Học thời dịch virus corona

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
14/02/2020 07:03 GMT+7

10 giờ 30 sáng, buổi dạy của cô Ngô Thị Tuyết Nhung bắt đầu. Cô bước vào lớp, mang giáo án như thường lệ. Nhưng lớp học vắng ngắt, không một học sinh.

 
Hôm nay lớp học sẽ... chỉ có một mình cô. Tất cả 30 học sinh của cô đang ngồi ở nhà và cô sẽ giảng bài qua máy tính!
Khi tất cả học sinh trên toàn quốc nghỉ học 2 tuần ở nhà, các lớp học đã thay đổi theo một kịch bản không ai có thể tưởng tượng ra trước đó.

Kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử của hàng trăm triệu học sinh Trung Quốc

Những lớp học chỉ một giáo viên và trên YouTube

Cô Ngô Thị Tuyết Nhung là giáo viên chủ nhiệm lớp 2A12, Trường tiểu học - trung học Vinschool Central Park (Q.1, TP.HCM). Lần đầu tiên, cô sẽ dạy học sinh qua hệ thống dạy và học online LMS (Learning Management System) với cách dạy, cách tương tác học sinh hoàn toàn khác biệt.
Cô Nhung bước vào lớp, mở máy tính lên, bắt đầu đăng nhập vào hệ thống LMS do trường cài đặt. Tất cả học sinh của cô cũng bắt đầu ngồi ở nhà, mở máy tính lên, bật webcam để cô có thể quan sát tất cả học trò của mình. Cô bắt đầu lời chào hơi khác với ngày thường: “Chào các em... Các em hãy tập trung vào màn hình và nhìn cho kỹ”.
Cô Nhung dạy về bảng nhân 3. Mỗi phép tính nhân 3, đạo cụ đã được chuẩn bị sẵn như thường ngày. Đó là mảnh giấy màu trắng có 3 chấm đỏ. Cứ thêm một phép tính là thêm một mảnh giấy. Nhưng hôm nay, cô viết số phép nhân lên bảng bằng cách... viết ngược. Vì chỉ có viết ngược thì học sinh của cô nhìn qua webcam mới thấy đúng những con số.
Mỗi lần hỏi gì học sinh, cô Nhung lại lùi ra khỏi bảng, nói to hơn, đứng trước màn hình máy tính. Vẫn là câu hỏi cũ “bạn nào biết thì giơ tay?”. Nhưng học sinh không phải ngồi giơ tay lên như bình thường mà sẽ nhấn vào nút trả lời được thiết kế sẵn trên hệ thống học online. Cô Nhung cũng ra bài tập, quy định tất cả học sinh trả lời trong vòng 2 phút. Và 2 phút này cũng sát từng li, vì cô sử dụng công cụ đếm thời gian bằng máy. Học sinh cứ nhìn thời gian để làm bài tập.

Chủ quán ăn, người giữ xe ế ẩm vì sinh viên làng đại học ăn tết 2 lần

Trong khi đó, ở một phòng học dành cho lớp 6 của trường này, thầy giáo Hoàng Long Trọng, tổ trưởng chuyên môn môn ngữ văn, bước vào lớp. Thầy cũng điểm danh học sinh trên bảng: “Ngày 11.2, sĩ số lớp 30, vắng 9, hiện diện 21”. Nhưng trước mặt thầy cũng không có học sinh nào mà là 21 học sinh đang ngồi trước màn hình máy tính để tham gia tiết học.
Cô Nhung, thầy Trọng đã bắt đầu đến trường dạy từ ngày 10.2 theo lịch của lãnh đạo nhà trường. Việc học bắt đầu như bình thường. Chỉ khác là học sinh ở nhà, giáo viên lên lớp và học qua màn hình máy tính.
Khi có thông tin học sinh nghỉ học vì dịch virus corona, Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) cũng lên phương án ngay cho tất cả các tổ chuyên môn. Có giáo viên soạn bài giảng bằng power point gửi cho từng học sinh, giáo viên gửi bài giảng và ra bài tập để học sinh làm ở nhà. Giáo viên môn ngữ văn quay bài giảng đưa lên YouTube. Mỗi môn sẽ đưa bài giảng lên website của nhà trường theo lịch học cố định.

“Giảng đường ảo”

Sáng ngày 9.2, PGS-TS Đỗ Văn Dũng lên trang Facebook cá nhân “kêu gọi”: "Ngày mai (10.2), sinh viên ngành ô tô của các trường ĐH trong cả nước có thể theo dõi bài giảng của thầy phát trên UTE-TV và UTEX". Đến sáng 10.2, với quần tây, áo sơ mi đồng phục, đeo cà vạt, ông trực tiếp bài giảng trên hệ thống của trường và trang Facebook cá nhân. Bài giảng cũng được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, bớt chữ, nhiều hình ảnh để sinh viên có thể xem rõ nhất. Hơn 33.000 lượt xem với số lượng người xem cùng lúc đạt khoảng 1.000 người.
Giảng viên của rất nhiều trường ĐH khác trên cả nước đã bắt đầu lên “giảng đường ảo” để dạy học trong 2 tuần sinh viên nghỉ học. Có những trường có bề dày hàng chục năm nghiên cứu và triển khai đào tạo trực tuyến như Trường ĐH Mở Hà Nội còn triển khai những lớp học Vclass với hệ thống công nghệ đủ mạnh, cho phép số lượng lớn truy cập hệ thống học liệu điện tử cùng lúc, có khả năng "streaming video" để giảng viên và người học có thể tương tác trực tuyến.
Những trường ĐH khác như: Công nghệ thông tin TP.HCM, Văn Lang, Quốc tế Hồng Bàng... đã bắt đầu những lớp học online ngay từ đầu tuần này. Bài giảng, bài tập được giảng viên đưa lên hệ thống trực tuyến liên tục để sinh viên tiếp cận, qua đó có thể thảo luận, luyện tập, làm các bài kiểm tra và thi kết thúc học phần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.