Học sinh nhảy lầu vì điểm kém: Hãy chấp nhận những hạn chế của con

15/09/2017 21:20 GMT+7

Sau khi đăng bài Học sinh lớp 9 tại TP.HCM nhảy lầu tự tử vì điểm kém , Thanh Niên nhận được rất nhiều chia sẻ, đồng cảm của bạn đọc về áp lực trong học tập, thi cử của học sinh.

Một bạn đọc có tên Đàn Ông SG phản hồi trên Thanh Niên Online: Đọc xong thấy buồn quá, thương cho cháu và thương cho cả ba mẹ của cháu. Mong quý vị phụ huynh không tự gây áp lực cho mình và cho cả con trẻ vì những điểm số nữa. Mình cũng là một phụ huynh đang có 2 con học THCS nên hiểu những tâm tư, tình cảm và ước mong chính đáng của quý vị khi đặt niềm tin và kỳ vọng vào con cái nhưng mong quý vị bớt khắt khe hơn, chấp nhận con trẻ có những hạn chế, những ngu dại theo lứa tuổi non nớt của con để gần con hơn, hiểu, yêu thương và chia sẻ với con nhiều hơn.
Hay bạn đọc tên Thông tâm sự: Tôi cũng là phụ huynh có con trai đã bị như trường hợp này từ áp lực của nhà trường và phụ huynh nhưng rất may con tôi đã vượt qua và thi vào lớp 10 trường công lập. Rất mong phụ huynh không nên tạo áp lực cho con mà hãy để con học hành bình thường tự nhiên như thời của phụ huynh vì cánh cửa đại học không phải là đích đến cuối cùng của cuộc đời.
Bạn đọc Nguyễn Hoang Oanh viết: Mỗi phụ huynh đều mong muốn con mình học giỏi, học hơn bạn cùng lớp, nhưng xin các bậc phụ huynh đừng quá gây áp lực với con em mình. Thầy cô và nhà trường luôn muốn các em tiến bộ, điểm số ở trường luôn được thầy cô công khai, công bằng với tất cả học trò. Mỗi phụ huynh hãy là người bạn tin cậy của con em để con chia sẻ...
Bên cạnh những chia sẻ từ bạn đọc là phụ huynh, chúng tôi cũng nhận được những bộc bạch của học sinh và giáo viên.
T.A.K, học sinh một trường chuyên TP.HCM, chia sẻ: “Thi đậu vào lớp chuyên, em trở thành niềm tự hào cho cả gia đình. Bản thân em lúc đầu cũng rất hào hứng vì đã thi đậu được vào ngôi trường mơ ước. Tuy nhiên, khi vào học rồi em mới biết học ở lớp chuyên rất khổ. Thời gian học gần như kín mít. Kết thúc thời gian học chính khóa chúng em phải lao vào các buổi học chuyên. Tại đây, bạn cùng lớp hầu hết đều giỏi. Vì vậy, mình không muốn học cũng phải học. Không muốn cố cũng phải cố. Không muốn mình bị bỏ lại sau lưng chúng em buộc phải dành toàn bộ thời gian để học. Thậm chí ngày thứ bảy và chủ nhật chúng em cũng không có thời gian để chơi”.
K. cho biết thêm: “Chỉ cần lơ là một thời gian ngắn là chúng em có thể bị bỏ lại rất xa và không cách nào bắt kịp với các bạn cùng lớp. Trường hợp này học sinh rất dễ rơi vào trạng thái bị trầm cảm. Bản thân em cũng từng bị như vậy và cảm thấy rất mệt mỏi”.
Tương tự là trường hợp em N.V.N, học sinh lớp 12 một trường THPT ở Q.1, chia sẻ: “Khi thi lớp 9 xong, ba mẹ em nói để có tương lai thì nhất định phải vào được lớp 10A1 vì lớp này nhiều học sinh giỏi, môi trường học tốt và sẽ được giáo viên quan tâm hơn. Nghe ba mẹ nói vậy thì em cũng cố gắng để học ở lớp này. Tuy nhiên, suốt năm lớp 10 em không cảm thấy vui vẻ...”.
Nói về áp lực học hành của học sinh, cô Phan Thị Trang - giáo viên Trường THPT Lê Xoay, Vĩnh Phúc cho rằng: “Cách thi cử, các kỳ kiểm tra luôn tạo cho học sinh những áp lực. Là giáo viên để giúp hạn chế áp lực cho học sinh thì không nên chỉ chăm chăm vào dạy kiến thức mà nên gần gũi giúp học sinh phát triển tư duy toàn diện. Giáo viên nên dạy cho học sinh cách đối diện với một vấn đề khó và biết cách để thoát ra khỏi áp lực như chia sẻ với bạn bè, với giáo viên và đặc biệt là với người thân trong gia đình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.