Học phí ĐH Quốc gia sẽ tăng mạnh

Hà Ánh
Hà Ánh
04/01/2019 07:32 GMT+7

ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiến dần đến tự chủ với toàn bộ cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống ĐH này từ nay đến năm 2020.

Một trong những hoạt động triển khai trong năm 2019 là điều chỉnh học phí theo quy định của nhà nước và hướng chất lượng đào tạo phù hợp. Đồng thời có chính sách cụ thể và khả thi hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Thông tin này được nêu ra trong Hội nghị thường niên ĐH Quốc gia TP.HCM sáng 3.1.

40% tổng số thu từ học phí

Theo báo cáo của ĐH Quốc gia TP.HCM, tại hội nghị này, học phí vẫn là nguồn thu chính của các đơn vị thành viên trong giai đoạn 2013 - 2017, đạt khoảng 562 - 784 tỉ đồng/năm, chiếm khoảng 40% tổng số thu của đơn vị.
Trong khi đó, mỗi năm các trường thành viên thu khoảng 320 - 410 tỉ đồng từ hoạt động dịch vụ và sản xuất kinh doanh, trong đó gồm cả hoạt động chuyển giao công nghệ (chiếm khoảng 19 - 22% tổng thu đơn vị). Nguồn thu còn lại là ngân sách nhà nước cấp, khoảng 25 - 35% tổng nguồn thu để chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH này, cho biết một trong những phương hướng phát triển của ĐH này giai đoạn tới là thực hiện tự chủ học thuật, quản trị và tài chính. Trong đó, việc tự chủ phải gắn với đổi mới sáng tạo và tinh gọn bộ máy.
Cùng với đổi mới này, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ điều chỉnh học phí theo các quy định của nhà nước và theo hướng chất lượng đào tạo phù hợp với mức học phí. Bên cạnh đó có các chính sách cụ thể và khả thi hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
Nếu đề án tự chủ được phê duyệt, Trường ĐH Công nghệ thông tin dự kiến sẽ tăng mạnh học phí trong giai đoạn tới. Cụ thể, hệ đại trà sinh viên sẽ đóng học phí khoảng 18 triệu đồng/năm (năm học 2019 - 2020), tăng dần lên 20 triệu đồng/năm (2020 - 2021) và 22 triệu đồng (2021 - 2022). Mức học phí dự kiến này cũng tăng mạnh với các hệ đào tạo khác, trong đó chương trình tiên tiến có mức tăng mạnh nhất dự kiến tới 45 triệu đồng/năm (với năm học 2021 - 2022).
Trường ĐH Bách khoa dự kiến mức học phí tối đa khi đề án tự chủ được duyệt cao hơn 2,5 lần so với học phí hệ đại trà hiện nay. Tuy nhiên, học phí tăng theo lộ trình, sinh viên các khóa cũ học phí tăng tối đa 30%.
Còn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thì dự kiến có 5 - 6 ngành sẽ áp dụng đồng thời cả 2 chương trình đào tạo (đại trà và theo hướng tự chủ) gồm: ngôn ngữ Anh, Hàn Quốc học, Nhật Bản học, du lịch, quan hệ quốc tế, báo chí. Học phí chương trình tự chủ cũng thực hiện theo lộ trình nhưng cao hơn không nhiều so với chương trình chất lượng cao đang áp dụng.
Lộ trình thực hiện tự chủ
Theo dự kiến của ĐH Quốc gia TP.HCM, lộ trình tự chủ ĐH sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện thí điểm tự chủ trong các trường đã có sự chuẩn bị và điều kiện thực hiện gồm: Công nghệ thông tin, Kinh tế - Luật và Bách khoa. Giai đoạn 2, đến năm 2020 trên cơ sở đánh giá hiệu quả của các đề án thí điểm sẽ xem xét lộ trình tự chủ với các trường: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa Y và Phân hiệu Bến Tre.
Hiện nay, Trường ĐH Quốc tế là trường thành viên đầu tiên đã thực hiện tự chủ. Học phí các ngành do trường này cấp bằng khoảng 42 triệu đồng/năm. Còn chương trình liên kết học phí giai đoạn 1 khoảng 56 triệu đồng/năm và giai đoạn 2 theo chính sách trường đối tác.

Nhiều sinh viên bỏ học không lý do

Trong bài tham luận của mình, 2 tác giả Phan Thanh Định và Phạm Thanh Duy, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã nêu ra thực trạng hiện nay nhiều sinh viên bỏ học không lý do đang trở thành vấn đề lớn không chỉ đối với trường ĐH này mà còn nhiều trường ĐH trong cả nước.
“Ngoài số sinh viên mượn trường làm điểm đỗ tạm thời trước khi đi du học thì còn có số sinh viên không nhỏ do không tìm hiểu kỹ chuyên ngành, khi theo học không thích nên bỏ học hoặc chuyển sang ngành nghề khác”, nhóm tác giả này lý giải.
Cũng trong bài tham luận này, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM mỗi năm có khoảng 400 - 500 sinh viên thuộc diện buộc thôi học. Số lượng sinh viên bỏ học đã ảnh hưởng đến việc thu học phí hằng năm của trường.
Cũng theo nhóm tác giả này, việc thực hiện tự chủ tại trường gặp nhiều khó khăn. Phần lớn chương trình đào tạo của trường là ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Một số sinh viên, nhất là những sinh viên khá giả thường mượn trường như một nơi để chuyển đổi tư cách từ học sinh sang sinh viên. Sau khi trở thành sinh viên họ được cha mẹ gửi đi nước ngoài học tập nên số lượng sinh viên giảm sâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.