Học sinh cuối cấp căng mình ôn thi dù phải nghỉ học vì dịch Covid-19

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
06/05/2021 00:00 GMT+7

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào đúng thời điểm học sinh cuối cấp chuẩn bị bước vào những kỳ thi quan trọng nhất là thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT .

Do vậy, các trường đang phải cố gắng gấp đôi để ôn thi cho học sinh (HS).

Huy động giáo viên giỏi nhất ôn thi trực tuyến

Ghi nhận cho thấy hầu hết HS lớp 9 ở Hà Nội đã hoàn thành bài kiểm tra học kỳ 2 trước kỳ nghỉ lễ 30.4, hiện đang tập trung ôn thi theo hình thức trực tuyến.

Bộ GD-ĐT chưa tính đến phương án lùi lịch thi

 Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Trong thời gian HS không đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, việc học tại các địa phương không bị gián đoạn, các hoạt động dạy học trực tuyến vẫn được duy trì. Do đó, thời gian kết thúc năm học chưa cần điều chỉnh; kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT”.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình (Hà Nội), cho biết ngoài lịch ôn thi trực tuyến cho HS lớp 9 theo từng trường thì quận có tổ chức ôn tập trực tuyến miễn phí mỗi tuần 4 buổi. Cách thức này nhằm giúp HS được những giáo viên (GV) giàu kinh nghiệm nhất của quận hỗ trợ ôn thi. Theo ông Thuận, sau một thời gian triển khai, HS đăng ký học ngày càng đông. GV được huy động ôn tập cho HS dù miễn phí nhưng đã xây dựng những bài giảng rất công phu, phù hợp với việc dạy học từ xa.
Bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết HS khối 9 hiện nay đang duy trì lịch học 4 tiết/ngày và tập trung vào 4 môn thi. Ngoài ra, GV cũng cho HS làm thêm bài tập, đề thi mẫu vào buổi tối để rèn tâm lý thi cử và quen với các dạng bài. Nhà trường không áp dụng buổi học thứ hai trong ngày để các em có thời gian tự học, tự hệ thống lại kiến thức.
Trên một số diễn đàn, không ít ý kiến phụ huynh HS lại tiếp tục đề xuất Hà Nội giảm bớt môn thi thứ tư để HS năm nay bớt áp lực và thiệt thòi. Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định đến thời điểm này các môn thi, lịch thi, thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi vẫn giữ nguyên như hướng dẫn đã công bố, chưa có bất cứ thay đổi nào.

Mong đề thi phù hợp thực tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

HS lớp 9 và lớp 12 năm nay đều đã trải qua 2 năm liền dịch bệnh. Năm học trước do phải nghỉ học kéo dài nên Bộ GD-ĐT đã ra văn bản hướng dẫn giảm tải khá nhiều kiến thức trong chương trình, có những bài học đã được cắt bỏ hẳn, không dạy; không ít nội dung bắt buộc chuyển sang tự chọn... Năm nay, dù mỗi đợt nghỉ không quá dài như năm trước, nhưng trên thực tế, trong 1 năm học, HS đã chịu ít nhất 2 lần ảnh hưởng của dịch Covid-19 (tháng 2 và tháng 5.2021). Chính vì vậy, các trường và HS đều cho rằng nội dung đề thi phải tính đến các yếu tố này để không làm khó cho thí sinh ở cả 2 kỳ thi.

Tiếp nhận đăng ký dự thi theo kiểu giãn cách

Với kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội, quy định của Sở GD-ĐT là các trường THCS bắt đầu tổ chức thu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 từ ngày 12.5. Sau khi rà soát, tổng hợp, ngày 14.5 các đơn vị, trường học nộp phiếu đăng ký dự tuyển về các phòng GD-ĐT. Tuy nhiên, không ít trường THCS cho biết vì dịch bệnh phức tạp, không thể biết ngày 12.5 HS đã có thể trở lại trường được chưa, nên các trường đã xếp lịch để bắt đầu thu phiếu đăng ký dần ngay từ thời điểm này theo ca.

Tương tự, với kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngày 11.5 là hạn cuối đăng ký dự thi. Do vậy, việc phải tạm dừng đến trường thời điểm này cũng khiến các trường THPT phải có phương án hỗ trợ HS hoàn thiện việc đăng ký. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết 100% HS của trường chọn hình thức đăng ký xét tuyển ĐH trực tuyến, nên năm nay ngay từ những ngày đầu tiên đã hoàn thành đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Với đề thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi (Sở GD-ĐT Hà Nội), khẳng định nội dung đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành của Bộ
GD-ĐT, theo hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT ban hành trong đợt dịch Covid-19 năm 2020... nên nguyên tắc là nội dung đề thi sẽ không có trong những phần đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn giảm tải.
Với môn thi thứ tư khiến nhiều phụ huynh, HS lo lắng, ông Toản cũng khẳng định đề thi môn ngoại ngữ và môn lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng thấp, do vậy sẽ chỉ như một bài kiểm tra thông thường.
Ở kỳ thi THPT, đề tham khảo năm nay do Bộ GD-ĐT công bố đầu tháng 4 vừa qua được nhiều GV có chung nhận xét: cấu trúc đề thi quen thuộc, mức độ vận dụng và vận dụng thấp chiếm tới trên 70% ở hầu hết các môn thi.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết việc xây dựng đề tham khảo vừa qua cũng như đề thi chính thức thì mức độ của đề thi cũng đã có sự tính toán để phù hợp với điều kiện ôn thi của HS cả nước, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh 2 năm liền, trong đó tính đến một mặt bằng chung để đảm bảo không gây sự bất bình đẳng, lo lắng cho HS và GV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.