Học văn hóa hay chơi thể thao chuyên nghiệp?: Bác sĩ, tiến sĩ ở đấu trường Olympic

29/10/2016 05:03 GMT+7

Tại các nước phát triển, thể thao là một phần quan trọng của chương trình giáo dục ở tất cả bậc học nên học sinh, sinh viên luôn được tạo mọi điều kiện để có thể vận động thể chất.

Bác sĩ vô địch Olympic
Trong kỳ Olympic tạiBrazil vào tháng 8, võ sĩ người Argentina Paula Pareto (30 tuổi) đã giành huy chương vàng hạng cân dưới 48 kg dành cho nữ ở môn judo. Pareto không chỉ khiến người khác nể vì thành tích thể thao mà còn vì cô là một bác sĩ. Tại đấu trường của Thế vận hội, những vận động viên (VĐV) “học giỏi, tập giỏi” không hiếm, nhưng một bác sĩ vô địch Olympic lại là chuyện hoàn toàn khác. Học y khoa xưa nay luôn có tiếng là cực khổ nhất trong các ngành học. Vậy mà kể từ khi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp cách đây 12 năm, ngoài chức vô địch Olympic vừa qua, Pareto đã từng giành huy chương đồng tại Olympic 2008, vô địch thế giới năm 2015, á quân thế giới năm 2014 và rất nhiều huy chương của các giải Grand Slam, Grand Prix về judo.
Ngoài việc được sự hỗ trợ tối đa từ nhà trường và Bộ Thể thao Argentina, “bí quyết” để Pareto dung hòa cả việc học y với tập luyện là niềm đam mê dành cho môn thể thao mà cô đã lựa chọn.

Tại kỳ Olympic ở Brazil, ngoài bác sĩ Pareto còn một gương mặt đáng chú ý ở môn judo về trình độ học vấn: VĐV Đức Laura Vargas Koch (26 tuổi), người giành huy chương đồng ở hạng cân 70 kg, đồng thời cũng là tiến sĩ toán của ĐH Kỹ thuật Aachen (RWTH Aachen University), Đức.
Tạo điều kiện tối đa giáo dục thể chất
Những trường hợp như bác sĩ Pareto hay tiến sĩ Koch chỉ có xảy ra ở những nền giáo dục mà thể thao thật sự được xem trọng.
Chẳng hạn Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đưa thể thao thành tích cao vào học đường. Trong khi đó, ở Pháp, các trường phổ thông và ĐH đều đầu tư các nhà thi đấu, tập luyện chủ yếu dành cho học sinh, sinh viên (HS, SV) chơi “vui khỏe là chính”. Thể thao đỉnh cao của nước này tập trung tại các câu lạc bộ. Dù hình thức ra sao, tất cả đều có một điểm chung là tạo điều kiện tối đa để HS, SV có thể hoạt động thể chất.

tin liên quan

Bất cập thể thao học đường
Theo hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM, thể thao học đường của VN rất yếu kém. Hầu hết ở các trường phổ thông, môn thể dục ít được đầu tư. 

Có thể lấy ĐH Paris VI - Pierre et Marie Curie, một ĐH lớn nhất của Pháp về khoa học để làm ví dụ. Các SV năm nhất của Paris VI vừa đăng ký vào học sẽ được giới thiệu rất kỹ về hoạt động thể thao với 40 môn có thể chơi hoàn toàn miễn phí. Những ai là VĐV “trình độ cao” - tức có thi đấu cho các giải đấu lớn của từng môn - sẽ lập tức được lập danh sách riêng. Khoa thể thao của Paris VI có hẳn một giáo viên chuyên trách nhóm này để theo dõi sát sao và hỗ trợ ngay khi cần thiết. Từ nhiều năm nay, ĐH này có ký các thỏa thuận riêng với từng liên đoàn của nhiều môn thể thao tại Pháp để giúp đỡ VĐV đỉnh cao của trường thi đấu hiệu quả hơn. Nếu phải nghỉ nhiều, thời gian học từng cấp học của các SV - VĐV sẽ kéo dài hơn bình thường, nhưng nhờ được giúp đỡ hết mức, sau cùng họ vẫn hoàn thành chương trình học, có được tấm bằng của một ĐH danh tiếng.
Thể thao là chìa khóa thành công
Vì sao nhiều nước xem trọng thể thao học đường đến thế? Trước hết, thể thao đồng nghĩa với sức khỏe. Một người có thể lực tốt sẽ làm việc hiệu quả hơn, chịu áp lực tốt hơn.
Năng suất lao động của nhiều nước phương Tây rất cao một phần cũng nhờ người dân các nước này có sức khỏe rất tốt. Mặt khác, nhiều ĐH lớn trên thế giới xem việc sinh hoạt, tập luyện thể thao ở các câu lạc bộ chính là cơ hội để SV học được nhiều kỹ năng quan trọng. Ecole Polytechnique - trường đào tạo kỹ sư danh tiếng nhất của Pháp, bắt buộc SV phải chơi ít nhất 6 giờ thể thao/tuần. Website trường này nhận định về tầm quan trọng của việc vận động: “Chơi thể thao là một cách để học về quản trị và làm việc nhóm”.

tin liên quan

7 khóa học độc, lạ ở Anh

Khóa học nghiên cứu tâm linh huyền bí, hóa trang kinh dị, nghiên cứu nước hoa... là 3 trong số nhiều khóa học độc, lạ ở các trường học Anh.


Tại Nhật, các VĐV judo thường có lỗ tai bị biến dạng do khi tập luyện tai bị ma sát nhiều, phồng rộp. Nhưng công ty nước này lúc tuyển nhân viên, thấy ứng viên nào có lỗ tai biến dạng “kiểu judo” thì thường cho điểm cộng vì biết đây là người đã từng chịu được một quá trình khổ luyện lâu dài, có tính kiên nhẫn và kỷ luật cao.
Hè vừa qua, tôi được Khoa Thể thao của ĐH Quốc gia Đài Loan (NTU) mời tham dự chương trình giao lưu judo giữa SV của trường với SV VN và Hồng Kông. Cơ sở vật chất về thể thao của NTU cực kỳ tốt, với đầy đủ nhà thi đấu, tập luyện phức hợp, sân vận động, khu thể thao ngoài trời… Chi phí chơi thể thao trong các câu lạc bộ ở NTU cũng cực kỳ rẻ. Như câu lạc bộ judo chỉ đóng một lần 500 Đài tệ (hơn 350.000 đồng) cho lần đầu gia nhập. Các SV của trường tranh thủ tối đa thời gian rảnh để chơi thể thao. Gần 10 giờ tối đi ngang qua đây, tôi vẫn thấy khu thể thao của NTU còn rất nhộn nhịp. Không chỉ chơi thể thao, SV của trường này còn tự điều hành câu lạc bộ và tổ chức mọi hoạt động. Các thầy cô chỉ đóng vai trò cố vấn. Thái Ngọc Phương Minh, du học sinh VN tại NTU và cũng là trưởng ban tổ chức chương trình giao lưu judo Đài Loan, VN, Hồng Kông, chia sẻ: “Chúng tôi tự làm mọi thứ, từ viết kế hoạch, viết thư xin nhà tài trợ, viết thư mời, xin công văn, liên lạc với các đội tham gia, đón khách, chuẩn bị quay phim, phiên dịch… Qua chương trình lần này, chúng tôi học được cách làm việc trong một tập thể, tổ chức một sự kiện”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.