Học trò trong góc khuất cô độc: Cần một 'ngôi trường cầu vồng'

18/12/2015 05:26 GMT+7

Trong khi hầu hết các trường giữ thái độ khắt khe với những học sinh có sự khác biệt về giới tính thì có một ngôi trường không những chấp nhận mà còn tạo cho học sinh môi trường học tập thân thiện.

Trong khi hầu hết các trường giữ thái độ khắt khe với những học sinh có sự khác biệt về giới tính thì có một ngôi trường không những chấp nhận mà còn tạo cho học sinh môi trường học tập thân thiện.

Bộ ảnh chủ đề “Giới tính không quyết định đồng phục” - Ảnh: Huỳnh Trí ViễnBộ ảnh chủ đề “Giới tính không quyết định đồng phục” - Ảnh: Huỳnh Trí Viễn
Đồng phục không quyết định giới tính
Tôi nghĩ đồng phục là để xóa đi khoảng cách giàu nghèo giữa các HS, thể hiện sự ngăn nắp gọn gàng chứ tôi không nghĩ nó quyết định nhiều tới nhân cách của các em. Nếu chỉ vì bộ đồng phục mà khiến những em LGBT phải bỏ học, phải khổ sở thì có nên mở lòng không?
VÕ ĐỨC CHỈNH - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, TP.Cần Thơ
Từng trải qua những năm tháng là học sinh (HS) và từng khát khao được mặc đồng phục đúng với giới tính thật của mình, Huỳnh Trí Viễn (sinh viên Trường ĐH FPT), cũng là một người thuộc giới LGBT (người đồng tính luyến ái, song tính luyến ái và người chuyển giới), muốn thực hiện một bộ ảnh chủ đề “Giới tính không quyết định đồng phục” với mong muốn xóa nhòa sự phân biệt về giới tính thứ ba.
Tuy nhiên, việc thực hiện bộ ảnh không hề thuận lợi. Viễn cho biết: “Khó khăn nhất khi thực hiện bộ ảnh là khâu tìm người mẫu, thuyết phục các HS tham gia chụp ảnh. Một vài bạn đồng ý, nhưng gặp phải sự phản đối gay gắt từ phía nhà trường. Nhiều trường còn thẳng thắn nói HS nếu có mặt trong bộ ảnh đó dù có thấy logo trường hay không thì vẫn bị đuổi học...”.
Đối lập với thái độ chung ấy của lãnh đạo nhiều trường, ông Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, đã có những hoạt động tích cực tạo lòng tin cho nhóm HS thuộc LGBT trong trường. Ông tạo điều kiện cho HS được sống đúng với giới tính thật. Việc làm đầu tiên là cho HS được phép mặc đồng phục đúng với giới tính.
“Tôi về trường năm 2012. Tôi bắt đầu tham gia Facebook để tạo cầu nối với HS. Cũng từ đó tôi nghe được nguyện vọng tha thiết của các em LGBT trong trường: Con và rất nhiều bạn cũng muốn sinh hoạt dưới cờ. Nhưng con không mặc áo dài, hay nói khác đi là rất ngại mặc áo dài... nếu được mặc đồng phục nam, con hứa sẽ sinh hoạt năng nổ”, ông Chỉnh nhớ lại.
Tiên phong và tạo nguồn cảm hứng
Trường THPT Nguyễn Việt Hồng là trường đầu tiên ở TP.Cần Thơ mời ICS (Tổ chức Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại VN) thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ về LGBT với HS của trường. Từ đó, tạo nguồn cảm hứng và sự động viên to lớn cho những trường khác có những buổi chia sẻ tương tự. Nhờ những hoạt động tích cực này, Trường Nguyễn Việt Hồng cùng 2 trường THPT khác là Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) được đề cử trong danh sách trường học cầu vồng. Bên cạnh đó, câu chuyện của ông Võ Đức Chỉnh cũng được đề cử trong hạng mục “Câu chuyện truyền cảm hứng của năm”. Ông được xem là nhà giáo tiên phong trong việc bảo vệ học trò là LGBT tại TP.Cần Thơ.
Quan sát nhiều hơn, ông Chỉnh thấy cứ tới giờ sinh hoạt dưới cờ là các em LGBT trốn ở căn tin hoặc ở bên ngoài không sinh hoạt. “Từ đó, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi nghĩ đồng phục là để xóa đi khoảng cách giàu nghèo giữa các HS, thể hiện sự ngăn nắp gọn gàng chứ tôi không nghĩ nó quyết định nhiều tới nhân cách của các em. Nếu chỉ vì bộ đồng phục mà khiến những em LGBT phải bỏ học, phải khổ sở thì có nên mở lòng không? Tôi đấu tranh tư tưởng nhiều rồi quyết định chấp nhận cho HS là LGBT mặc đồng phục phù hợp với mình. Điều kiện là các em phải tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt dưới cờ và các hoạt động của trường, lớp”, ông Chỉnh nhớ lại.
Quyết định này của ông bị nhiều giáo viên phản đối. “Họ yêu cầu kiểm tra lập danh sách những HS vi phạm về đồng phục và có hình thức xử lý kỷ luật. Lúc đó, tôi tranh luận rất nhiều, tôi cho rằng nhà trường là nơi để giáo dục chứ không phải là nơi để xử phạt... Thầy cô chủ nhiệm cần nói chuyện và tìm hiểu rõ về các em. Sau đó, mới thành lập đoàn kiểm tra”, ông Chỉnh thẳng thắn nói.
“Chỉ một thời gian ngắn sau đó phương pháp của tôi đã phát huy hiệu quả. Các em LGBT ngoài việc sinh hoạt dưới cờ đều đặn, còn chú ý lắng nghe thầy cô, năng nổ phát biểu trong sinh hoạt và học tập. Mặc dù không mặc áo dài, nhưng các em vẫn mặc quần tây và áo sơ mi trắng đàng hoàng. HS không còn cảm giác bị cô lập khi ở trường và hơn thế, các em nói cảm thấy yêu thương và quý trọng thầy cô nhiều hơn. Từ đó cho thấy việc giáo dục nhân cách học trò phải theo chiều sâu và lấy giáo dục đạo đức làm trọng”, ông Chỉnh cho biết.
Chỗ dựa cho học trò
Ngoài việc cho phép HS được mặc đồng phục phù hợp giới tính, năm nào Trường Nguyễn Việt Hồng cũng tổ chức tọa đàm về LGBT thu hút nhiều phụ huynh và HS tham gia. Thầy hiệu trưởng là người chủ trì, cùng nhiều nhóm, hội thuộc cộng đồng LGBT ở TP.Cần Thơ hỗ trợ giải đáp các thắc mắc, những trăn trở mà LGBT đang gặp phải...
Từ đây, những câu chuyện về sự biết ơn của nhiều thế hệ học trò là LGBT từ môi trường giáo dục thân thiện này được nhiều người biết đến. Trong đó có câu chuyện về một người LGBT từng là HS cũ của thầy Chỉnh đã vượt qua chính mình để thành công nhờ động lực tinh thần từ thầy.
Ông Chỉnh còn trực tiếp tác động với những phụ huynh khắt khe, cấm đoán khi biết con mình là LGBT. “Lúc trước, trường tôi có một HS nữ thuộc giới tính thứ ba. Em bị ba mẹ phản đối gay gắt. Có hôm vừa tan học bước ra cổng thì mẹ ruột của em đánh tới tấp vì không chấp nhận em là con trai. Biết việc này, tôi đã nhờ hội phụ huynh và trực tiếp khuyên nhủ. Tôi nói thẳng rằng HS này là con họ, nhưng là học trò tôi, theo luật, tôi sẽ kiện chị. Và cuối cùng học trò đã có được sự cảm thông và học hết lớp 12 trong sự bảo vệ của trường”.
Gần đây nhất là trường hợp N.T.D (HS lớp 10A1) vào phút chót quyết định không thi vào trường chuyên để vào Trường Nguyễn Việt Hồng. “Lúc đầu, em cũng khá phân vân không biết lựa chọn của mình có nông nổi, liệu rằng lựa chọn này có đánh mất cơ hội học tập tốt hơn. Tuy nhiên tới giờ phút này, em khẳng định rằng điều đó hoàn toàn đúng. Em tin Trường THPT Nguyễn Việt Hồng cho em nhiều hơn một chương trình nâng cao ở trường chuyên. Ở đây, em không bị kỳ thị. Mọi HS đều bình đẳng. Không ai lấy giới tính để đánh giá HS”.
“Lần đầu tiên trong suốt 10 năm học, em thấy một hiệu trưởng đề cập tới LGBT trước toàn trường bằng một thái độ khách quan. Ở đây, giáo viên cùng các HS thuộc LGBT vượt qua mọi định kiến và kỳ thị”, D. xúc động nói.
Cần triển khai các mô hình tư vấn tâm lý học đường
Các chuyên gia tâm lý cho rằng đừng bao giờ suy nghĩ chờ HS đến tuổi nào đó mới phù hợp để giáo dục giới tính.
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết phòng triển khai cho các trường tổ chức giờ học dưới nhiều hình thức như giao lưu, trò chơi... ngay từ bậc tiểu học. Quận mời các chuyên gia đến nói chuyện, tập huấn để HS có cơ hội khám phá, tìm hiểu kiến thức một cách nhẹ nhàng, không ngượng ngùng khi chia sẻ, đặt câu hỏi thắc mắc về giới tính.
Giáo viên Phòng tư vấn tâm lý của Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) còn chủ động đến với HS. Đầu năm học, trường tổ chức phát phiếu trắc nghiệm với bảng câu hỏi xoay quanh vấn đề tâm lý lứa tuổi. Giáo viên tâm lý có nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin xây dựng nội dung giáo dục cho HS. Trường tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống, giới tính, sức khỏe sinh sản...
Là người trực tiếp thực hiện mô hình giáo dục tâm lý, bà Bùi Thị Kiều, giáo viên Trường THPT Marie Curie, cho biết nguyên nhân khiến trẻ có tâm lý bất ổn, hành vi tiêu cực là cha mẹ ly hôn, áp lực học tập, gặp vấn đề trong quan hệ với bạn bè. Theo bà, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tư vấn tâm lý, triển khai các chương trình phòng ngừa, can thiệp sớm các vấn đề khó khăn HS gặp phải là cần thiết.
B.Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.