Học trực tuyến: 'Thầy ơi, con không biết làm gì, học không vô'!

Bích Thanh
Bích Thanh
23/09/2021 06:07 GMT+7

“Thầy ơi, con không biết làm gì, học không vô. Thầy lên mạng nói chuyện với tụi con đi thầy ơi!” là lời nhắn của nhóm học sinh gửi cho giáo viên tâm lý Hoàng Sĩ Đăng, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) trong những ngày học trực tuyến .

Ngay lập tức, thầy Hoàng Sĩ Đăng đã kết nối với học sinh (HS) để trò chuyện, lắng nghe rồi cùng nghe nhạc, xem một bộ phim và cùng ngồi thiền đếm hơi thở để các em bình ổn lại tâm trạng khi học trực tuyến.

Những bất ổn về tâm lý, sức khỏe

Thầy Đăng chia sẻ trong tâm lý học có chỉ ra hiện tượng bất kỳ người nào nếu ở trong không gian kín quá lâu sẽ dẫn đến những ức chế. Thực tế cho thấy HS đã không có một mùa hè đúng nghĩa, năm học kết thúc một cách vội vàng, tiếp sau đó là những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội, không được ra ngoài vui chơi, du lịch… Hằng ngày chỉ ở trong nhà, lên mạng, lướt web, chơi game nên không tránh khỏi những khó chịu, buồn bực.
Tương tự, thạc sĩ Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cũng chỉ ra rằng thường HS rất háo hức và vui khi trở lại học tập sau thời gian dài nghỉ hè, vì được gặp lại bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn thì một số em sẽ có những bất ổn về tâm lý, sức khỏe, nhất là khi các em ít có tương tác trao đổi trực tiếp với giáo viên và bạn bè, mà phải thông qua điện thoại, máy tính. 
Bên cạnh đó, thạc sĩ Bình cho hay không tránh khỏi tình huống phụ huynh giám sát việc sử dụng thiết bị, sợ con em chơi game hoặc lên mạng, vô tình tạo thêm áp lực tâm lý lên các em… 

Covid-19 sáng 24/9: Cả nước 728.435 ca nhiễm, 493.488 ca khỏi | Điểm nóng đang “hạ nhiệt”

Sắp xếp lịch học phù hợp, thêm kỹ năng sống

Để hỗ trợ và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến HS, theo ông Bình nhà trường nên bố trí thời gian học rải đều để HS có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị tài liệu. Giáo viên cung cấp video, bài giảng điện tử để các em có thể tự học. 
Bên cạnh đó nhà trường triển khai công tác tư vấn tâm lý, phối hợp với phụ huynh để thực hiện. Công tác tư vấn có sự tham gia của chuyên gia tư vấn, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và Đoàn thanh niên. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức những buổi trao đổi chuyên đề kỹ năng sống cho HS như kỹ năng đọc sách và văn hóa đọc, phương pháp và kỹ năng học trực tuyến, sử dụng mạng xã hội
“Các hoạt động này vừa tạo môi trường giúp các em có cơ hội trao đổi, giải tỏa những bức xúc dồn nén và trang bị kỹ năng mềm hỗ trợ tốt nhất cho việc học của các em”, ông Bình cho biết.
Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho biết trong thời khóa biểu mỗi tuần HS có một tiết kỹ năng sống. Nhà trường sử dụng tiết học này để hướng dẫn HS xóa tan những năng lượng xấu, thu nạp những năng lượng tích cực trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, thầy Phú cũng chia sẻ, thông qua các ứng dụng học trực tuyến, nhà trường tổ chức cho HS tập yoga để giúp tập thở, điều chỉnh tư thế, thư giãn cơ thể sau khi ngồi học trực tuyến quá lâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.