Học sinh trường nghề ngán học văn hóa

05/12/2015 07:21 GMT+7

Học sinh tốt nghiệp THCS mà chịu đi học nghề là các trường trung cấp vừa mừng vừa lo. Mừng vì có thêm nguồn tuyển, nhưng lo vì phải tìm đủ cách mới có thể giữ được học sinh ở lại học cho được tấm bằng.

Học sinh tốt nghiệp THCS mà chịu đi học nghề là các trường trung cấp vừa mừng vừa lo. Mừng vì có thêm nguồn tuyển, nhưng lo vì phải tìm đủ cách mới có thể giữ được học sinh ở lại học cho được tấm bằng.

Học sinh trường nghề thích học chuyên ngành hơn các môn văn hóa - Ảnh: Ngọc HàHọc sinh trường nghề thích học chuyên ngành hơn các môn văn hóa - Ảnh: Ngọc Hà
Bỏ học nhiều
Thế Nam (Q.Tân Phú, TP.HCM) học đến lớp 9 thì chán nản, không muốn tiếp tục đi học nữa vì thấy học các môn văn hóa khó quá. Nam chỉ thích đi sửa chữa lắp ráp đồ điện cùng với người anh họ. Hết THCS, Nam không thi lên lớp 10 mà nộp hồ sơ vào Trường CĐ nghề Giao thông vận tải T.Ư 3, ngành điện công nghiệp. Đến khi vào trường, tưởng chỉ học nghề hóa ra phải tiếp tục học các môn văn hóa quy định cho khối kỹ thuật gồm: văn, toán, lý, hóa, tiếng Anh, Nam vừa đuối, vừa nản. Sau do được thầy giáo động viên, được tiếp xúc với những môn chuyên ngành điện xen kẽ với các môn văn hóa, Nam đã ráng theo học. Tuy nhiên, Nam cho biết rất nhiều bạn đã bỏ giữa chừng.
Trường CĐ nghề Giao thông vận tải T.Ư 3 mỗi năm tuyển 200 học sinh (HS) bậc trung cấp, thì có khoảng 100 HS ở độ tuổi 14, 15. Nghĩa là mới tốt nghiệp THCS. Ông Trần Tiến Anh, cán bộ tuyển sinh của trường cho biết: “Tỷ lệ bỏ học của các em này luôn cao hơn, có thời điểm lên đến 50%. Thực chất các em vào trường là vì muốn học nghề, tránh các môn văn hóa nhưng chương trình khung bắt buộc vẫn phải học văn hóa. Lý do là vì theo quy định bằng tốt nghiệp trung cấp nghề có giá trị tương đương với bằng tốt nghiệp THPT để giúp các em có thể học cao lên. Hơn nữa, một số môn chuyên ngành bắt buộc HS phải có kiến thức nền tảng. Ví dụ nghề điện yêu cầu các em phải có kiến thức vật lý lớp 11, 12, nếu không, sẽ không tính toán được”.
Tại Trường trung cấp Ánh Sáng, mỗi năm có khoảng 200 HS tốt nghiệp THCS theo học. Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng, nhìn nhận: “Rõ ràng là các em chán học văn hóa, muốn đi học nghề để không phải học văn hóa nữa. Hoặc các em muốn học tiếp THPT nhưng thi không đậu, nghĩa là học yếu, nên chuyển sang học nghề. HS phải tiếp tục học toán, văn, tiếng Anh và các môn liên quan đến từng chuyên ngành như: sử, địa, sinh, hóa… thì không theo được hoặc thấy chán. Tình trạng bỏ học của các lớp học văn hóa này nhiều hơn hẳn các lớp chuyên ngành”.
Vừa dạy, vừa dỗ, vừa dụ
Là một trường đã từng có kinh nghiệm đào tạo nghề cho HS lớp 9, ông Trần Tấn Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, chia sẻ: “Với những HS đã chán học chữ, trong khi theo quy định các môn văn hóa là bắt buộc, không thể bỏ được, chúng ta phải thiết kế chương trình học dành riêng cho các em, tăng thời lượng thực hành nghề lên. Các môn văn hóa được học xen kẽ với chuyên ngành và phương pháp dạy cũng không thể theo cách hàn lâm. Nên chú trọng dạy nghề nhiều hơn là dạy chữ vì thực tế các em thích học nghề hơn học chữ”.
Ông Nguyễn Trọng Trung, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Công nghệ Bách khoa, cho biết toàn bộ HS của trường đều chỉ mới tốt nghiệp THCS, vì còn nhỏ nên chưa biết định hướng, thích thì học, chán là bỏ, lại không ưa nói nặng nên người thầy phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa… dụ. “Chúng tôi thành lập đội quản sinh, mỗi nhân viên sẽ phụ trách mấy chục em để theo dõi, động viên. Về phương pháp dạy cũng phải khác, luôn tạo sự tò mò, kích thích sự ham hiểu biết ở các em. Trường cũng tăng thời lượng thực hành. Thực tế là đến tiết thực hành HS rất hứng thú. Buổi sáng các em học chuyên môn, chiều học văn hóa nhưng chỉ 3 tiết rất nhẹ nhàng”, ông Trung chia sẻ.
Tại Trường trung cấp nghề Việt Giao, HS lại được học nhóm kể cả các môn văn hóa. Không phải học thuộc lòng, lý thuyết giảm, được khuyến khích trao đổi, thảo luận nên tiết học luôn vui tươi, chương trình được giảm tải khiến học sinh đỡ ngán.
Để giúp HS có thể theo đến cùng chương trình học, ông Đặng Văn Sáng đề xuất: “Bộ nên giảm bớt số tiết văn hóa xuống còn 800 tiết, tập trung vào 2 môn văn, toán. Những môn khác liên quan đến chuyên ngành thì nên đưa vào môn cơ sở ngành. Chẳng hạn ngành du lịch thì học môn lịch sử, y dược thì học sinh, hóa. Hiệu trưởng là người được quyền thiết kế môn nào cần thời lượng bao nhiêu… Như vậy các trường mới có thể tiếp tục tuyển sinh và đào tạo các em HS tốt nghiệp THCS này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.