Học trò viết bản tổng kết như 'sớ tấu vua' để... thử thách cô giáo

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
01/04/2019 20:33 GMT+7

Một giáo viên có 23 năm dạy học đã chia sẻ về một nam sinh gây ấn tượng mạnh với cô và bản tổng kết năm học như “sớ tấu vua”, với mong muốn được cô chú ý và... thử thách sự kiên trì của cô.

Giữa lúc dư luận đang ở “tâm bão” về vụ nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành dã man và sự vô cảm của giáo viên chủ nhiệm lớp, Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) tổ chức hội nghị về “nghệ thuật” của công tác chủ nhiệm.
Tại hội nghị, các giáo viên chủ nhiệm đã chia sẻ về quá trình đồng hành, giáo dục những học sinh đặc biệt. Báo Thanh Niên xin trích đăng tâm sự của cô Đào Thị Ninh, giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy bộ môn tin học tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, về cậu học trò đặc biệt của mình.
Cô Đào Thị Ninh chia sẻ về cậu học trò đặc biệt của mình Ảnh N.B.K
"Khi bắt đầu cầm bút viết về cậu học trò nhỏ này, bỗng dưng tôi mỉm cười một mình bởi lẽ ngày đầu tôi gặp con chập chững vào lớp 10D4, tôi đã cảm thấy con có gì đó rất khác biệt với tất cả, con chỉ ngồi một mình nhìn ra cửa sổ hoặc ôm những cuốn sách rất bác học: Mưu lược Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông công và tội, Puttin từ trung tá KGB đến Tổng thống Liên bang Nga.., hoặc Sự trỗi dậy và sụp đổ của đế chế thứ ba. Cuốn sách nào cũng dày cộp, bìa cứng đến cả gang tay…
Cậu trò nhỏ ấy có tên là V.A. Khi nói đến V.A, bất kể thầy cô nào cũng khen cậu ấy ngoan một cách khác biệt. Tiếp thu bài rất nhanh, chữ dễ đọc và đôi khi nói trung thực như trẻ em mầm non, ngây thơ đến lạ kỳ… Mẹ V.A kể, khi con được 3 tuổi, con phải theo bố mẹ sang Ấn Độ (bố mẹ V.A làm việc trong Đại sứ quán).
Đó là thời kỳ khó khăn nhất của V.A. Ba tuổi đang thời kỳ tập nói, tiếng mẹ đẻ còn đang bậm bẹ, cu cậu đã phải phải bậm bẹ thêm 2 ngoại ngữ nữa để tồn tại ở lớp mẫu giáo. Tiếng Hindu để giao tiếp trong lớp và tiếng Anh để học chữ, tiếng Việt để giao tiếp với bố mẹ và các bác trong Đại sứ quán… Có lần, V.A còn bị trẻ em Ấn Độ cùng lớp đấm chảy máu mồm vì nói họ không hiểu gì và họ nói mãi mà V.A cũng không hiểu.
Quả thật là khó khăn bội phần với một cậu bé 3 tuổi. Kết quả là sốc môi trường sống khiến cậu bé rơi vào trầm lắng. V.A không thích giao tiếp với ai, kể cả bố mẹ của con. Quá là hoảng sợ và lo lắng, bố mẹ V.A đành rút về Việt Nam khi con học xong tiểu học.
Một lần nữa con lại sốc môi trường ở Việt Nam khi học cấp 2. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều. Những năm cấp 2 của V.A quả là một thời kỳ khó khăn của cha mẹ con. Con thông minh theo một cách khác. Hiểu mọi vật theo kiểu siêu nhiên, mà theo như cách con diễn tả, đó là góc nhìn thứ 3 trong cuộc sống.
Tôi nhớ năm lớp 10, trong bản tổng kết năm học, con viết : 
Tại hạ là: Nguyễn V.A. Hôm nay tại hạ viết bản báo cáo này để tự tổng kết lại những ưu điểm trong năm học qua, gửi lên các vị lão sư để có được sự đánh giá. Tại hạ sẽ cố gắng viết hết sức ngắn gọn, súc tích, sen kẽ một ít nét tinh tế đặc trưng.
Đầu tiên là ưu điểm: Bổn toạ có nhiều ưu điểm nhưng sợ nói ra thành khoa trương nên bổn toạ xin miễn không nói kính mong các vị lão sư tiền bối thông cảm.
Về nhược điểm thì tại hạ có quá nhiều, xin mạn phép kể ra như sau: Không làm bài tập n lần. Đôi khi thiếu bài tập toán. Nhiều khi phụ thân, mẫu thân lo lắng cho tại hạ không thi đỗ Trạng Đại Học, vì vậy tại hạ rất thương phụ thân, mẫu thân nên đã cảnh giới với những khuyết điểm nghĩa là (thoát thai hoán cốt, đả thông binh mạch) để trở thành người con người học trò tốt, lĩnh ngộ trăm đạo nhất là đạo hiếu. Tại hạ xin cúi đầu hứa học tập tốt hơn trong năm học tới để có bảng điểm cao hơn nữa. 
Tôi thực sự hoang mang khi đọc bản tổng kết năm học của con. Về nội dung con viết không hề sai. Nhưng lối hành văn rất lạ. Quan trọng hơn là thái độ của con khi nộp tổng kết cho cô rất nghiêm túc. Con còn dặn tôi nhớ phải đọc kỹ và cho lời khuyên cuối bản.
Tôi phân vân suy nghĩ, nếu đưa cho mẹ con đọc thì tôi lo mẹ con buồn. Nếu nhắc nhở con về lối viết thì quả thật tôi không biết nhắc thế nào cho phải, vì con rất nghiêm túc, và cũng không có gì sai, dường như con không có ý đùa trong cách viết. Tôi định nhờ một vài cô giáo tư vấn nhưng tôi ngại nhiều người biết sẽ khiến con phản ứng không có lợi và biết đâu đó lại thêm những suy nghĩ định kiến...

Con muốn... thử thách cô!

Cuối cùng tôi quyết định hỏi con trực tiếp: “Tại sao con lại viết bản tổng kết như sớ tấu lên vua vậy?”, sau 1 phút ngẫm nghĩ con nói: “Con muốn khác biệt, con muốn cô chú ý tới con!”
Ồ tất nhiên rồi, nút thắt được gỡ rất đơn giản! Bất ngờ tôi và con cùng cười và từ đó trở đi mỗi ngày một lý do tôi gần gũi, thân thiết với V.A hơn. Tôi chịu khó nghe những câu chuyện trong những cuốn dày cộp con đọc và kể lại cho tôi nghe. Thú thật, nhiều lần tôi cũng chẳng hiểu con kể gì nhưng tôi vẫn nghe, nghe hoài, nghe mãi…
Sự cởi mở chân tình, và sự lắng nghe của tôi khiến con vui hơn, hoà nhập với bạn bè, cả lớp ai cũng yêu quý con. Con đã có lần nói với tôi rằng, đôi khi con muốn thử thách sự kiên trì và kiểm chứng cách đối nhân xử thế của tôi trong mọi tình huống… và con kết luận: Tất cả đều ổn! Tôi rất bất ngờ về những suy nghĩ của con, và tôi đã may mắn với kết luận đó!!!
Hôm 8.3 vừa qua, con viết một bưu thiếp tặng tôi với dòng chữ: “Yêu thương cho dịu mát tâm hồn - Kính tặng cô!”. Tôi vô cùng hạnh phúc với tấm bưu thiếp đó.
Tất cả những gì thuộc về V.A của ngày hôm nay tôi đã viết trong bức thư giới thiệu con đi du học trường University of Rennes1. Đây là một trường đào tạo về máy móc thiết bị y tế và thiết bị kiểm toán.
Trong bức thư đó, câu đầu tiên tôi đã viết: “Tôi cảm thấy tự hào vì có một học sinh như Nguyễn V.A”…
Hiện nay, V.A đã hoàn thiện hồ sơ du học Pháp, chỉ còn 3 tháng nữa, thi xong tốt nghiệp THPT là con lên đường. Chuyến tàu thanh xuân đã đợi sẵn ở sân ga, con chắc hẳn cũng rất háo hức. Thanh xuân của V.A chắc chắn sẽ là hạnh phúc của cha mẹ con và hạnh phúc của cả tôi nữa".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.