Học sinh chán vì cách kiểm tra cũ kỹ

Bích Thanh
Bích Thanh
25/12/2019 08:32 GMT+7

Từ những đổi mới trong đề kiểm tra ngữ văn học kỳ 1 lớp 12 ở TP.Đà Nẵng vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng sự đa dạng trong đánh giá của giáo viên sẽ khiến việc học tập trở thành sự hứng khởi với học sinh.

 

Cần một “cuộc chơi mới”

Xuất phát từ chính thực tế, học sinh (HS) tiếp xúc với cái mới hằng ngày, hằng giờ nên theo giáo viên Nguyễn Thị Hiền, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) nhìn nhận, nếu việc học cứ theo kiểu truyền thống, hình thức kiểm tra sáo mòn, đơn điệu sẽ khiến HS thấy nhàm chán. Chính vì vậy, đòi hỏi giáo viên phải chủ động dẫn dắt HS vào một “cuộc chơi mới”, khuyến khích các em mạnh dạn thể hiện tư duy sáng tạo, chính kiến và tôn trọng mọi góc nhìn.
Giáo viên của Trường THCS Nguyễn Du cũng thẳng thắn nói chẳng hạn ở môn ngữ văn, với những bài giảng sử dụng từ năm này qua năm khác, đề kiểm tra chung chung, câu hỏi tập trung kiểm tra kiến thức với đáp án khuôn mẫu bó hẹp vào chừng đó ý chỉ giúp việc dạy của giáo viên nhẹ nhàng, đơn giản. Còn HS sẽ trở thành cái máy học, học thuộc để trả lời đủ ý mà không có động lực chờ đợi trước một tiết học mới. Vì vậy, cô Nguyễn Thị Hiền cho rằng đề mở cùng đáp án mở là một xu thế cần hướng đến để kéo HS gần với môn học.

Giáo viên có thể sử dụng cách đánh giá khác

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết từ năm học 2019 - 2020, sở yêu cầu các trường tăng cường đổi mới mạnh mẽ kiểm tra đánh giá trong nhà trường. Trước hết, cần đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, đánh giá qua hồ sơ học tập, đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập… Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành. Nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên cần có kế hoạch chi tiết, rõ ràng, đầy đủ và thực hiện theo đúng các quy định về chuyên môn của sở trong đổi mới kiểm tra đánh giá của đơn vị. Kết hợp một cách hợp lý giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra, tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn…
“Đề mở tạo điều kiện cho các em quyền thể hiện và bảo vệ ý kiến của mình một cách hợp lý trước những vấn đề đang xuất hiện trong đời sống xã hội. Từ đó, giáo viên tôn trọng và cũng cần thể hiện năng lực thẩm định, đánh giá mọi góc nhìn, mọi suy nghĩ mà học trò đưa ra”, cô Hiền nhận định.

Yêu cầu khác khi ra đề thi

Cũng quan điểm cần thiết có sự đa dạng trong hình thức kiểm tra đánh giá HS, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), chia sẻ: “Hằng ngày không chỉ tiếp xúc với những con số, công thức toán học, hóa học, vật lý mà còn thêm những sự kiện với những con số khô khan của các môn lịch sử, địa lý phần nào dẫn đến việc học trò không hứng thú. Vậy thì cớ sao chúng ta không giúp việc học những môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội trở nên mềm mại như tên gọi vốn có của nó”.
Chẳng hạn, cũng là kiểm tra kiến thức về lịch sử, địa lý của các nước khu vực ASEAN nhưng thầy Đăng Du đưa ra một yêu cầu khác hẳn với những bài kiểm tra thông thường đó là: “Hãy thiết kế một hành trình dài 4 ngày để khám phá, chinh phục các di tích lịch sử của một trong các nước ASEAN (ngoại trừ VN)”.
Vì vậy, tùy vào sở thích, mỗi nhóm HS xây dựng kế hoạch khám phá các vùng đất khác nhau, thể hiện những hiểu biết không chỉ là lịch sử mà còn là văn hóa, phong tục tập quán trong tâm thế bản thân sắp trải nghiệm.
Qua đề kiểm tra này, H.N.M.A, lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, nói rằng bản thân và các bạn trong lớp đều thích thú với cách ra đề mới, vừa thực tế mà lại giúp người học thể hiện kiến thức dựa trên sở thích và cảm xúc. Và hơn hết đó là sự thôi thúc mở rộng vốn kiến thức mình đang có để làm phong phú kế hoạch khám phá của mình.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), cũng nói rằng việc đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp với định hướng đa dạng hoạt động giáo dục, phù hợp với định hướng giáo viên đổi mới về phương pháp dạy mà ngành giáo dục đang đặt ra.
Ông Bình nói: “Đổi mới về phương pháp giảng dạy, bắt buộc phải đổi mới về kiểm tra đánh giá vì nếu không khớp nhau sẽ khiến HS mất hứng thú trong việc học. Điều cần thiết là giáo viên chủ động trong việc xây dựng nội dung bài dạy gắn liền với việc kiểm tra đánh giá. Tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để HS được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.