải đặt vấn đề.

“Chúng tôi quan ngại nếu Bộ GD-ĐT tổ chức thi THPT quốc gia môn toán hình thức trắc nghiệm thì tất cả các kỳ đánh giá khác cũng sẽ trắc nghiệm theo. Kiểm tra một tiết, thi học kỳ… cũng sẽ trắc nghiệm theo, bởi ai còn làm tự luận nữa làm gì! Điều này ảnh hưởng sâu sắc tới việc dạy và học môn toán ở phổ thông”, ông Hải kết luận.

tin liên quan

Chưa biết thế nào là 'bài thi tổng hợp'?
Dự thảo phương án thi 2017 Bộ GD-ĐT vừa đưa ra đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với những câu hỏi lớn về cái gọi là 'bài thi tổng hợp' và 'đánh giá năng lực'.

Vẫn dành 25% chỉ tiêu cho khối thi truyền thống
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2017 Bộ chỉ tổ chức một loại cụm thi ở tất cả các tỉnh thành do sở GD-ĐT chủ trì. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT được thực hiện như năm 2016 gồm 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với TS phổ thông), 3 bài thi (đối với TS GDTX) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.
Các trường ĐH lựa chọn 4 phương thức tuyển sinh. Với các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D), khi điều chỉnh quy chế tuyển sinh sắp tới, Bộ cho biết sẽ có quy định yêu cầu các trường dành chỉ tiêu thích hợp để xét tuyển đảm bảo quyền lợi của TS đã ôn tập theo khối thi từ trước. Dự kiến năm tới các trường sẽ dành ít nhất 25% cho các khối thi này. Trong đó, riêng tổ hợp toán, văn và ngoại ngữ giữ như cũ. Các môn còn lại (lý, hóa, sinh, sử và địa lý) tổ hợp môn được xác định dựa vào điểm thành phần tương ứng của các bài thi tổ hợp. Ngoài các tổ hợp truyền thống, trường có thể quy định các tổ hợp mới, bao gồm cả bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội để xét tuyển vào các ngành phù hợp.
Điểm mới kỳ thi năm nay ở bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tuy nhiên theo Bộ, đây là 2 bài thi tổ hợp gồm các môn thi riêng rẽ được bố trí tuần tự từng môn riêng. Kết quả chấm thi được đưa ra từng môn thành phần và điểm của cả bài. Tuy nhiên, nhằm hạn chế việc TS chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, quy chế thi sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Mặc dù cấu trúc bài thi trắc nghiệm khách quan có thay đổi so với các năm trước (với bài toán, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) nhưng hình thức câu hỏi và phương án trả lời sẽ không thay đổi so với trước đây.
Hà Ánh
Có thể thực hiện nếu Bộ chuẩn bị chu đáo
Trắc nghiệm và tự luận đều có những ưu, khuyết điểm và sự khác biệt. Chẳng hạn một câu hỏi tự luận đòi hỏi thí sinh (TS) phải tự suy nghĩ ra câu trả lời rồi diễn đạt bằng ngôn ngữ riêng, còn câu hỏi trắc nghiệm buộc TS phải chọn một câu đúng nhất. Một bài tự luận có rất ít câu hỏi nhưng TS phải diễn đạt bằng lời lẽ dài dòng, bài trắc nghiệm có rất nhiều câu hỏi nhưng chỉ đòi hỏi trả lời ngắn gọn nhất. Làm bài tự luận cần nhiều thời gian để suy nghĩ và diễn đạt, còn khi làm trắc nghiệm thời gian cần để đọc và suy nghĩ rất ít. Chất lượng bài tự luận phụ thuộc vào kỹ năng người chấm bài nhưng chất lượng bài trắc nghiệm phụ thuộc vào kỹ năng người ra đề. Với bài tự luận, TS tự do bộc lộ suy nghĩ cá nhân, người chấm tự do cho điểm theo xu hướng riêng; bài trắc nghiệm chỉ chứng tỏ kiến thức thông qua tỷ lệ câu trả lời đúng.
Hiện nay một số giáo viên, học sinh và phụ huynh còn lo lắng nếu thi môn toán trắc nghiệm vì chưa có sự chuẩn bị chu đáo nên chưa chấp nhận sự thay đổi này, cho là trắc nghiệm chưa phù hợp với kỳ thi tuyển sinh ĐH. Tuy vậy trong những năm gần đây Trường ĐH FPT, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã thi dưới dạng trắc nghiệm. Vì vậy thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự chỉ đạo kiên quyết, chu đáo hơn của Bộ cũng như sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh, HS và xã hội.
Thạc sĩ Vũ Ngọc Hòa
(Giáo viên toán Trường THPT Ngô Quyền, Biên Hòa, Đồng Nai)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.