Học trò trong góc khuất cô độc: Đừng phụ thuộc vào nỗ lực đơn lẻ

19/12/2015 08:10 GMT+7

Nhiều chuyên gia chỉ cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của gia đình, nhà trường thì về lâu dài để thay đổi cách nhìn nhận, đối xử với học sinh khác biệt về giới tính, cần có những chính sách mang tính bắt buộc trong chương trình giáo dục.

Nhiều chuyên gia chỉ cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của gia đình, nhà trường thì về lâu dài để thay đổi cách nhìn nhận, đối xử với học sinh khác biệt về giới tính, cần có những chính sách mang tính bắt buộc trong chương trình giáo dục.

Chương trình giao lưu, chia sẻ kiến thức về LGBT của NextGEN với học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) - Ảnh: Hoàng MinhChương trình giao lưu, chia sẻ kiến thức về LGBT của NextGEN với học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) - Ảnh: Hoàng Minh
Tôn trọng sự đa dạng
Lê Vũ Hoàng Minh, thành viên của NextGEN - mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ hoạt động vì quyền LGBT (người đồng tính luyến ái, song tính luyến ái và người chuyển giới), Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), mới đây tổ chức chương trình giao lưu và trang bị kiến thức cho học sinh (HS) Trường THPT Việt Đức, Hà Nội về LGBT.
Hoàng Minh chia sẻ: “Tâm lý chung vẫn còn nhìn nhận LGBT là một dạng... bệnh và chúng tôi muốn các bạn hiểu rõ rằng đó không phải là một loại bệnh. Chương trình giao lưu như vậy không chỉ nhằm giúp các bạn trẻ hiểu những lý thuyết cơ bản nhất về LGBT mà còn có các hoạt động, trò chơi để các bạn trải nghiệm cảm giác của đối tượng bị coi là thiểu số, bị nhìn nhận là “khác người”, dị biệt và không tìm thấy “đồng đội” ngay trong chính cộng đồng mình đang sống như thế nào. Từ đó mong muốn các bạn trẻ nhìn nhận về LGBT một cách hiểu biết và chia sẻ hơn”. Minh nói thêm: “Xuyên suốt những buổi giao lưu ấy, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp rằng đồng tính, song tính, dị tính đều là những xu hướng tính dục tự nhiên và chúng ta nên tôn trọng sự đa dạng đó”.
Coi trọng và nhân rộng tư vấn tâm lý học đường
Xung quanh vấn đề giáo dục giới tính cho HS, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đưa vào nhiều hơn những kiến thức gắn liền với thực tiễn, trong đó có vấn đề giáo dục giới tính cho HS. Đồng thời đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, thông qua trải nghiệm, qua các trò chơi... để HS dễ hiểu”. Ông Hiển cũng khẳng định, hoạt động tư vấn tâm lý học đường cũng sẽ ngày càng phải được coi trọng và nhân rộng hơn.
Theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện iSEE, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh từ ngày 17.5.1990. Chính vì vậy, đồng tính không phải là bệnh, không cần phải chữa. Đồng tính không phải do “lỗi” của cha mẹ, không phải là sự lựa chọn của con, không ai tự quyết định được xu hướng tình dục của mình. Hơn nữa, những cố gắng chữa trị bằng tâm lý, bằng ép buộc còn gây ra hậu quả nghiêm trọng khác cho người đồng tính cũng như gia đình họ.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDC), người đã có hàng chục năm nghiên cứu, đấu tranh về quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT, nhận định: “Thường thì con người có xu hướng phê phán cái gì mình không biết, thấy lạ. Ngay cả trong chuyện thời trang, nếu không quen thì người ta chê, món ăn cũng tương tự nên việc hai người cùng giới yêu nhau họ cũng chê bai và cho rằng có vấn đề”.
Theo bà Hồng: “Nhiều người thiếu hiểu biết, cho rằng những người LGBT là a dua, bắt chước. Đây là sự áp đặt không đúng. Quan niệm như thế hoàn toàn sai lầm. Người đồng tính chịu rất nhiều thiệt thòi. Không ai muốn mình trở thành cái gì đó kỳ quặc để bị dè bỉu, kỳ thị. Họ cũng là con người, họ cần sống đúng với bản chất thật của mình”. Cùng quan điểm này, ông Lê Quang Bình cho rằng nhiều người thắc mắc là tại sao trước đây không thấy người LGBT nhưng hiện nay lại nhiều đến như vậy. Có phải do a dua, đua đòi hay lây lan không? Theo ông Bình, việc nhiều người công khai giới tính thật so với trước là do quan niệm về vấn đề này đã thay đổi.
Cần đưa vào chương trình giáo dục
Các nhà nghiên cứu đều cho biết bạo lực và phân biệt đối xử với thanh thiếu niên LGBT trong nhà trường là một vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần và tâm lý của họ.
Tuy nhiên, bà Lê Thanh Mai, Viện Khoa học giáo dục VN, cho biết vấn đề về đa dạng tình dục chưa được đưa vào chương trình giáo dục cho HS, sinh viên. HS hiện nay còn thiếu hụt về kỹ năng sống nói chung và kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục, người đồng tính... nói riêng. Bà Mai cho rằng sau 2015 các nội dung này có thể được xây dựng và đưa vào chương trình giáo dục chính thức nhưng hiện nay các trường và giáo viên hoàn toàn có thể đưa những nội dung này vào các bài học mang tính lồng ghép cho HS. Chẳng hạn, khi dạy về phạm trù đạo đức với nội dung tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt, thì giáo viên có thể lồng các nội dung về người LGBT vào và đưa ra các tình huống để HS suy ngẫm, thảo luận.
Còn ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường cần phải được coi trọng và quy định bắt buộc, ít nhất là như phòng y tế trường học hiện nay. Có quy định như vậy thì mới có thể tuyển được chuyên gia tư vấn rồi các trường sư phạm cũng đào tạo về lĩnh vực này để tư vấn mọi vấn đề về tâm lý, về giới... cho HS, để tất cả các em có nhìn nhận đúng và hiểu biết về vấn đề này. Tránh phân biệt đối xử, kỳ thị với bạn bè.
Tiến sĩ Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho rằng lứa tuổi 13 - 14 là thời điểm thích hợp để được trao đổi về đồng tính. Tuy nhiên, theo ông Nam, cần tiếp cận vấn đề này một cách khéo léo và nhân văn, lồng ghép vào các hoạt động khác nhau chứ nếu chỉ đưa vào sách vở như bài học lý thuyết khô cứng sẽ không hiệu quả.
Lê Vũ Hoàng Minh cho hay hiện đang cố gắng để đưa chương trình giao lưu, phổ biến kiến thức về LGBT đến nhiều trường THPT hơn nữa. Tuy nhiên, có một thực tế là các trường còn khá e dè trước đề nghị này.
Gần 70% bố, mẹ không cho con chơi với bạn là LGBT
Kết quả từ một nghiên cứu gần đây của Bộ GD-ĐT và UNESCO về bạo lực trên cơ sở giới liên quan đến nhà trường tại 6 tỉnh, thành phố của VN cho thấy 19% HS vẫn coi việc trêu chọc, bắt nạt các bạn LGBT là “trò đùa vô hại”. Hầu hết các em LGBT tham gia phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm đều trả lời mình đã từng ít nhất một lần bị bạo lực về mặt tinh thần trong nhà trường như bị nói xấu, kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc cô lập.
Một nghiên cứu về sự kỳ thị của xã hội với LGBT do iSEE thực hiện cho thấy gần 70% bố, mẹ cho rằng nếu biết con mình có bạn là LGBT thì sẽ cấm không cho chơi. Sự kỳ thị nặng hơn có thể là bị đánh đập, cấm đoán, nhốt trong nhà không cho đi chơi, thậm chí là xích con lại. Những hành vi như vậy là vi phạm pháp luật, nhưng nhiều người lại không nghĩ vậy và cho rằng như thế sẽ tốt cho con của họ hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.