Học nhiều nhưng biết ít

17/09/2013 03:00 GMT+7

Chương trình đào tạo ở các trường ĐH Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng dạy những điều không cần thiết, thiếu những điều thiết yếu của thực tiễn.

Học nhiều nhưng biết ít
Sinh viên hiện đang phải học nhiều môn nặng tính lý thuyết, thiếu thực tế - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học xong, không xài đến

Lê Đinh G., sinh viên (SV) chuyên ngành Đông Nam Á, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Trong quá trình học, em thấy có một số môn không áp dụng được gì đối với chuyên ngành của mình, có những môn giống như là để đủ tín chỉ thôi”.

Cụ thể hơn, nhóm SV học ngành tài chính khóa 15 Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, nhận định: “Ngành học của tụi em nên bỏ môn toán cao cấp vì kiến thức quá cao, học xong cũng không ứng dụng vào công việc, không cần xài đến nên cũng quên luôn. Trong khi có nhiều môn cần thiết thì lại nằm trong phần tự chọn như chứng khoán, toán tài chính, tiền tệ ngân hàng”. Nhóm SV này cũng cho biết thêm, nhiều môn chuyên ngành quan trọng cũng chỉ được học 3 tín chỉ, trong khi các môn không cần thiết thì học tới 5 tín chỉ.

 

Điều quan trọng là chuyên môn sâu thì SV lại nắm không chắc, kiến thức thực tế lại quá ít ỏi

Trần Thị Loan - Giám đốc chi nhánh Trường Sơn của Ngân hàng VIB

Hồ Kim Đ., SV ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, bày tỏ: “Chương trình đại cương học trong vòng 2 năm là hơi nhiều và lãng phí thời gian. Tụi em học tài chính và cả ngân hàng luôn nên đòi hỏi lượng kiến thức chuyên sâu rất nhiều. Vì thế em nghĩ nên rút ngắn thời gian học đại cương để dành thời gian cho các môn chuyên ngành”.

Không chỉ phân bổ thiếu hợp lý giữa các môn đại cương, cơ sở ngành với môn chuyên ngành, mà nội dung các môn học cũng không sinh động, thiếu thực tiễn.

Bùi Thiên H., SV Khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Giảng viên dạy môn triết hiện nay chỉ mang tính định hướng tư tưởng, chính trị chứ chưa biết mở rộng, nâng tầm cái hay, cái đẹp của môn học này cho SV biết. Các tiết học trôi qua chỉ là lý thuyết khô khan nên SV cảm thấy chán ngán. Một số môn chuyên ngành thì tụi em được học theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa”. Theo Hồ Kim Đ., môn thị trường chứng khoán rất cần thiết cho chuyên ngành tài chính ngân hàng nhưng học rất ít. Trường có sàn giao dịch chứng khoán ảo, nhưng năm thì tổ chức, năm thì không nên việc thực hành môn này cũng còn hạn chế.

Không vững chuyên ngành

Chính các giảng viên, cán bộ quản lý ở các trường cũng thừa nhận thực tế này. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, nhìn nhận: “Hiện nay, SV các trường vẫn bắt buộc phải học tuần tự các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành rồi mới đến chuyên ngành. Trong khi có nhiều chuyên môn có thể đi tắt để giúp SV chuyên sâu hơn, nhiều môn có thể giảm bớt thời lượng hoặc bỏ để thay bằng các môn khác cần thiết hơn”.

Tiến sĩ Lê Quang Đức, giảng viên Khoa Điện - Điện tử viễn thông Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Quả thực SV hiện giờ vẫn phải học những thứ không cần thiết, trong khi có những thứ cần thiết thì không được học”. Thực trạng này, theo ông Đức dẫn đến việc SV phải học quá nhiều môn thừa trong khi chuyên ngành lại nắm không vững.

Ông Đức diễn giải, 4 năm học gồm 8 học kỳ thì mất 3 học kỳ cho những môn đại cương, một học kỳ tốt nghiệp, chỉ còn lại 4 học kỳ cho chuyên ngành. Ông Đức dẫn chứng: Chẳng hạn môn rất quan trọng của ngành tự động hóa là kỹ thuật điều khiển động cơ, từ 6 đơn vị học trình giờ giảm xuống còn 2. Thời lượng quá ít ỏi bắt buộc giảng viên phải cắt bớt nội dung kiến thức. Môn quản lý dự án cũng rất cần thiết cho một kỹ sư, thế nhưng SV không được học...

Việc đào tạo thiếu tính ứng dụng, xa rời thực tế là một trong những lý do khiến các nhà tuyển dụng luôn than phiền về chất lượng SV tốt nghiệp.

Bà Trần Thị Loan, Giám đốc chi nhánh Trường Sơn của Ngân hàng VIB, kết luận: “Đa số SV ra trường, dù được tuyển dụng cũng vẫn phải đào tạo lại từ đầu. Hình như SV không được học về quy trình tín dụng vì các em không biết khi cho vay thì cần những thủ tục nào, pháp lý ra sao, sổ hồng, sổ đỏ là gì...”. Để chứng minh có những môn không cần phải dạy trong trường ĐH, bà Loan nói: “Ngành tài chính - ngân hàng ở nhiều trường đưa vào những môn như luật thương mại, luật kinh tế trong khi cái này SV có thể tự đọc trên mạng và tại các doanh nghiệp đều có bộ phận riêng lo vấn đề pháp lý. Điều quan trọng là chuyên môn sâu thì SV lại nắm không chắc, kiến thức thực tế lại quá ít ỏi”.

Chưa đủ sức xây dựng chương trình riêng

Nhằm giúp các trường chủ động thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cuối năm 2012, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh quy chế đào tạo ĐH, CĐ. Theo đó, hiệu trưởng các trường có quyền ban hành chương trình đào tạo của riêng trường thay vì bám vào chương trình khung theo quy định của Bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, năng lực của các trường hiện nay còn quá yếu để đáp ứng yêu cầu này.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nêu quan điểm: “Để xây dựng một chương trình đạt yêu cầu là rất khó, đòi hỏi phải có kinh phí và quy trình phức tạp. Hầu như chỉ những trường ĐH lớn được đầu tư bài bản thì mới đủ tầm để làm việc này”. Ông Quang thông tin thêm: “Hiện nay vì không có điều kiện nên các trường đào tạo những ngành giống nhau thường tham khảo của nhau, sau đó điều chỉnh chút ít cho phù hợp”. Xây dựng một chương trình đào tạo với các chuẩn đầu ra gắn với thương hiệu riêng là quá sức đối với nhiều trường.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thừa nhận: “Trước đây do năng lực các trường còn yếu, Bộ phải thống nhất chuẩn mực đào tạo chung bằng chương trình khung gồm nội dung phần cứng do Bộ quy định, chừa 30 - 40% phần mềm cho các trường tự xây dựng. Nhưng khi Bộ không bắt phải thực hiện chương trình khung nữa thì các trường lại không đổi mới được”. Chẳng hạn trong việc viết giáo trình. Tiến sĩ Lê Quang Đức phân tích: Giáo trình cho một môn học phải viết trong vòng 2 năm mới xong. Như vậy phải có 20 tiến sĩ viết trong vòng 2 năm để có 20 giáo trình cho riêng một ngành điện. Muốn đưa vào một môn học mới thì phải có giáo trình mới. Không phải trường ĐH nào cũng đủ lực làm điều đó nên chương trình đào tạo của các trường cứ na ná nhau, trường này sao chép của trường kia, không có đặc thù riêng.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.