Học sinh có được chọn môn học theo sở thích?

Số môn học sinh phải học, xuất hiện các môn học mới, quyền lựa chọn của học sinh, có chắc chắn sẽ bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không...

Đó là những nội dung mà báo chí đặc biệt quan tâm trong cuộc họp báo giới thiệu dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, diễn ra chiều 12.4.
Chủ trì cuộc họp là bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, và GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phân hóa mạnh mà vẫn còn 9 môn học bắt buộc !
Dù chủ trương phân hóa mạnh, giảm tối đa số môn học bắt buộc khi học sinh (HS) học đến lớp 11, 12, tuy nhiên theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, HS những lớp này vẫn phải học tới 6 môn học bắt buộc và 3 trong số các môn học tự chọn bắt buộc.
Tại cuộc họp báo, PV Thanh Niên đặt vấn đề: “Với 9 môn học bắt buộc như vậy thì có đi ngược với chủ trương phân hóa mạnh ở cấp THPT hay không?”. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Chúng tôi cố gắng thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, trong đó quy định giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) bảo đảm trang bị tri thức nền tảng cho HS, chuẩn bị cho HS phân luồng sau THCS. Còn giáo dục THPT bảo đảm cho HS tiếp cận với nghề nghiệp, chuẩn bị học có chất lượng sau THPT. Do vậy giáo dục THPT tạo điều kiện để HS tập trung vào những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em”.
Cũng theo GS Thuyết, trong 6 môn học bắt buộc thì có những môn giáo dục thể chất, giáo dục an ninh quốc phòng và trải nghiệm sáng tạo thời lượng học tập ít, không gây quá tải cho HS. Còn lại môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 3 môn tự chọn bắt buộc. “Đúng là chúng tôi có cả dự kiến đưa ngữ văn và toán vào tự chọn bắt buộc chứ không phải là bắt buộc. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế thì phần lớn đều nhận được lời khuyên đây là 2 môn ít có chương trình nước nào không dạy đến lớp 12, nên ở dự thảo này chúng tôi quyết định đưa vào môn học bắt buộc”.
Không thể giành của học sinh quyền chọn môn học !
PV Thanh Niên tiếp tục đặt câu hỏi: “Với các môn học tự chọn bắt buộc, liệu HS có được thật sự tự chọn môn học theo năng lực, sở thích của mình hay phải tự chọn theo điều kiện dạy học của nhà trường như chương trình hiện hành?”. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc dự thảo đưa ra những môn học tự chọn bắt buộc là một bước mới. “Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều việc nên quy định sẵn tổ hợp các môn để HS tự chọn hay tự chọn từng môn? Sau đó chúng tôi đã đi đến thống nhất là nên để HS chọn từng môn sẽ tốt hơn với điều kiện phải chọn tối thiểu 3 trong số các môn tự chọn bắt buộc. Đổi mới giáo dục phổ thông là hình thành những con người tự chủ, tự học mà bây giờ có mỗi cái quyền quyết định học môn nào mà chúng ta cũng giành của các em thì không thể được”, ông Thuyết nhấn mạnh.
GS Thuyết cũng cho biết trước khi đưa ra quyết định, đã tiến hành điều tra bằng phiếu hỏi trên mạng với 2.749 HS của 5 trường THPT của Hà Nội, Nam Định và Hưng Yên. Kết quả là HS chọn môn rất tập trung, không có môn nào dưới vài chục HS chọn. Môn cao nhất là toán, ngoại ngữ, ngữ văn có khoảng 1.000 HS chọn. Sắp tới sẽ xin phép thực hiện điều tra nội dung này trên phạm vi toàn quốc.
Với những môn học lần đầu xuất hiện ở cấp THPT như: mỹ thuật, âm nhạc, PV Thanh Niên băn khoăn về kế hoạch tuyển dụng và nguồn tuyển giáo viên những môn này ra sao. GS Thuyết trả lời: “Hiện nay cả nước có 2.700 trường THPT, chỉ cần mỗi trường thêm một giáo viên mỹ thuật, một giáo viên âm nhạc thì chúng ta cần tối thiểu 5.400 giáo viên. Về nguồn tuyển, tôi cho rằng không phải lo. Hiện nay chúng ta có nhiều trường ĐH đào tạo âm nhạc, mỹ thuật, khi cần giáo viên các môn này thì chúng ta có thể lấy từ đó”.
Điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên để thực hiện thành công chương trình mới cũng là điều mà nhiều PV quan tâm đặt câu hỏi. Theo GS Thuyết, chương trình không chỉ là văn bản pháp lý mà là cam kết của nhà nước về chất lượng giáo dục phổ thông. Nhà nước không chỉ là Chính phủ, là Bộ GD-ĐT… mà còn là cấp ủy, chính quyền các địa phương.
PV Thanh Niên đặt vấn đề, nếu là cam kết của nhà nước về chất lượng, thì liệu có cơ chế nào quy định chỉ có những nơi nào đủ điều kiện thì mới cho phép triển khai, chẳng hạn như nếu lớp nào sĩ số lớp học vượt quá 35 HS (với tiểu học) thì không được thực hiện chương trình mới? GS Thuyết cho rằng hiện điều lệ trường tiểu học quy định lớp học không quá 35 em, việc để cho lớp học quá 35 em là vấn đề quản lý. GS Thuyết chia sẻ và cho rằng do triển khai chương trình theo hình thức cuốn chiếu nên các địa phương có thể chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
PV Thanh Niên đặt câu hỏi với Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: “Bộ có quyết tâm rằng các địa phương đảm bảo đủ điều kiện thì Bộ mới thực hiện chương trình mới?”. Tuy nhiên, bà Nghĩa không trả lời.
Cơ quan quản lý nhà nước có biên soạn sgk ?
PV Thanh Niên hỏi: “Hiện đã có bao nhiêu tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa (SGK)? Một số sở GD-ĐT đã tuyên bố sẽ biên soạn SGK, điều này có được phép?”. GS Thuyết cho biết vì Bộ chưa ra thông báo mời nên chưa thấy có đăng ký nào, nhưng ông biết hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân đang chuẩn bị, khi Bộ có lời mời thì họ sẽ sẵn sàng.
Về việc cơ quan quản lý nhà nước có được làm SGK không thì hiện nay chưa có câu trả lời chính thức. Tuy nhiên, theo GS Thuyết, hiện Bộ đang chỉ đạo các đơn vị tham mưu soạn thảo thông tư về tổ chức cá nhân biên soạn SGK, tiêu chuẩn SGK... Lãnh đạo Bộ có quan điểm là các cơ quan quản lý nhà nước không đứng ra tổ chức biên soạn. “Bởi vì nếu bây giờ một sở GD-ĐT đứng ra tổ chức biên soạn thì các trường nằm trong địa bàn mà sở đó quản lý nhà nước chung sẽ không còn quyền để lựa chọn. Rồi các sở khác cũng đăng ký thì liệu có tạo thành “63 sứ quân” trong việc sử dụng SGK?”, GS Thuyết đặt vấn đề.

tin liên quan

Hướng đi nào cho học sinh tốt nghiệp THCS?
Tốt nghiệp THCS, học sinh có nhiều lựa chọn khác nhau để bước vào đời. Tuy nhiên phụ huynh nên cân nhắc các phương án để có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện cụ thể của từng gia đình và bản thân học sinh.
Có bỏ kỳ thi tốt nghiệp khi thực hiện chương trình mới?
Một trong 3 hình thức đánh giá mà dự thảo chương trình mới đặt ra, đó là HS hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tại cuộc họp báo, PV Thanh Niên đặt câu hỏi: “Lãnh đạo Bộ có khẳng định là khi thực hiện chương trình mới sẽ bỏ kỳ thi THPT quốc gia hay không?”.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay lãnh đạo Bộ đã phân công Vụ Giáo dục trung học chủ trì, phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông nghiên cứu, đề xuất lộ trình đổi mới đánh giá kết quả giáo dục và xét tốt nghiệp khi triển khai chương trình mới. Bộ trưởng cũng khẳng định từ nay đến năm 2020 sẽ giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia.
GS Thuyết chia sẻ: “Nếu dạy học theo chương trình mới, HS học qua trải nghiệm thực tế nhiều hơn, giải các bài toán thực tế thì sau này các trường có thể tự tổ chức các môn thi theo hình thức như vậy, giao cho HS những đề án nghiên cứu và nếu HS thực hiện tốt các đề án đó thì được tính điểm tốt. Khi HS tích lũy đủ điểm cho từng môn học thì các em sẽ được xét tốt nghiệp THPT chứ không phải nhất thiết lúc nào cũng thi tập trung vào kiểm tra lý thuyết và kỹ năng giải bài tập”.
Cố gắng tháng 9 tới ban hành chương trình
Dự kiến chương trình mới sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2018 - 2019. Liệu ngành GD-ĐT có kịp thực hiện? GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết ông cùng các cộng sự đang làm hết khả năng để làm sao tháng 9 tới kịp ban hành chương trình giáo dục phổ thông toàn bộ các môn học. “Song song với việc làm chương trình này, chúng tôi kiến nghị với Bộ khoảng 1 - 2 tháng nữa Bộ cho công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thông báo mời các tác giả đăng ký viết SGK. Sau đó những người có ý muốn viết SGK sẽ thường xuyên liên hệ với ban soạn thảo chương trình để có những thông tin mới nhất về chương trình và viết SGK”, GS Thuyết nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.